Tiền công đức không phải "tiền chùa"

Từ xưa tới nay, việc “phát tâm công đức giọt dầu” là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Cùng với nhu cầu tâm linh và sự phát triển của xã hội, chùa không chỉ là nơi hành lễ mà còn là địa điểm du lịch. Vì thế tiền công đức cũng nhiều hơn, tiền công đức được dắt ở nhiều nơi từ mâm lễ đến tay tượng Phật.

Theo số liệu thống kê, chỉ mấy ngày khai hội, đã có hàng trăm nghìn lượt người đổ về chùa Hương, dự kiến trong 3 tháng lễ hội, số tiền thu được sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng; còn tại Yên Tử mỗi năm cũng đón hơn một triệu lượt khách, số tiền thu được đạt hơn 40 tỷ đồng. Đặc biệt, tại chùa Ba Vàng, số tiền ước tính cũng lên đến hàng trăm tỷ mỗi năm…Với số tiền lớn như vậy nhưng ở nhiều nơi việc quản lý lại chưa minh bạch, rõ ràng khiến không ít người như chị Lê Thị Thương ở tỉnh Nam Định tỏ ra nghi ngờ không biết tiền công đức sẽ đi về đâu, được sử dụng vào mục đích gì?

Những băn khoăn của chị Thương và của nhiều phật tử khác cũng là điều dễ hiểu bởi trước đây đã có không ít các trường hợp nhà sư cầm sổ đỏ của chùa, vay tiền tỷ của phật tử để xây chùa sau đó không thể hoàn trả, nhà sư đầu tư chứng khoán, lại có không ít những trường hợp người tiếp nhận lấy tiền công đức của dân để mua ô tô, xây nhà...

Theo PGS - TS Bùi Xuân Đính - Chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương, cơ chế quản lý tiền công đức còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau đã dẫn đến câu chuyện trục lợi tiền công đức, gây ra những nghi kỵ và tranh chấp lẫn nhau trong cộng đồng.

Thông tư 04/2023 - Hành lang pháp lý về quản lý thu chi tiền công đức

Câu chuyện sử dụng “tiền chùa” đã tạo nên những luồng ý kiến không mấy tích cực. Trước những bất cập này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Theo đó, ban tổ chức phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí từ các nguồn, tiền công đức cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, thanh toán điện tử.

Mở sổ ghi chép đầy đủ khi tiếp nhận tiền mặt. Tiền này nếu chưa sử dụng tới phải gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để đảm bảo quản lý an toàn, minh bạch. Mở sổ kế toán, hạch toán thu chi. Kết thúc năm tài chính phải lập báo cáo quyết toán…

Những quy định này không áp dụng cho việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được cấp bằng xếp hạng di tích hoặc chưa nằm trong danh mục kiểm kê di tích của địa phương.

Đây là lần đầu tiên, các khía cạnh về quản lý thu chi tài chính trong hoạt động lễ hội, trong phục dựng, tu bổ di tích được quy định thành văn bản pháp luật, tương đối cụ thể, với từng loại hội, loại di tích, loại tài chính, là cơ sở để hướng tới sự công khai, dân chủ trong việc quản lý nguồn thu - chi trong các di tích, trong hội, tránh tình trạng “vào bao nhiêu không biết, ra bao nhiêu chẳng hay”.

Việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ là hợp lý. Điều này càng đúng hơn khi xem xét các nguồn thu này là rất nhạy cảm và phức tạp, và xu thế quản lý đề cao tính phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm.

PGS - TS Bùi Xuân Đính cho rằng, trong điều kiện công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng phát triển như hiện nay, việc công đức, tài trợ nếu thực hiện bằng hình thức chuyển khoản cũng là phù hợp với điều kiện của một số đối tượng, nhất là người ở xa quê, người bận công việc, không thể về trực tiếp công đức tại di tích, vào dịp hội làng được nhưng phải đảm bảo tính công khai, dân chủ. "Nếu chỉ quản được đầu vào mà không quản lý được đầu ra thì chỉ là hình thức không ngăn chặn được những hành vi tư túi, lợi dụng kẽ hở để trục lợi, sử dụng tiền công đức ngoài mục đích""- PGS - TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh.

Các khoản tiền công đức, đóng góp thường được các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng vào năm mục đích chính như nuôi bộ máy hành chính, để tu sửa, nâng cấp kiến trúc, mua trang thiết bị, vật tư, đồ tế lễ. Tiền công đức cũng dùng để tổ chức các hội nghị, hội thảo và tài trợ, giúp đỡ những đồng bào nghèo đói, lũ lụt và một số hoạt động khác.

Việc ra đời Thông tư là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay đặc biệt là đối với các cơ sở tính ngưỡng tôn giáo, với nhà nước và với chính người dân. Thông tư này cũng chính là hành lang pháp lý để theo dõi, giám sát, thanh tra, xử lý những đơn vị, những cá nhân sử dụng tiền công đức không đúng mục đích, sai phạm, đầu cơ trục lợi, đánh dấu bước đầu cho việc minh bạch, công khai quản lý tiền công đức. Để có thể quản lý chặt chẽ hơn các cơ quan quản lý, chuyên gia cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung.

Còn theo PGS - TS Bùi Xuân Đính, để Thông tư 04/2023 đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng. "Sự giám sát của người dân trong việc thu chi tiền công đức là yếu tố đặc biệt quan trọng"- PGS - TS Bùi Xuân Đính nhấn mạnh.

Công đức hay là sự đóng góp cho những hoạt động của lễ hội đều là sự tự nguyện, thành tâm, và những người làm công đức luôn muốn gửi gắm vào đó những tấm lòng. Việc ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, qua đó, góp phần minh bạch trong quản lý, thu chi tài chính tiền công đức, lễ hội./.

Mời nghe chương trình tại đây: