Vượt qua nghịch cảnh

Rất nhiều người khi rơi vào cảnh ngộ khó khăn, bất hạnh thường mặc cảm, tự ti. Anh Vũ Phong Kỳ, quê ở tỉnh Nam Định, hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội không phải ngoại lệ. “Một số người tò mò, có những ánh mắt dò xét với khiếm khuyết trên cơ thể, vì thế trước đây em rất ngại đến chỗ đông người. Nhiều khi, gia đình người thân có việc lớn như tổ chức cưới, hỏi, em cũng không muốn đến dự”, anh Kỳ nhớ lại.

Anh Kỳ cho biết, khi sinh ra, anh bình thường như bao đứa trẻ khác. Lên 6 tuổi, anh bắt đầu bị những cơn đau về xương hành hạ. Đi khám, anh được chẩn đoán bị bệnh loãng xương. Dù đã được gia đình chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Theo thời gian, chân và tay của anh yếu dần. Chân bị gãy nhiều lần và cơ thể phát triển không bình thường. Đến năm 12 tuổi, anh buộc phải ngồi xe lăn. Sinh hoạt cá nhân, anh phụ thuộc rất nhiều vào người thân. Vì thế, dù học giỏi, anh vẫn xin nghỉ khi học hết lớp 9.

Tuy nhiên, dường như ông trời rất công bằng. “Ông trời không cho ai tất cả, cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Lấy đi cái này, nhất định ông trời sẽ bù lại cái khác”. Đôi chân không thể đi lại, đôi tay kém hoạt bát và sức khỏe kém nhưng bù lại, anh Kỳ có nghị lực phi thường.

Thay vì sống khép mình, từ năm 2018 đến2014, anh tự mày mò và tìm đến Trung tâm Nghị lực sống với khao chát cháy bỏng là có thể học nghề và tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe. Tại đây, chỉ sau hai tháng học về công nghệ thông tin, anh đã được Công ty TNHH Esoftflow (thuộc Tập đoàn Esoft Systems - một trong những tập đoàn hàng đầu của Đan Mạch chuyên phát triển, cung cấp các giải pháp và sản phẩm đồ họa) tuyển dụng, trở thành nhân viên đồ họa, chỉnh sửa ảnh.

Ngoài tiền lương ổn định từ công ty, anh còn nhận thêm việc từ một số đơn vị bên ngoài và chia sẻ với những người bạn cùng cảnh ngộ để đảm bảo tiến độ, đồng thời gia tăng thu nhập. Cứ như vậy, với sự chăm chỉ và nỗ lực không ngừng, anh đã dành dụm và mua tự mua cho mình một căn hộ ngay tại khu vực trung tâm Hà Nội với giá trị gần 2 tỷ đồng. “Năm 2020, sau nhiều lần đi thuê bị chủ đòi lại nhà, em quyết tâm mua một căn hộ. Lúc đó, giá mua là 1,7 tỷ. Em sửa chữa và mua sắm nội thất gần 200 triệu nữa. Bây giờ, giá trị căn hộ của em lên cao lắm vì thời gian qua, giá nhà chung cư tăng lên nhiều”, anh Kỳ tự hào.

Như một cách tri ân

Anh Kỳ chia sẻ, tiền bạc là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu quá tập trung vào việc kiếm tiền mà quên đi những điều quan trọng khác sẽ khiến cuộc sống thiếu ý nghĩa. Chính vì thế, dù thu nhập khi làm cho một công ty công nghệ của nước ngoài rất cao nhưng anh lại chọn quay về giảng dạy tại Trung tâm Nghị lực sống khi được lãnh đạo trung tâm mời. “Có những thời điểm em làm 3-4 việc, thu nhập khá tốt. Khi đó, em tự hỏi mình kiếm nhiều tiền nhiều để làm gì? Trả lời câu hỏi đó, em nhận ra rằng mình cần phải làm điều gì đó có ý nghĩa. Như một cách để tri ân những người đã giúp mình, em đã nhận lời mời của lãnh đạo Trung tâm Nghị lực sống và về đó giảng giạy. Tại đây, em có cơ hội để chia sẻ câu chuyện của đời mình, kiến thức cũng như kỹ năng em học được cho các bạn cùng cảnh ngộ. Qua đó, em có thể tiếp thêm tinh thần lạc quan, thôi thúc các bạn ấy vượt qua giai đoạn khó khăn như em từng gặp phải để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn”, anh Kỳ chia sẻ.

Đúng như kỳ vọng, tại Trung tâm Nghị lực sống, anh Kỳ vẫn đảm nhận vai trò của một người thầy dù lớp học không bảng đen, phấn trắng. Học viên của anh đều là những người khuyết tật. Ngoài việc truyền dạy kiến thức, anh Kỳ còn luôn chia sẻ về những gì xảy đến với bản thân, chông ai anh gặp phải và cách vượt qua để làm chủ cuộc sống.

Học viên của anh cũng vậy. Tìm đến Trung tâm nghị lực sống với mong muốn học nghề và tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe nhưng những gì họ học được không chỉ là các kỹ năng soạn thảo văn bản, sử dụng phần mềm excel, powerpoint, kỹ năng chỉnh sửa ảnh, làm video hoạt hình… Phạm Phúc Nam, quê ở Bắc Ninh là một trong số đó. “Em bị teo cơ, phải ngồi xe lăn. Trước kia em là người tự ti, cảm giác như người thừa của xã hội nên sống thu mình. Từ khi tham gia lớp học của thầy Kỳ tại Trung tâm Nghị lực sống, em thấy đời sống tinh thần của mình cải thiện nhiều, sống có lý tưởng và ước mơ. Mục tiêu trước mắt của em là học tốt để có việc làm, tự nuôi sống bản thân, Sau này, khi có điều kiện, em sẽ giúp những người khó khăn hơn mình. Đó là những gì em học được từ thầy Kỳ”, học viên Phạm Phúc Nam tâm sự.

Từ những lời động viên của người thầy khuyết tật Vũ Phong Kỳ, học viên Nguyễn Văn Dương, quê ở tỉnh Ninh Bình cũng thấy mình là người may mắn dù khó khăn trong việc vận động do mắc bệnh teo cơ. Hơn thế, nhờ kiến thức học được tại Trung tâm Nghị lực sống, Dương còn từng bước tạo cho mình lối sống tự lập. “Em thấy mình còn may mắn hơn thầy Kỳ, vì em đi lại dễ dàng hơn thầy. Điều đó thôi thúc em phải nỗ lực hơn. Thầy yếu hơn mình mà còn làm được như vậy, tại sao mình lại không?! Hiện tại, ngoài giờ học tại lớp của thầy Kỳ, em dùng kiến thức đã học được để làm thêm online, kiếm thêm thu nhập để trang trải sinh hoạt phí”, học viên Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Cứ như vậy, vừa giảng dạy kiến thức về công nghệ thông tin, vừa chia sẻ câu chuyện đời mình, anh Vũ Phong Kỳ đã giúp cho nhiều học viên khuyết tật sống tích cực hơn, dám ước mơ và từng bước hiện thực hóa mơ ước ấy.

Nghe bài viết dưới đây: