Phát biểu bế mạc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo những nội dung của kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội chân thành cảm ơn các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về những đóng góp tích cực, góp phần làm nên một kỳ họp thành công với nhiều dấu ấn.

Qua mỗi một kỳ họp, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện, Quốc hội có thêm bài học quý để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 3, khóa XV, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 cũng như tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong các ngành, lĩnh vực, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm. Đồng thời dự báo những thuận lợi, nguy cơ, thách thức, nhất là những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản,... Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra.

5 Dự án luật được thông qua tại kỳ họp lần này là luật Cảnh sát cơ động, luật Điện ảnh (sửa đổi), luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và luật Sở hữu trí tuệ. Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cũng đã thông qua nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, 5 nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án đường giao thông quốc gia và nghị quyết về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV được cử tri đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng. “Đây là một kỳ họp hiệu quả. Tôi tin cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội cũng như là quyết tâm của Chính phủ. Những điều mà người dân bây giờ quan tâm ví dụ như giá xăng dầu hay những gói hỗ trợ. Tôi hy vọng rằng sau khi bế mạc, theo sự giám sát của Quốc hội, các vấn đề dân sinh như giá xăng, giá sách giáo khoa mà cử tri và nhân dân rất mong chờ sẽ có giảm. Kỳ vọng rằng Chính phủ sẽ quyết tâm làm ngay” – ông Lê Thanh Huyến, cử tri phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ.

Nhìn lại kỳ họp vừa qua, đa số các đại biểu đều thống nhất cho rằng đây là một kỳ họp rất hiệu quả với các nghị quyết được ban hành góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy phục hồi kinh tế -xã hội sau những ảnh hưởng sâu sắc của đại dịch Covid-19. Theo đại biểu Trương Xuân Cừ (ĐBQH TP. Hà Nội), một trong những yếu tố góp phần nên sự thành công của kỳ họp là công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo.

Các báo cáo, tờ trình của Chính phủ chuẩn bị rất nghiêm túc, chu đáo. Các báo cáo về công tác thẩm định của các Ủy ban của Quốc hội được tiến hành kỹ lưỡng và nghiêm túc. Các ý kiến tham gia trực tiếp của Thường vụ Quốc hội rất thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề, còn các đoàn đại biểu và các đại biểu tham gia bày tỏ hết sức trách nhiệm, có hàm lượng tri thức cao”- ông Trương Xuân Cừ nhận xét.

Với hơn 2.000 lượt đại biểu tham gia phát biểu ý kiến, tranh luận tại hội trường và ở tổ, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (ĐBQH TP. Hồ Chí Minh), đây là kỳ họp các đại biểu phát biểu sôi nổi và thẳng thắn với những ý kiến có chất lượng cao: “Có rất nhiều đại biểu tích cực phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, trong đó có những đại biểu mới lần đầu tham gia Quốc hội, nhưng cũng không e ngại. Đó cũng chính là cách thực hành tốt nhất những gì mà mình đã hứa với người dân khi được bầu”.

Một trong những hoạt động quan trọng tại Kỳ họp thứ 3 là Quốc hội đã dành 2 ngày rưỡi cho phiên trả lời chất vấn tại nghị trường của 4 “tư lệnh” ngành. Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Với gần 200 lượt đại biểu phát biểu và tranh luận, phiên chất vấn đã cho thấy các vấn đề được Quốc hội lựa chọn làm nội dung chất vấn là “trúng và đúng”, phù hợp thực tế, mong muốn của cử tri, được dư luận, đồng bào, nhân dân cả nước quan tâm, đồng tình. Các thành viên Chính phủ trả lời thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm với tư cách là tư lệnh ngành. Đại biểu Nguyễn Tạo (ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) cho rằng: “Các Bộ trưởng thể hiện tính tích cực cầu thị của mình và trả lời một cách nhanh gọn và đầy trách nhiệm, nhận trách nhiệm về những sự việc còn tồn tại của ngành mình quản lý. Ví dụ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính. Điều đó cử tri rất hoan nghênh. Đặc biệt là điều hành của Chủ tọa phiên họp. Tôi cho rằng nó khớp với nội dung và đúng đối với câu hỏi của đại biểu Quốc hội, kể cả việc trả lời và có liên đới giữa các ngành có liên quan”.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu, dù đã có nhiều thay đổi và nâng cao chất lượng cho các kỳ họp nhưng vẫn còn hiện tượng “dễ làm, khó bỏ” cần phải khắc phục ở những kỳ sau. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TP.HCM) thẳng thắn bày tỏ: “Thực ra đã có hiện tượng hễ cứ cái gì an toàn nhất thì làm, cho nên mấy cái mà dễ làm trước, còn những luật đang hết sức hóc búa, bức xúc trong người dân thì chúng ta lại cứ chần chừ, khóa 13 chừa lại cho khóa 14, khóa 14 chừa sang khóa 15... Xin nói chúng ta còn nợ dân rất nhiều những nền luật. Chúng tôi rất mong là đừng lý luận, phải chuẩn bị kỹ hơn. Phải đưa ra bàn bạc với nhau thì nó mới đi đến được hiệu quả. Rồi những bức xúc của người dân đôi khi chúng ta cũng chưa nắm bắt được hết. Cho nên rất mong là với khởi đầu tương đối thuận lợi, chúng ta tiếp tục phát huy, phải cố gắng hết mức".

Bên cạnh những thành công thì một chuyện đáng buồn tại kỳ họp lần này là Quốc hội phải thực hiện bãi nhiệm tư cách ĐBQH và cách chức đối với một ĐBQH. Tuy nhiên, điều đó cũng thể hiện sự kiên quyết trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Phát biểu kết thúc phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Để các luật, nghị quyết của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đi nhanh vào cuộc sống và sớm phát huy hiệu quả, ngay sau kỳ họp, Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các luật, nghị quyết vừa được thông qua, khắc phục tình trạng “quyết sách đúng - trúng - kịp thời, nhưng triển khai chậm - kém hiệu quả”. Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, động viên nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tiếp tục đồng sức, đồng tâm cùng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội”.

Với những nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp thứ 3 và các luật, chính sách mới được ban hành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, đông đảo cử tri cả nước rất kỳ vọng những nút thắt, điểm nghẽn sẽ từng bước được tháo gỡ, góp phần phục hồi kinh tế- xã hội của đất nước sau đại dịch Covid-19.