Chính phủ đã xác định công nghệ (ở đây được hiểu là ICT – công nghệ thông tin, viễn thông) là một trong các yếu tố quan trọng của quốc gia để phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19. Trên thực tế, công nghệ đã có vai trò đắc lực trong phòng chống đại dịch. Tuy nhiên, việc này có thể mang lại hiệu quả tốt hơn nữa nếu được điều chỉnh kịp thời.

Ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch, vai trò không thể phủ nhận

Trao đổi với VOV2, ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, sau gần 2 tháng hoạt động, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid- 19 Quốc gia đã xây dựng, triển khai và đang vận hành 6 nền tảng công nghệ phòng, chống dịch được dùng chung trên toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế, nền tảng quản lý các điểm ra vào bằng mã QR, nền tảng truy vết lây nhiễm, nền tảng quản lý cách ly, nền tảng quản lý xét nghiệm và nền tảng quản lý tiêm chủng. Dữ liệu của các nền tảng đã được kết nối, liên thông và tổng hợp về một kho dữ liệu chung do Bộ Y tế và Bộ TT&TT quản lý.

Ông Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh, với nền tảng về quản lý tiêm chủng đang bắt đầu triển khai rộng rãi ở các địa phương cho phép người dân đã đăng ký, lên lịch tiêm qua Cổng tiêm chủng quốc gia hoặc qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Điều này rất hữu ích cho ngành y trong việc lên kế hoạch tiêm, phân phối vaccine, đặc biệt là về lâu dài thì ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử cũng sẽ góp phần hình thành hồ sơ sức khỏe toàn dân, giúp cho việc thực hiện chuyển đổi số ngành y.

Ngoài 6 nền tảng chính, Trung tâm cũng đã kết nạp thêm một số các nền tảng hữu ích khác phục vụ người dân và ngành y. Cụ thể như trong thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai rất tốt nền tảng điều phối xe cấp cứu, giúp tối ưu hóa nguồn lực của đội ngũ tình nguyện vận chuyển bệnh nhân F0. Ngoài ra, nền tảng cấp mã phương tiện vận tải trong luồng xanh cũng được đánh giá tích cực.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cũng đề cao việc phát triển sử dụng các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã tiết kiệm được nguồn lực, số liệu được cập nhật kịp thời, chính xác, tạo thuận lợi cho cả người dân và cơ quan quản lý.

​Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp (CMC TS), Tập đoàn công nghệ CMC cũng khẳng định, việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19 đã mang lại hiệu quả tốt. Thời gian qua, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia cũng đã làm được rất nhiều việc để hỗ trợ tích cực trong phòng chống dịch. “Tôi nghĩ nếu không có nền tảng của của Trung tâm thì chắc là chúng ta còn gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Kim Cương khẳng định.

Khi quá nhiều, app sẽ thành …rác

Không thể phủ nhận những ứng dụng khai báo y tế online đang mang lại nhiều tiện ích, giúp người dân có thể khai báo mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc tồn tại gần chục ứng dụng để khai báo y tế và đi lại với các cơ quan chức năng đang khiến người dân như bị lạc trong một ma trận ứng dụng và gây không ít khó khăn trong quá trình sử dụng. Và điều này không những không hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch mà nhiều khi do phải thực hiện yêu cầu khai báo tại các chốt kiểm soát lại gây ra tình trạng ùn tắc, tập trung đông người, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Như ông Nguyễn Thành Nam đã khẳng định ở trên, Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 đã tạo dựng được tới …6 nền tảng công nghệ phục vụ phòng chống Covid.

“Trước tôi cài Bluezone để biết mình tiếp xúc với những ai, có F nào không? Nhưng giờ chủ yếu app báo tin tức, nó không đúng chức năng của app. Nhiều app quá, nhiễu loạn”, đó là ý kiến một người dân bức xúc khi quyết định xóa ứng dụng Bluezone khỏi điện thoại.

