Với mục tiêu trở thành điểm đến di sản không rác thải nhựa, thành phố Huế đang có những động thái tích cực trong việc chống lại ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp dịch vụ địa phương tích cực tham gia vào kế hoạch giảm nhựa, đồng thời cung cấp các dịch vụ thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cộng đồng và du khách. Các dịch vụ này không chỉ tập trung vào việc cung cấp sản phẩm không sử dụng nhựa, mà còn hướng tới việc giáo dục nâng cao nhận thức, tạo động lực cho người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm. Nhờ sự chủ động và cam kết của các doanh nghiệp dịch vụ, cộng đồng địa phương và du khách đang dần chuyển hướng tiêu dùng sang các lựa chọn thân thiện với môi trường, tiến tới mục tiêu giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường, góp phần bảo vệ gìn giữ di sản của thành phố.

Villa Huế là một trong số các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ du lịch ở tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia kế hoạch giảm sử dụng nhựa dùng một lần trong các hoạt động kinh doanh du lịch. Với không gian xanh mát, thoáng đãng, Villa Huế là một trong những cơ sở lưu trú tạo ấn tượng với du khách. Các vật dụng nhựa được thay thế bằng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện môi trường như tre, giấy, dừa… Quy trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải thực hiện nghiêm ngặt.

Từ việc hạn chế sử dụng nhựa, mỗi năm khách sạn Villa Huế tiết kiệm hơn 100 triệu đồng chi phí. Năm 2024, khách sạn mở rộng phạm vi chuyển đổi và thay thế các vật liệu, sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Villa Huế chia sẻ, khách sạn áp dụng nguyên tắc 6T trong quản lý rác thải (Từ chối - Tiết giảm - Tái sử dụng - Thay thế - Tái chế - Thu gom): "Năm 2024, kế hoạch chúng tôi tổ chức ít nhất hai sự kiện nâng cao giáo dục, nhận thức cho nhân viên; đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích khách hàng đồng hành cùng chương trình giảm thải rác thải nhựa. Khách hàng hưởng ứng tham gia sẽ nhận được những phần quà của khách sạn. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh việc tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa."

Không chỉ Huế mà nhiều địa phương trên cả nước cũng đã từng bước thực hiện "chuyển đổi xanh", hướng tới "nói không với rác thải nhựa". Tuy nhiên chất thải nhựa vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam và các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Lượng chất thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu mỗi năm đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có đến 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là túi nilon khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần đã đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.

Nhận thức được vai trò trong giải quyết cuộc khủng hoảng chất thải nhựa toàn cầu, Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa để bảo vệ môi trường sinh thái biển và đại dương. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT ngày 7/11/2023 về tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với Bao bì nhựa thân thiện môi trường.

TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng việc thúc đẩy người tiêu dùng và cả nhà sản xuất chuyển đổi từ sản phẩm nhựa sang sản phẩm thân thiện môi trường có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa và bảo vệ môi trường bởi việc đó sẽ góp phần giảm phát sinh rác thải nhựa, góp phần đạt được các mục tiêu của Chính phủ về giảm ô nhiễm chất thải nhựa cũng như xu hướng toàn cầu.

Trong một nghiên cứu gần đây do Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF cho thấy: giá thành của các sản phẩm thay thế có mức cao hơn khoảng 10%-20% so với các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni-lông khó phân hủy thông thường, trong khi đặc tính về độ bền, tiện lợi, dẻo dai... không so sánh được với sản phẩm nhựa dùng một lần cũng là các rào cản ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ của các sản phẩm thay thế này, dù lợi ích về môi trường là khá rõ ràng. Thị trường trong nước của sản phẩm thay thế còn thấp, chưa cạnh tranh được với thị trường sản phẩm nhựa dùng một lần, chủ yếu cung cấp cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn, chuỗi kinh doanh đồ thực phẩm, vui chơi giải trí, hàng không.

TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng việc xác định các thị trường tiềm năng trong thời gian tới là một trong những yếu tố then chốt để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm thay thế nhựa xác định chiến lược kinh doanh và mở rộng sản xuất: "Chính phủ đã ban hành lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa trong Luật bảo vệ môi trường 2020, trong Nghị định 08 năm 2022 của Chính phủ. Theo đó là từ sau năm 2025 thì sẽ không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần ở trung tâm thương mại, các siêu thị, các khu du lịch, khách sạn. Còn sau 2030, chúng ta sẽ dừng sản xuất và tiêu thụ, sử dụng ở các nơi khác. Rõ ràng chúng ta đã có một lộ trình rất cụ thể, doanh nghiệp cần phải nắm bắt được lộ trình này, chính sách này. Bên cạnh đó, tôi cho rằng một số yếu tố khác doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc đó là bây giờ nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế nhựa và thị trường của các sản phẩm thay thế này đang ở mức như thế nào? Doanh nghiệp cũng cân nhắc đó là hiện trạng công nghệ và thực lực tài chính của mình đang ở mức nào. Từ đấy có lộ trình có những chiến lược và có kế hoạch để dần dần tiếp cận các sản phẩm thân thiện môi trường."

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của TS. Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường: