Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các mặt hàng đồ chơi cho trẻ, được rao bán rầm rộ, với đủ loại mẫu mã, chủng loại và giá thành khác nhau. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm trong số đó không rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu... Đáng lo ngại là có cả những loại đồ chơi bị cấm, hoặc thuộc diện cảnh báo với trẻ nhỏ khi sử dụng. Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, đi mua đồ chơi bây giờ rất khó vì đồ chơi phải đảm bảo được độ an toàn nhưng những đồ chơi bằng nhựa không rõ xuất xứ thì ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, đồ chơi bạo lực thì tác động đến sự phát triển nhân cách của trẻ.

Nhiều loại đồ chơi không rõ nguồn gốc thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. Các cháu nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể gây nên các căn bệnh về đường ruột, ho lao, viêm phổi... Thực tế là đã có rất nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng, thậm chí ngộ độc do dùng đồ chơi làm bằng nhựa. Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn những mặt hàng này phần vì chưa ý thức được sự nguy hiểm của những món đồ chơi không rõ nguồn gốc, phần vì chưa xác định được lựa chọn sao cho hợp lý. Thêm nữa, nhiều phụ huynh chọn đồ chơi vẫn là đáp ứng theo sở thích của các con.

Ngoài ra, những món đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và sự phát triển nhân cách của các em. Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, cha mẹ cần hiểu con đang cần cái gì. Con cần đồ chơi để kích thích sự sáng tạo, sự tìm tòi nhưng trẻ cũng cần một sự tương tác. Nếu như mua cho con một bồ đồ chơi đắt tiền, an toàn nhưng trẻ chơi một mình thì cũng không khiến trẻ có sự tương tác và phát triển về mặt nhân cách, tư duy. Mua đồ chơi cho con nhưng điều quan trọng là cha mẹ cũng phải dành thời gian chơi cùng con thì mới có sự tương tác.

“Nhân cách của trẻ được phát triển qua trò chơi, qua đồ chơi và những người chơi. Như vậy, nếu chỉ đưa cho trẻ những đồ chơi mà không chơi với trẻ, trẻ càng ít nhận được sự tương tác thì cái phần phát triển nhân cách, cái tôi của trẻ, ngôn ngữ của trẻ… không có sự phát triển” - chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hà lưu ý.

Đồ chơi có ý nghĩa vô cùng lớn đối với con trẻ. Vậy nên, ngoài việc lựa chọn những loại đồ chơi có chất liệu an toàn thì cha mẹ cũng phải quan tâm đến tính giáo dục của món đồ chơi đó. Các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, đồ chơi vi phạm thuần phong mỹ tục, như súng nén bằng hơi, bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại pháo…sẽ kích thích tính bạo lực trong trẻ. Chính vì thế chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, cần có những biện pháp ngăn chặn, xử lý, cấm lưu hành những loại đồ chơi ảnh hưởng xẩu đến trẻ nhỏ.

“Chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm đồ chơi thân thiện với môi trường được làm từ ống tre nứa, nó không quá nguy hiểm hoặc là có thể tự sản xuất đồ chơi từ rau củ quả… Đấy là cách kích hoạt được trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ. Đây cũng là sự đồng hành của cha mẹ cùng con để con phát triển cái tôi của mình, có sự sáng tạo và giúp con ý thức được việc chơi là việc rất quan trọng” - chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hà gợi ý.

Có thể nói đồ chơi không chỉ giúp trẻ có những giờ phút vui chơi thoải mái mà còn kích thích trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và phát huy sở trường của các con. Chính vì thế mà đồ chơi ngoài việc đảm bảo an toàn thì còn phải làm sao hấp dẫn được trẻ, tạo sự hứng thú cho trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ phải nắm bắt được tâm lý của các con ở từng giai đoạn, để giúp các con lựa chọn được các món đồ chơi hợp với sở thích và nhu cầu. Chuyên gia tư vấn tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, khi con ở lứa tuổi mầm non, cấp 1, cha mẹ cần phải chú trọng vào đồ chơi an toàn. Đến khi học cấp 2 thì trò chơi của các con mang tính trải nghiệm. Vai trò của cha mẹ lúc đấy là sự hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ trong trải nghiệm của các con.

Giữa “ma trận” các mặt hàng đồ chơi cho trẻ đang được rao bán rầm rộ, công khai trên mạng xã hội hiện nay, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải hết sức cảnh giác và sáng suốt với sự lựa chọn của mình, làm sao an toàn, chất lượng, hiệu quả nhưng cũng phải phù hợp với trẻ. Tất nhiên, cũng không nên dùng đồ chơi làm vật thay thế vai trò của cha mẹ, mà phải thường xuyên gần gũi, quan sát và định hướng cho con, chơi cùng con... Chính sự động viên của cha mẹ cũng là cách giúp trẻ thêm yêu thích các trò chơi và kích thích sự sáng tạo… Thông qua đó, trẻ sẽ học hỏi, phát triển và hình thành nhân cách tốt hơn.