Còn với anh Nguyễn Mạnh Hùng ở Quảng Ninh, một người đã trải nghiệm gần hết các ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch hiện nay, thẳng thắn nói anh sẽ gỡ ứng dụng Bluezone vì hiện tại có quá nhiều ứng dụng liên quan đến Covid-19: “Hôm đi tiêm vaccine trong giấy tiêm yêu cầu là khai trên tokhaiyte cơ, chứ không phải là Bluezone. Như vậy Bluezone có cũng chẳng để làm gì, vì cái chức năng truy vết hay phát hiện F0 của Bluezone tôi chả hiểu nó có thực chất không”.

Cũng cần nói thêm, ứng dụng Bluezone được phát triển bởi BKAV của ông Nguyễn Tử Quảng, một người khá nổi tiếng trong giới ICT nhiều năm qua vì các lý do khác nhau. Ông Quảng còn có biệt danh “Quảng nổ” do khả năng quảng bá xuất sắc cho các sản phẩm dịch vụ ông tham gia phát triển, dù trên thực tế khó kiểm chứng hoặc không có cơ hội được trải nghiệm những điểm xuất sắc ấy trên sản phẩm. Hồi tháng 6/2021, báo chí còn đưa tin ông Nguyễn Tử Quảng được coi là có vai trò như kiến trúc sư trưởng về công nghệ của Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19!

Khi chương trình tiêm vaccine phòng chống Covid-19 được bắt đầu, người dân còn được cài đặt, sử dụng thêm với một nền tảng công nghệ mới, là ứng dụng Sức khỏe điện tử, để khai báo thông tin, tình trạng sức khỏe, đăng ký tiêm chủng, tình trạng đã tiêm hay chưa. Nhưng đến nay, khi Việt Nam đã tiêm được 15 triệu mũi vaccine, thì rất nhiều người, thậm chí đã tiêm đủ cả 2 mũi vẫn được ứng dụng này xác nhận … chưa hề tiêm vaccine!.

Chưa hết, ngoài các ứng dụng Bộ Y tế và Bộ TT&TT, hiện còn có thêm cả ứng dụng của Bộ Công an để lấy mã QR code khi di chuyển, quản lý di chuyển của công dân vùng dịch với tên gọi ứng dụng quản lý "di biến động dân cư". Ứng dụng này, với ưu điểm đặc biệt là sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư mà Bộ Công an đang xây dựng, khi triển khai tại TP. HCM lại gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, khiến rất đông người phải tập trung lại một điểm trong lúc thực hiện giãn cách khiến Bộ Công an và TP. HCM đã tạm dừng thí điểm ứng dụng này.

Rồi từng tỉnh, từng ngành lại dùng ứng dụng riêng. Như Đà Nẵng, Quảng Nam có hệ thống khai báo y tế, kiểm soát ra/vào qua website tích hợp trên cổng thông tin chính quyền; Vĩnh Phúc, Hải Dương dùng ứng dụng Zalo để trả mã QR cho người dân sau khi khai báo y tế. Còn một số chợ ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) quản lý khai báo y tế của người đi chợ bằng cách ghi thông tin vào cuốn sổ và đóng dấu "đã khai báo y tế" lên tay người dân...

Câu hỏi người dân đặt ra, là tại sao lại nhiều ứng dụng như vậy ? Vừa khó sử dụng, vừa trùng lắp, thậm chí ở một mức độ nhất định, là triệt tiêu vai trò giữa các ứng dụng với nhau. Trong khi đó, ở thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay, mọi giải pháp đều cần hướng tới việc mang lại hiệu quả cao nhất, nhanh chóng nhất kiểm soát được dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng Cục Tin học hóa cho rằng, đây một bất cập đã được nhìn thấy. Theo ông Nam, khi các ứng dụng phát triển tràn lan và không đồng bộ trên một nền tảng dữ liệu thống nhất là không tốt và có thể gọi chung, đó là những ứng dụng rác. Những dữ liệu sẽ bị phân mảnh và xảy ra tình trạng ngộ độc dữ liệu. Bởi vậy rất cần thiết phải quy hoạch được ứng dụng.

