Theo thống kê của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nước ta có khoảng 16,8 triệu công nhân, hàng năm đang trực tiếp sản xuất, tạo ra trên 60% tổng sản phẩm trong nước và đóng góp 70% ngân sách Nhà nước. Là lực lượng có đóng góp lớn cho xã hội nhưng đời sống người lao động còn nhiều khó khăn, nhiều khu công nghiệp chưa có nhà ở cho người lao động, khoảng 70% lao động là người ngoại tỉnh phải đi thuê nhà. Do có thu nhập thấp nên hầu hết công nhân trong các KCN đều phải sống những ngôi nhà giá rẻ, chật hẹp, mất an ninh…. đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như đời sống của công nhân.

Tổng thu nhập của 2 vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung quê Phú Thọ chỉ hơn 10 triệu/tháng. Hiện gia đình chị đang thuê trong căn phòng chỉ 12m2 ở tổ dân phố số 5, thôn Gia Thượng, xã Quang Minh, huyện Mê Linh. Do giá rẻ nên căn phòng đã xuống cấp, nóng bức vào mùa hè, ẩm thấp vào mùa mưa. Thương con, vợ chồng Nhung cố gắng chắt bóp mua chiếc điều hòa nhiệt độ để làm mát không khí, cũng là để đỡ ẩm thấp, vậy là mỗi tháng, anh chị lại cõng thêm hơn 1 triệu tiền điện, tiền nước…. Chị mơ ước được Nhà nước hỗ trợ thuê một căn nhà khang trang, giá cả phải chăng để vợ chồng chị đỡ vất vả.

Cũng cùng cảnh công nhân lao động nghèo, anh Nguyễn Hữu Chính 36 tuổi từ Tuyên Quang xuống Hà Nội làm việc trong một doanh nghiệp đóng tại huyện Gia Lâm luôn mơ ước có một ngôi nhà nhỏ. Bao nhiêu năm làm việc, vợ chồng anh không bao giờ dám tiêu phung phí, mỗi năm chỉ dám về quê một đôi lần, ở nhà trọ chỉ hơn chục mét vuông, tất cả chỉ với mục đích tích cóp tiền mua nhà, dù là nhà ở xã hội. Thế nhưng 3 năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra tới nay, thu nhập của hai vợ chồng giảm sút, phải lấy tiền tích lũy để chi tiêu, cứ đà này không biết đến bao giờ, gia đình anh mới có được nơi “an cư”:

Ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: hiện nay ở nhiều khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân, dẫn đến tình trạng nhiều KCN chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Thời điểm dịch bùng phát mạnh ở một số địa phương như TPHCM, Bình Dương vào năm 2021 chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều hàng nghìn lao động chấp nhận về quê hương, bỏ lại sau lưng giấc mơ lập nghiệp tại thành phố. Chính vì không có nhà ở, không có tổ ấm, khiến công nhân, người lao động phải dứt áo, bỏ việc làm, công xưởng, nhà máy để trở về quê. Ông Tiến chỉ ra nguyên nhân: Chính sách về nhà ở hiện nay còn bất cập. Tại Luật Nhà ở chưa có quy định về miễn, giảm tiền thuê đất đối với các dự án nhà ở cho công nhân nằm trong quy hoạch các KCN. Điều này dẫn tới các khu nhà ở cho công nhân tại các KCN, khu chế xuất không được miễn tiền sử dụng đất, làm cho giá cho thuê nhà ở cho công nhân còn cao. Cùng với đó, tại các khu công nghiệp chủ yếu thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất chứ chưa thực sự quan tâm đến đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội mà cũng bỏ ngỏ vấn đề nhà ở cho người lao động.

Để bảo đảm đồng bộ và gắn với trách nhiệm của các nhà đầu tư trong việc bảo đảm nhà ở cho công nhân, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung quy định dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp, coi nhà ở cho công nhân là một phần của hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp. Chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm đầu tư nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có chính sách ưu đãi cho người lao động vay tiền để mua, thuê mua nhà ở xã hội với giá rẻ, phù hợp với thu nhập của công nhân. Có như vậy, giấc mơ “an cư” của người lao động mới bớt xa vời./.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trò chuyện của phóng viên với ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn tại đây: