Giữa bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Công tác giải quyết hưởng các chế độ BHXH vẫn được thực hiện kịp thời, không gây ách tắc, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Để có những kết quả tích cực là nhờ sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị cũng như sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam. Trong đó công tác truyền thông chính sách BHXH giữ một vai trò rất quan trọng, góp phần đưa chính sách BHXH thực sự đi vào cuộc sống.

Ông Phạm Lương Sơn, Nguyên Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định BHXH đã không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung và hình thức truyền thông. "Để có những thành tựu trong lĩnh vực bảo hiểm, những năm qua công tác truyền thông đã phát huy hiệu quả, thông qua tổ chức đối thoại chính sách, các hội thảo, hội nghị...Để công tác truyền thông đạt hiệu quả hơn cần khắc phục những tồn tại về cả diện rộng và chiều sâu" - Ông Sơn kỳ vọng.

Tại huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, việc thực hiện chính sách BHXH thời gian qua đạt được nhiều thành tựu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện tình trạng không ít người lao động thôi việc mà chưa thể tìm việc làm mới, trong khi trước mắt không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHXH, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Bên cạnh đó, một bộ phận người lao động do không nắm được những quy định của chính sách BHXH nên còn không ít băn khoăn, lo lắng. "Tôi còn vướng mắc suy nghĩ xem bảo hiểm này hỗ trợ mình tới khi nào, giờ mình tuổi cũng cao còn nhiều thứ phải lo toan kinh tế, sinh hoạt gia đình, chuyện học hành...Chưa biết mức đóng sao cho hợp lý" - Chị Lê Thị Lan, lao động tự do ở xã Yên Mỹ băn khoăn.

Thời gian qua, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, người dân trong thụ hưởng các chính sách, lợi ích của BHXH. Những nỗ lực đổi mới truyền thông của BHXH huyện Yên Mô đã góp phần đẩy nhanh tiến độ người tham gia đóng BHXH.

Để người dân thấy được quyền lợi thiết thực khi tham gia chính sách xã hội lớn này, BHXH huyện Yên Mô đã triển khai nhiều giải pháp như phối hợp với Bưu điện huyện, tổ chức tuyên truyền bằng xe hoa lưu động; trực tiếp tới từng địa bàn dân cư, hộ gia đình vận động, thuyết phục người dân... Bên cạnh đó, cơ quan BHXH giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho đại lý thu, đồng thời tiến hành rà soát, thống kê, phân loại để tập trung tuyên truyền vận đồng theo từng đối tượng cụ thể.

"Chúng tôi thường xuyên chia các đối tượng theo các nhóm mục tiêu, phối hợp với Hội nông dân, Hội phụ nữ thực hiện các buổi tuyên truyền, đối thoại nhằm nắm được tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc của người dân, làm cho người dân hiểu tin tưởng vào chính sách và tham gia" - Bà Phạm Lan Anh, Tổ trưởng Tổ thu, Cấp sổ thẻ, BHXH huyện Yên Mô cho biết thông tin.

Về nội dung truyền thông cũng được đổi mới rõ nét với những thông điệp gần gũi, dễ nhớ, nội dung ngắn gọn, xúc tích về quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia BHXH. Về phương thức truyền thông được vận dụng linh hoạt theo từng thời điểm như hình thức qua báo chí, mạng xã hội, hội nghị tư vấn hoặc truyền thông qua các nhóm nhỏ ở địa bàn dân cư, tổ dân phố...

Từ hoạt động tổ chức hội nghị tuyên truyền, đối thoại về chế độ, chính sách, BHXH huyện Yên Mô đã thông tin những lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tới toàn thể người dân. Chị Phạm Thị Thanh Huyền, Nhân viên bưu điện xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: "Ngoài những kiến thức được tập huấn, chúng tôi tìm hiểu thêm trau dồi kiến thức thêm, tìm những thời gian phù hợp để tư vấn cho người dân hiểu và tham gia".

Nhờ truyền thông hiệu quả, BHXH huyện Yên Mô đã giúp người dân, người lao động nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHXH đối với bản thân và gia đình, từ đó tự giác tham gia để đảm bảo cuộc sống, nhất là khi về già. Với ông Nguyễn Văn Ngọc, người dân xã Yên Mỹ thì việc tham gia BHXH từ sớm giúp ông chủ động về kinh tế, không phải phục thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. "Tôi tham gia BHXH tự nguyện để sau được hưởng lương hưu, tôi đóng được 18 năm rồi" - ông Ngọc hào hứng kể.

BHXH huyện Yên Mô còn niêm yết công khai các thủ tục hành chính tại trụ sở đơn vị, bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận các thông tin, chính sách. Nhờ vậy, mong muốn được tham gia BHXH đã trở thành nhu cầu bức thiết của không ít người dân.

Tại tỉnh Lạng Sơn, công tác truyền thông chính sách BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện thường xuyên, liên tục như: Đối thoại, tọa đàm trực tuyến, clip tin tức, livestream... mang tính trực quan, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin.

Trao đổi với PV VOV2, ông Đào Trọng Hiếu, Trưởng Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng, BHXH tỉnh Lạng Sơn cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường kết hợp truyền thông trực tiếp với trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. "Tuyên truyền về chính sách BHXH thông qua mạng xã hội rất thuận tiện, tạo điều kiện cho người dân, người lao động dễ dàng tiếp cận với cơ quan nhà nước để giải đáp các thắc mắc, cũng như bày tỏ quan điểm, nhân thức. Mỗi quan hệ giữa cơ quan BHXH và người dân cũng vì thế mà thân thiện hơn nhiều" - ông Hiếu khẳng định.

Có thể nói công tác truyền thông đã trở thành cầu nối để truyền tải, đưa các thông tin về chính sách BHXH đến với các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức và sự chủ động của người dân trong việc tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH. Nhờ có sự chỉ đạo đồng bộ nên BHXH huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã triển khai thuận lợi, đưa việc truyền thông, phát triển đối tượng tham gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong đơn vị.

"Thông qua tuyên truyền, chúng tôi triển khai các văn bản pháp luật tới các đơn vị sử dụng lao động, từ đó triển khai kịp thời các chính sách, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động" - ông Đỗ Như Nam, Giám đốc BHXH huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên khẳng định.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm nay, BHXH sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp truyền thông thiết thực hơn nữa nhằm tuyên truyền, thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội cho toàn thể người dân./.

# Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã giải quyết gần 39 nghìn hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; gần 591 nghìn người hưởng trợ cấp 1 lần; giải quyết gần 6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết cho gần 444 người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; trong đó hơn 434 nghìn người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp và hơn 9 nghìn người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề.

# Việc giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động tăng 47,42% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do số lượng đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động mắc Covid-19 tăng. Tổng số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau do Covid -19 từ năm 2021 tính đến 24/6/2022 là hơn 2 triệu lượt người với tổng số tiền là hơn 3 nghìn tỷ đồng.

# Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng có những tín hiệu khả quan: Số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp và BHYT đều có tăng trưởng tích cực. Tính đến hết tháng 6/2022, số người tham gia BHXH đã đạt gần 17 triệu người, tương đương khoảng 34% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 686 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

# Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cũng đạt hiệu quả cao với gần 39 tỷ đồng, đạt khoảng 46,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng hơn 4 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có cải thiện đáng kể, với gần 21 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,9% số phải thu.