Những năm gần đây, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động của tổ chức Công đoàn luôn được tổ chức, thực hiện trên tinh thần không để đoàn viên, người lao động nào không có Tết. Năm nay với chủ đề “ Tết Sum vầy – Xuân bình an” tinh thần này vẫn tiếp tục được phát huy giúp người lao động nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm và những đóng góp của Tổ chức Công đoàn, tin tưởng gắn bó với tổ chức công đoàn, thúc đẩy phát triển đoàn viên, động viện người lao động làm việc năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn và ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.
Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, một nội dung được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm trong các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động là hướng tới đoàn viên và người lao động ở các khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế; đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo...
Ngoài ra, với chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân bình an”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn tổ chức các hoạt động chăm lo tết tập trung ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cấp trên trực tiếp cơ sở), tại các doanh nghiệp, ở nơi có đông đoàn viên và người lao động phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên và người lao động có nhu cầu và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng qui định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quê ăn Tết, quay trở lại làm việc đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu: Qua theo dõi của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mặc dù thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid- 19 nhưng sau khi các doanh nghiệp được khôi phục đi vào sản xuất thì hầu hết đều ý thức được trách nhiệm xã hội của mình và quan tâm chăm lo cho người lao động rất chu đáo.
“Ở thời điểm người lao động gặp khó khăn nhất thì sự quan tâm của chủ doanh nghiệp chính là cách để giữ chân người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Bởi vậy vào thời điểm này nhiều doanh nghiệp đã và đang cố gắng nỗ lực tìm ra các phương án để có thể đảm bảo trước hết là duy trì tiền lương và sau đó là đảm bảo cho người lao động có một khoảng tiền thưởng Tết nhất định, dù rằng có thể giảm hơn so với mọi năm.
Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, năm nay do ảnh hưởng của đại dịch covid- 19 nên khoản kinh phí để chăm lo Tết từ nguồn xã hội hóa hoặc doanh nghiệp đều gặp khó khăn rất nhiều so với những năm trước. Trong bối cảnh đấy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã quyết định lấy nguồn kinh phí từ nguồn tài chính tích lũy của công đoàn và dự kiến chi khoảng 2.400 tỷ đồng để trực tiếp hỗ trợ cho khoảng 8 triệu đoàn viên trong các doanh nghiệp với mức là 300.000 đồng/người.
“Bên cạnh đó, những lao động và cũng như các đoàn viên gặp khó khăn, chúng tôi sẽ có những chính sách hỗ trợ khác để đảm bảo cho tất cả mọi người lao động đều có Tết và đều được vui Tết trong 1 năm đầy khó khăn”, ông Ngọ Duy Hiểu thông tin thêm.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, với người Việt Nam, Tết truyền thống là dịp mà ai cũng muốn bên gia đình, ai cũng muốn giảm đi ít nhất sự lo toan. Do vậy Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp bằng trách nhiệm xã hội của mình và coi người lao động là nguồn lực quan trọng nhất trong lúc này, với quan điểm “một miếng khi đói bằng gói khi no” sẽ luôn nỗ lực để mọi người lao động đều có Tết.