Sáng nay (19/6), Kỳ hợp thứ 5, Quốc hội khóa XV bước vào đợt làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại đây, những quy định về chính sách phát triển nhà ở xã hội được nhiều đại biểu quan tâm.

Điểm mới được mong chờ

Theo tờ trình của Chính phủ, một trong điểm mới đáng chú tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là bỏ quy định chủ đầu tư làm nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội. Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, quy định hiện nay là chủ đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội, nhưng thực tế bộc lộ nhiều bất cập. Bởi, nhu cầu nhà ở xã hội tại địa phương khác nhau, có nơi cần phát triển các loại dự án thương mại cao cấp, nghỉ dưỡng nên quy định “cứng” như vậy có thể ảnh hưởng kiến trúc cảnh quan, lãng phí nguồn lực đất đai. Mặt khác, phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Nhà nước. Chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong đầu tư kinh doanh đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước như tiền sử dụng đất, thuế, phí. Do vậy, việc không quy định thêm trách nhiệm của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị đóng góp kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), phần lớn các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo, nhất là điểm mới - bỏ quy định chủ đầu tư làm nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất để phát triển nhà ở xã hội. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp là một trong số đó. “Tôi thấy quy định trong luận hiện hành là các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội không còn phù hợp nữa, không cần thiết. Luật sửa đổi lần này nên để cho các địa phương linh động một tỷ lệ nào đó, vì ở nơi trung tâm sầm uất, địa tô cao, người thu nhập thấp chưa chắc đã mua được nhà và chịu các chi phí dịch vụ như những đối tượng khác”, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Dự thảo vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển, Đoàn Lâm Đồng cho biết, theo báo cáo đánh giá tác động thì chính sách về phát triển và quản lý nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua là 1 trong 8 nhóm chính sách quan trọng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ông thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Theo ông Nguyễn Văn Hiển, có hai vấn đề vướng mắc chính. Thứ nhất, chính sách và dự thảo đang đi theo hướng cố gắng bảo đảm cho người có thu nhập thấp và đối tượng chính sách được hưởng, sở hữu nhà ở xã hội thay vì bảo đảm cho người dân có quyền có chỗ ở hợp pháp. Chính sách và điều khoản trong dự thảo Luật Nhà ở dường như đang hướng đến mục tiêu cho người dân có quyền sở hữu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, người có thu nhập thấp, nhất là tại các đô thị chủ yếu là công nhân, người mới đi làm, có thu nhập thấp hơn mức trung bình. Trong khi nhà ở là tài sản quá lớn, quá sức đối với đại bộ phận người có thu nhập thấp cho nên việc mua, sở hữu một căn hộ dù là nhà ở xã hội trả góp cũng là gánh nặng tài chính quá lớn. Vì thế, nếu cứ theo mục tiêu này sẽ dẫn đến hệ quả người dân khai man các điều kiện về thu nhập, diện tích để hưởng lợi từ chính sách mua nhà ở xã hội với giá thấp. Trường hợp khác là người có tiền mượn tên công nhân để đăng ký mua, dẫn đến hiện tượng đầu cơ, làm cho nhà ở xã hội không phục vụ đúng đối tượng, mất đi ý nghĩa.

Vướng mắc thứ hai là việc không tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý, vận hành nhà ở xã hội. Trong đó, quá chú trọng đến ưu đãi dành cho bên cung - nhà đầu tư hơn là bên cầu - những người có thu nhập thấp.

Những quy định về đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này cũng bị bó hẹp. Đây là “góc nhìn” của đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn Hà Nam. “Tại khoản 6, Điều 73 của dự thảo luật có quy định: Công dân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Tôi thấy quy định như vậy là bó hẹp đối tượng hưởng lợi, vì thực tế có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nằm ngoài các khu công nghiệp. Họ phát triển khá mạnh. Theo đó, nhu cầu về nhà ở của người lao động ở khu vực này là không nhỏ. Để đảm bảo công bằng, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu mở rộng thêm các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; đồng thời xem xét lại quy định về điều kiện đối tượng được hưởng hỗ trợ về nhà ở xã hội”, đại biểu Phạm Hùng Thắng phân tích.

Đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chung góc nhìn về vấn đề này. Ông kiến nghị “Ban soạn thảo nên cân nhắc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đối với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người cao tuổi, neo đơn, tàn tật; học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người, vì đây là nhóm đối tượng luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực. Tỷ lệ nghèo ở đối tượng này cũng cao hơn gấp 2 đến 4 lần nếu so với các nhóm dân tộc khác”.

Nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nhà cho thuê

Để giải bài toán về thiếu hụt cũng như những bất cập về phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Hiển, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị, chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội là đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở. “Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân”, ông Hiển kiến nghị.

Cùng với đó, theo ông Hiển, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình cụ thể để có số lượng nhà ở xã hội đủ lớn, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông cũng kiến nghị sửa lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của một số nước, sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. "Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê", ông Hiển gợi ý, đồng thời cho rằng, nếu quy định như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị sẽ có thêm hy vọng được tiếp cận, nhở xã hội.

Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Trung Thành, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, đề xuất phát triển nhà ở xã hội theo hướng chỉ để cho thuê là giải pháp này hợp lý. Tuy nhiên, để thực hiện được thì Nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn. Bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân thì trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cần có quy định về phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng. Bởi hiện đang tồn tại một nghịch lý là trong khi nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển được nhiều thì nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư mặc dù không có bất kỳ sự ưu đãi, hỗ trợ nào nhưng lại phát triển rất nhanh, đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động.

“Chính sách, quy định của pháp luật hiện hành chưa quan tâm đến lĩnh vực loại hình nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng loại hình nhà này đều là tự phát, không được quản lý, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện riêng phù hợp. Điều này dẫn đến người thuê nhà vừa phải chịu những rủi ro về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vừa phải chịu những chi phí đắt đỏ hơn bình thường như các chi phí về điện, nước. Tôi đề nghị trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi cần có mục riêng quy định về chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng; quy định rõ việc khuyến khích xây dựng, điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng, việc quản lý đối với nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê…”, đại biểu Ngô Trung Thành kiến nghị.