Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng nóng có xu hướng tăng cao bất thường do hiện tượng thời tiết El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tình trạng nắng nóng gay gắt kéo dài, hạn hán, thiếu nước đã làm cho nhiều hồ thuỷ điện trên hệ thống đã về mực nước chết (đến ngày 11/5/2023 đã có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết; 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa. Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua), ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp điện trong các tháng mùa khô và cả năm 2023.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng điện của cả nước đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7. Phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5/2023 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~923,9 triệu kWh/ngày, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 5/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.666 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 6,9% so với cùng kỳ tháng 5/2022.

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sản xuất ra 1kWh điện có chi phí cao gấp 4, 5 lần so với chi phí để tiết kiệm 1kWh điện. Để có thể tiết kiệm điện hiệu quả, chúng ta có thể bất đầu bằng các thói quen nhỏ như: đặt điều hòa ở nhiệt độ từ 26 độ C, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng quạt thay điều hòa (khi không quá nóng), lắp bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, điện mặt trời mái nhà...

Theo ông Nguyên, hệ thống điện mặt trời mái nhà được hoạt động trên nguyên tắc chuyển hóa trực tiếp năng lượng ánh sáng mặt trời (quang năng ) thành năng lượng điện (điện năng) dự vào hiệu ứng quang điện. Nếu chúng ta lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà 3kWp (2,55 kW công suất), với chi phí khoảng 54 triệu đồng tuy có tốn kém ban đầu, nhưng về lâu dài thì hiệu quả. Hệ thống nay có thể sử dụng được cho 1 máy điều hòa, quạt điện và chiếu sáng, có thời gian hoàn vốn từ 7 - 10 năm (tùy theo khu vực). Như vậy, đầu tư 54 triệu đồng, sau 7 - 10 năm, người dân gần như dùng điện miễn phí trong 10 năm tiếp theo.

Mời quý vị nghe ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tư vấn cụ thể về việc sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả tại đây: