Theo số liệu báo cáo trên hệ thống quản lý dữ liệu của BHXH Việt Nam, tính đến hôm nay ngày 14/10, toàn ngành BHXH đã có 363.600 doanh nghiệp thuộc diện nhận hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền tạm tính khoảng 7.600 tỷ đồng. Cơ quan BHXH cũng đã chi cho hơn 323.000 người đang làm việc tại doanh nghiệp với số tiền gần 760 tỷ đồng. Cùng với đó, hơn 87.600 người lao động dừng tham gia BHTN trước tháng 9/2021 cũng đã được nhận hỗ trợ BHTN.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam cho biết: Sau gần nửa tháng giải quyết chi trả BHTN, ngành BHXH Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề vướng mắc như: Nhiều người lao động chưa mở tài khoản cá nhân; có những trường hợp vô tình hoặc cố ý làm quá tải hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến công tác chi trả. “Có người trong một ngày đã gửi tới hơn 100 tin nhắn tới Cổng thông tin điện tử của cơ quan BHXH VssID khiến hệ thống quá tải. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để đối soát hồ sơ, sàng lọc thông tin” - ông Đỗ Ngọc Thọ cho hay. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết những vấn đề này đã được cơ quan BHXH giải quyết triệt để, do đó thời gian tới sẽ đẩy nhanh công tác chi trả BHTN.

Theo Ban Chỉ đạo hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (SDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ BHTN của BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp nhận hồ sơ để giải quyết và chi trả hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp: NLĐ tham gia BHTN trên cơ sở hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc đã giao kết với người SDLĐ và tại thời điểm ngày 30-9-2021, NLĐ chưa chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, có tên trong danh sách tham gia BHTN của cơ quan BHXH nên vẫn được coi là đang tham gia BHTN và được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đã đóng BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các đối tượng này bao gồm cả các trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, việc hưởng chế độ thai sản,… trong thời gian từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/09/2021 cũng như trước ngày 01/01/2020.

Thứ hai, phối hợp với cơ quan quản lý tài chính địa phương (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý); phối hợp với các bộ, ngành để xác định đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 và khoản 2 Điều 4 Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.

Thứ ba, đối với các vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, Ngành liên quan phối hợp để tháo gỡ.

Trong những ngày qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã và đang huy động tổng lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, để đảm bảo tiền hỗ trợ từ quỹ BHTN đến với NLĐ một cách nhanh nhất.

BHXH Việt Nam cho biết dự kiến có gần 13 triệu NLĐ và 386.000 doanh nghiệp được thụ hưởng từ chính sách này. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 38.000 tỉ đồng, trong đó trên 30.000 tỉ đồng chi hỗ trợ cho NLĐ từ nguồn kết dư của Quỹ BHTN và trên 8.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ tham gia BHTN.