Chiều 14/11, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chỉ đạo điểm Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp duy trì, nhân rộng các mô hình điển hình thực hiện Dự án 8. Hội nghị nằm trong khuôn khổ triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động Dự án tại 8 tỉnh đại diện các vùng miền, gồm Bắc Kạn, Thanh Hóa, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Bình, Gia Lai, Bình Phước, Sóc Trăng và tập trung nguồn lực triển khai toàn diện các mô hình, hoạt động của Dự án tại địa bàn điểm.
Sau 3 năm triển khai, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ thành lập và duy trì hiệu quả 6 tổ truyền thông cộng đồng, 2 địa chỉ tin cậy, 3 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; thí điểm hỗ trợ 8 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS, nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng/trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng và tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản đã được các ban/đơn vị và Hội LHPN các tỉnh bố trí triển khai đồng bộ hỗ trợ tại xã điểm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương khẳng định, các hoạt động chỉ đạo điểm bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi của người dân, góp phần thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới và giảm thiểu tác động của các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu vượt qua các rào cản, định kiến giới, tiên phong thay đổi, khẳng định vai trò, vị trí của bản thân trong gia đình và cộng đồng. Nhiều cách làm hay, sáng tạo của Hội phụ nữ cơ sở, các ngành liên quan và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo nên thành công của Dự án tại địa bàn chỉ đạo điểm.
Theo báo cáo đánh giá Dự án 8 giai đoạn 1 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, tính đến tháng 10/2024, Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn 1, như “Tổ truyền thông cộng đồng”, “củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…
15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu, như: Hà Giang, Bắc Giang, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Thanh Hoá... góp phần cải thiện rõ rệt về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn Dự án. Phụ nữ và trẻ em đã được tạo điều kiện nhiều hơn để học tập, công tác và phát triển.
Giao lưu, chia sẻ tại hội nghị, anh Lý A Sá, thành viên Ban điều hành tổ truyền thông cộng đồng bản Huổi Ho xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên cho biết: những nếp nghĩ, cách làm hủ tục của đồng bào dân tộc Mông ở địa phương đã có sự thay đổi. Điển hình như tảo hôn trong đồng bào Mông trước kia rất phổ biến nhưng đến nay, tình trạng này đã không còn.
Dù mới chỉ được thành lập từ đầu năm 2023 nhưng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở trường Tiểu học - THCS Vĩnh Quới, thị xã Ngã 5, tỉnh Sóc Trăng đã nâng cao nhận thức cho các em học sinh để tự tin hơn về bản thân và biết cách phòng chống bạo lực trong gia đình và học đường. Chia sẻ kết quả và kinh nghiệm từ thực tế của CLB “Thủ lĩnh của sự chia sẻ”, em Danh Thị Phương Ý, thủ lĩnh của CLB muốn nhắn gửi đến tất cả trẻ em, nhất là trẻ em gái trên mọi miền Tổ quốc hãy là chính mình và luôn học hỏi nâng cao kiến thức để có kỹ năng thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình để trở thành những công dân tốt.
Tuy nhiên, cũng có không ít những khó khăn vẫn tồn tại cần tiếp tục có giải pháp khắc phục và thúc đẩy trong thời gian tới như: cán bộ thực hiện dự án, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng trong quản lý tổ chức thực hiện Dự án; năng lực duy trì, vận hành mô hình của Ban chủ nhiệm/Ban quản lý còn hạn chế; việc hỗ trợ duy trì hoạt động của Tổ truyền thông cộng đồng và Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” gặp khó khăn do chưa được cấp kinh phí duy trì hoạt động từ nguồn ngân sách địa phương. Tại các địa phương, phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn còn phải đối mặt với một số rào cản nhất định, ảnh hưởng tới sự phát triển của phụ nữ, trẻ em...
Để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình, cần quan tâm, phối hợp duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động, gắn mô hình với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với đó, quan tâm hỗ trợ đồng bộ, toàn diện các Chương trình Mục tiêu quốc gia để tác động đồng thời, tạo ra sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, đời sống của người dân tại địa phương; bố trí nguồn ngân sách đảm bảo việc duy trì hiệu quả hoạt động của mô hình Tổ truyền thông cộng đồng và CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, thành viên Ban quản lý/Ban chủ nhiệm. Đặc biệt là phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong các hoạt động tuyên truyền, vận động xóa bỏ định kiến giới và các tập tục.