Từ góc độ một chuyên gia, ông Nam cũng cho biết, hiện nay các ứng dụng do Trung tâm công nghệ chống dịch Covid- 19 quốc gia phát triển đều hoạt động trên một nền tảng dữ liệu thống nhất, cấp mã QR thống nhất. Dù là ứng dụng nào thì cũng dùng chung mã, được liên thông với nhau. Mỗi app có một chức năng riêng và đều khai thác chung một kho dữ liệu. Mỗi người dân có thể tùy theo nhu cầu sử dụng của mình mà chọn lựa những app phù hợp và ông mong là người dân không hoang mang khi có quá nhiều ứng dụng.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến các ứng dụng có liên quan đến phòng chống Covid-19 nở rộ theo kiểu thiếu tập trung như vậy? Phải chăng do chúng ta chưa xây dựng được một chiến lược chung, hay do thiếu một kiến trúc sư trưởng ở quy mô quốc gia cho việc hoạch định chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông vào phòng chống Covid-19?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Kim Cương cho rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu 2 thứ: Một là thiếu quy hoạch tổng thể, cơ quan nào được quyền thu thập thông tin và chia sẻ thông tin đó cho ai. “Nếu chúng ta có một quy định chung ở cấp quốc gia thì khi một người đến một địa điểm nào đó và thực hiện khai báo y tế dù bằng bất kỳ ứng dụng nào, kể cả là khai báo bằng giấy hay khai báo Bluezone, đều phải đưa về cùng một địa chỉ tập trung do Chính phủ chỉ định thì sẽ có ngay một cơ sở dữ liệu tập trung và người dân sẽ không cần phải khai báo nhiều lần”, ông Nguyễn Kim Cương nhấn mạnh.

Cái thiếu thứ hai mà ông Cương nhắc đến đó là thiếu một quy hoạch để không xảy ra việc phát tán chia sẻ dữ liệu tràn lan. Và quy hoạch này phải từ cấp Chính phủ. Nếu không có quy hoạch này thì việc xây dựng và phát triển các ứng dụng tràn lan như thời gian vừa qua vẫn tiếp tục diễn ra.

Cần thiết có một giải pháp công nghệ tích hợp sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Thực tế đang đòi hỏi là cần tích hợp và thống nhất các tính năng có liên quan đến phòng chống Covid-19 vào trong một ứng dụng duy nhất, có tính chất quốc gia và liên thông dữ liệu, được phối hợp phát triển bởi các bộ ngành, thay vì tạo ra nhiều app khác nhau.

Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, việc dữ liệu cần được đồng bộ trong kho dữ liệu chung thì về cơ bản hiện nay đã được triển khai gần như hoàn thành. Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid- 19 quốc gia cũng đã đồng bộ các dữ liệu khai báo y tế từ 3 ứng dụng chính là Bluezone, NCOVI và VHD (VietNam Health Declaration). Kho dữ liệu này do Bộ Y tế trực tiếp quản lý.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Kim Cương, việc triển khai một ứng dụng toàn dân là cần thiết. Ở thời điểm hiện tại mọi người đều rất nóng lòng muốn chung tay cùng với cả nước để đẩy lùi dịch Covid- 19 vậy nên khi có lời kêu gọi của Chính phủ, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoàn toàn sẵn sàng tham gia làm một cách tự nguyện, phi lợi nhuận. Và ông tin với năng lực của các doanh nghiệp công nghệ ở nước ta đủ sức để xây dựng một ứng dụng duy nhất và liên thông dữ liệu, thay vì tạo ra nhiều app như hiện nay. Tuy nhiên, mấu chốt cuối cùng mà ông Cương nhấn mạnh là cần một đầu mối cầm trịch đủ năng lực, vật lực và quyền lực để điều hành công việc này, tạo sự thống nhất giữa các bộ ngành.

Chiến lược chống dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua với nhiều mũi tấn công như: 5K, truy vết, vaccine và công nghệ đã mang lại hiệu quả tốt ở từng thời điểm. Về yếu tố công nghệ, vấn đề cần quan tâm và giải quyết ngay lúc này là cần một chiến lược chung, cụ thể trong ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong phòng chống Covid-19 cũng như cần một kiến trúc sư trưởng ở quy mô quốc gia để điều hành, phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành và hình thành các giải pháp công nghệ thực sự hoàn thiện, tạo sự dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng cho người sử dụng. Có làm được như vậy thì việc tận dụng sự phát triển công nghệ trong công tác phòng chống dịch mới đạt được hiệu quả như mong muốn./.