Sáng 5/5, Quốc hội đã nghe Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình tóm tắt về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về nội dung này. Phiên thảo luận ghi nhận sự đồng thuận rất cao của các đại biểu, khẳng định đây là bước đi tất yếu, kịp thời, mang tính lịch sử, phù hợp với yêu cầu cải cách thể chế trong bối cảnh đất nước chuyển mình mạnh mẽ.
Các đại biểu thống nhất cho rằng, sau hơn một thập kỷ triển khai, một số quy định trong Hiến pháp 2013 đã bộc lộ những bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế sâu rộng, cải cách hành chính và thí điểm các mô hình tổ chức mới.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh: “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là bước đi lịch sử mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính và yêu cầu mô hình quản trị hiện đại.” Ông đề nghị Hiến pháp cần quy định rõ mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tái định hình tư duy quản trị quốc gia, nâng cao hiệu quả điều hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) đánh giá việc sửa đổi là “bước đi cần thiết, thể hiện sự chủ động và thích ứng của Quốc hội trước yêu cầu cải cách thể chế”. Theo bà, một số mô hình tổ chức đang triển khai nhưng chưa có cơ sở hiến định, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, sửa đổi lần này sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc, tránh "lỡ nhịp" trong tiến trình cải cách.

Các đại biểu đánh giá cao nội dung sửa đổi tập trung vào ba nhóm chính: mô hình chính quyền địa phương; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị Dự thảo cần bổ sung rõ phạm vi sửa đổi - tập trung từ Điều 9 đến Điều 116 của Hiến pháp, liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội - để đảm bảo tính ổn định lâu dài và tính linh hoạt cần thiết của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng kiến nghị phải quy định cụ thể về chuyển tiếp khi tổ chức lại chính quyền địa phương, để không ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Các đại biểu đồng tình cao với việc sử dụng hình thức nghị quyết để sửa đổi một số điều của Hiến pháp - cách làm được cho là phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa linh hoạt, vừa đảm bảo chặt chẽ về quy trình. Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng được các đại biểu ủng hộ mạnh mẽ.
Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về cơ cấu, nhiệm vụ, thời hạn hoạt động, và đặc biệt là cơ chế lấy ý kiến nhân dân. Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung Điều 3 trong Nghị quyết, quy định giao Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội chủ trì giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đúng quy định.

Các đại biểu nhấn mạnh, quá trình sửa đổi Hiến pháp phải bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng”. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp; trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng kiến nghị xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán, dễ hiểu và dễ thực thi.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã ghi nhận các ý kiến đóng góp rất cụ thể, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu. Ông cho biết: Ủy ban dự thảo sẽ họp ngay sau phiên thảo luận để tiếp thu các đề xuất cụ thể như: xây dựng lộ trình lấy ý kiến nhân dân, chuẩn hóa ngôn ngữ kỹ thuật lập hiến, quy định rõ mô hình chính quyền địa phương hai cấp, và các nội dung khác trong phạm vi sửa đổi.

Cuối phiên làm việc, 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, cũng như Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp – khẳng định quyết tâm chính trị cao và sự đồng thuận sâu rộng trong toàn Quốc hội.