Hiện nay, rác thải đang trở thành vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê, lượng rác thải mỗi ngày tại Việt Nam là vào khoảng 50.000 tấn. Và phần lớn lượng rác thải hiện nay đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp hoặc đốt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong số các bãi chôn lấp hiện nay chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Các bãi chôn lấp đang trong tình trạng quá tải và gây ô nhiễm môi trường. Đối với lò đốt rác, 77% lò đốt đạt tiêu chuẩn nhưng cũng đang ngày càng xuống cấp.

Vì vậy quy trình phân loại – thu gom – vận chuyển – xử lý phải được đầu tư thực hiện bài bản. Trong đó mấu chốt vẫn là khâu phân loại rác thải tại nguồn, nếu giải quyết tốt phân loại rác thì quá trình thu gom cũng như xử lý sẽ được thực hiện triệt để, nhanh chóng, dễ dàng, qua đó góp phần giảm lượng rác thải cần xử lý, tăng lượng rác thải có thể tái chế, TS Lương Thị Mai Ly, Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định.

Thế nhưng, hầu hết người dân đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trong những năm qua, nước ta đã triển khai thực hiện việc phân loại rác ở một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, TPHCM… hay dự án 3R bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản ở Hà Nội, tuy nhiên, kết quả thu lại không như mong đợi.

Theo các chuyên gia, các dự án này mới dừng lại ở mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ sở vật chất đồng bộ từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý. Rác thải sau khi phân loại tại các hộ gia đình ở các khu vực áp dụng dự án vẫn được tập kết chung, vận chuyển trên các xe chở rác chung.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi. Trong đó bổ sung một quy định mới rất đáng chú ý đó là: xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31/12/2024) sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt. Các chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội tốt để mỗi người dân tập làm quen với việc phân loại rác hằng ngày, trước khi việc xử phạt được áp dụng

Thực tế cho thấy, muốn biến rác thành tài nguyên và giảm thiểu những hệ lụy đối với môi trường thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân loại rác ngay tại các gia đình, và điều này phải bắt nguồn từ ý thức của mỗi người. Hiểu được điều đó, trong những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tuyên truyền vận động hội viên cũng như người dân thực hiện phân loại rác thải ngay tại nhà. Một trong số đó là mô hình “Biến rác thành tiền – Gây quỹ từ thiện” ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Từ năm 2018, không gian của nhà văn hóa, góc sân khu tập thể hay khoảng trống ở các vườn hoa của phường Tân Mai, đã trở thành nơi tập kết, thu gom và phân loại rác tái chế của các chi hội phụ nữ nơi đây vào mỗi cuối tuần. Để thay đổi thói quen phân loại rác đã tồn tại bao lâu nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Mai đã phải dành nhiều thời gian đi đến từng hộ gia đình để thu gom rác tái chế, cũng như kiên trì vận động, phân tích những lợi ích thiết thực của việc phân loại rác thải tại nhà tới từng người dân.

Không chỉ thu gom, phân loại rác trong nhà mà khi đi trên đường, ngõ phố nếu nhìn thấy rác thải vô cơ, hội viên phụ nữ cũng thu gom lại rồi cuối tuần đem về nơi tập kết để bán. Số tiền thu được, Hội sử dụng để hỗ trợ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, 11/11 chi hội ở phường Tân Mai đã triển khai mô hình này bởi không chỉ hội viên phụ nữ mà người dân đã nhận thấy ý nghĩa mà mô hình mang lại.

TS Lương Thị Mai Ly, Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, để nhân rộng những mô hình thiết thực như của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Tân Mai cần phải có một hệ thống truyền thông rộng rãi, cũng như cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí đảm bảo đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo đồng nhất, mang tính chuyên nghiệp cơ giới hóa. Cần có quy hoạch các điểm tập kết rác, xử lý rác thải theo các loại sau khi phân loại phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường theo đúng quy định. Mọi cá nhân, tổ chức đều được huy động tham gia.

Và hơn lúc nào hết, thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi là yếu tố mấu chốt quyết định sự thành công của mọi chính sách, pháp luật, trong đó có quy định về phân loại rác thải tại nguồn. Chỉ khi mỗi người nhận ra việc phân loại rác thải thực sự đem lại lợi ích cho chính cá nhân, gia đình bạn thì sẽ tự nguyện thực hiện việc phân loại rác. Chúng ta “Hãy phân loại rác và thực hiện các biện pháp: Tiết giảm, tái chế, tái sử dụng chất thải”.

Nếu như không thay đổi hành vi, với số lượng rác thải khổng lồ thu gom hàng ngày thì việc không phân loại rác ngay tại nguồn sẽ khiến cho những người làm công tác thu gom gặp rất nhiều khó khăn và gây quá tải cho các bãi rác. Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nhà nếu làm tốt còn giúp đem lại nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ từ các rác thải có thể tái chế và tái sử dụng được.

Mời nghe âm thanh tại đây: