Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, sau một tháng triển khai Nghị quyết 68 của Chính phru và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh, thành phố đã có cách làm sáng tạo, chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt công tác triển khai chính sách của TP. HCM, Hà Nội và một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai rất đúng hướng.

"TP. HCM vừa qua đã triển khai xong gói hỗ trợ lần một có trị giá 886 tỷ đồng và đang tiếp tục hỗ trợ cho nhiều hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. TP. Hà Nội vừa bổ sung thêm chính sách đặc thù hỗ trợ 10 nhóm đối tượng. Tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm tiền nhà trọ cho người lao động…" - Bộ trưởng dẫn chứng.

Ngoài những chính sách an sinh của Chính phủ, Nhà nước, với sự vào cuộc của toàn xã hội, các nhà hảo tâm trên tinh thần "ai có gì hỗ trợ đó" cũng đã góp phần hiệu quả hơn trong quá trình hỗ trợ người dân. Bộ trưởng đánh giá các mô hình thực tế, hiệu quả và sáng tạo như: Cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng… ở nhiều địa phương.

"Mô hình "túi an sinh”, tôi cho rằng đây là cách làm thiết thực, đảm bảo dân không bị thiếu, không bị đói. Qua đó giúp người dân yên tâm thực hiện Chỉ thị 16 "ai ở đâu, ở yên ở đó" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả được ghi nhận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắng chia sẻ một thực tế: Vẫn có tình trạng, những địa phương thực hiện giãn cách thì làm tốt, nhưng một số địa phương còn chưa quan tâm sâu sát đến vấn đề hỗ trợ người dân. Đây là nguyên nhân khiến việc hỗ trợ người dân, người lao động còn chậm:

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong khi công tác hỗ trợ lao động tự do khá tốt thì còn một bộ phận người lao động có hợp đồng lao động bị ngừng việc vẫn còn chậm được tiếp cận, nhất là công nhân ở các khu nhà trọ hay người lao động di chuyển về các địa phương.

Trước những khó khăn, tồn tại được chỉ ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 thông qua nhiều biện pháp đồng bộ và hiệu quả. Việc triển khai hỗ trợ cần nhanh, cụ thể và thiết thực, hiệu quả hơn. Trong đó cần ưu tiên quan tâm đến lực lượng lao động, công nhân bị mất việc, ngừng việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý: Cần chăm lo tốt hơn tới các đối tượng của ngành Lao động Thương binh và Xã hội, như: Người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… một cách thực chất hơn và quản lý tốt cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội"

Để tránh lây nhiễm chéo, Bộ LĐ-TB&XH đã có hướng dẫn trong thời gian giãn cách không tiếp nhận học viên cai nghiện vào cơ sở cai nghiện. Bởi thực tế cho thấy, hầu như các cai nghiện ma túy đang có nhiều F0, nếu đưa vào mà chưa thực hiện xét nghiệm có thể là nguồn lây vào trong các cơ sở này.

Trên cơ sở thành công bước đầu của mô hình "Túi an sinh" tại TP. HCM, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP. HCM đẩy mạnh và thực hiện chủ trương "1 triệu túi an sinh". Đây là giải pháp giúp người dân an tâm ở trong nhà.

"Túi an sinh là sáng kiến rất quan trọng, qua đó giúp các gia đình có thể sử dụng trong một tuần. Các cấp, ngành cùng hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh…" - Bộ trưởng cho biết.

Tới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ trình Thủ tướng cho phép sửa đổi Quyết định số 23 để tối giản thủ tục hành chính, bỏ các quy định về thuế, đảm bảo để doanh nghiệp, người dân, tiếp cận vốn vay trả lương, cũng như phục hồi sản xuất sau dịch.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, sau một tháng triển khai NQ 68 và Quyết định 23, số lao động đã được hỗ trợ trên cả nước là hơn 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng. TPHCM đã tiếp nhận chi trả hỗ trợ tới người dân, người lao động 788 tỷ đồng, Bình Dương đã tiếp nhận 349 tỷ đồng, Hà Nội tiếp nhận 386,8 tỷ đồng, Bến Tre tiếp nhận hơn 32 tỷ đồng, Hậu Giang tiếp nhận 12,3 tỷ đồng…