Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, trong suốt thời gian qua các chính sách về nhà ở xã hội luôn được Nhà nước quan tâm và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế. Cụ thể, năm 1991, Nhà nước chính thức cho phép tư nhân hóa quỹ nhà ở; Năm 1992, bỏ trợ cấp Nhà nước về nhà ở; Năm 1993 Luật Đất đai được xây dựng và tiếp tục được hoàn thiện vào năm 2003, 2014 và đang sửa đổi, bổ sung trong tình hình mới dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2023 đều có quy định chi tiết về phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra năm 2013 thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ nhà ở xã hội. Tiếp đến, năm 2023 Chính phủ ban hành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030...

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2015 - 2022, số lượng nhà ở trên cả nước đã được phê duyệt là 3.823 dự án, trong đó có hơn 2.500 dự án nhà ở thương mại (chiếm 66,6%), 483 dự án nhà ở xã hội (12,6%), 350 dự án tái định cư (9,15%). Nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011 - 2030 là khoảng 440.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch.

Theo GS Đặng Hùng Võ, tiềm năng và dư địa phát triển của phân khúc nhà ở xã hội tại Việt Nam đang còn rất lớn. Tuy nhiên, với các chính sách như hiện tại, đa phần các doanh nghiệp bất động sản đều không cảm thấy hào hứng với phân khúc "khó nhằn" này.

Ngoài khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn thì một nguyên nhân nữa khiến nhà ở xã hội chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư, đó là giá bán bị khống chế và lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án không vượt quá 10% tổng chi phí đầu tư. Nguồn vốn tắc nghẽn, chi phí tiếp cận tài chính, chi phí đầu vào tăng cao trong khi trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp khiến giá nhà ở xã hội xây mới tại nhiều nơi cao gần bằng giá nhà ở thương mại.

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp không mấy mặn mà phát triển nhà ở xã hội, trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đầu tư phân khúc nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân lao động. Tuy nhiên trong quá trình thảo luận, đề xuất này đã nhận các ý kiến khác nhau từ các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với những quan điểm đồng tình thì cho rằng, trong bối cảnh cấp thiết về nhà ở cho công nhân, người lao động như hiện nay, việc giao nhiệm vụ cho một tổ chức Công đoàn sẽ càng có ý nghĩa thiết thực, vừa là đơn vị đầu mối giúp Chính phủ thực hiện công tác an sinh xã hội. Đồng thời qua đó cũng giúp tổ chức Công đoàn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế Công đoàn ở tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Trong đó dự án thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) có quy mô hơn 4 ha, 976 căn hộ, đã hoàn thành giai đoạn 1 với số lượng hơn 300 căn hộ. Dự án thiết chế Công đoàn Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang) quy mô hơn 3ha, 998 căn hộ, đang triển khai đầu tư xây dựng.

Những ý kiến phản đối đề xuất này lại cho rằng, việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân là rất khó khả thi. Mặc dù, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng không nhất thiết phải quy định cơ quan này là chủ đầu tư, bởi công đoàn không có chức năng kinh doanh. Do vậy, nếu dự thảo Luật này đưa ra quy định như vậy sẽ không phù hợp, và có thể vênh với nhiều luật hiện hành.

Với đề xuất giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm, việc đưa vào luật giao cho ai là không nên. Bởi luật chỉ nên là quy định chung. Sau đó Chính phủ sẽ quy định, hướng dẫn tại Nghị định hoặc nếu là cấp bộ thì sẽ quy định tại Thông tư. “Làm như vậy sẽ linh hoạt với cuộc sống hơn”, GS Đăng Hùng Võ chia sẻ .

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội không có chức năng kinh doanh. Do đó, công đoàn có nhiều cách khác nhau để chăm lo cho đời sống cho công nhân, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn nên giao cho các đơn vị chức năng khác.

Nếu giao Tổng liên đoàn làm chủ đầu tư nhà ở xã hội là vẫn mang tính bao cấp của Nhà nước. Bước vào cơ chế thị trường thì liệu tư duy bao cấp có lợi hay không hay nói cách khác là có tạo ra được nhiều nhà ở xã hội hay không hay lại thêm rào cản khiến nhà ở xã hội khó phát triển hơn, GS Đặng Hùng Võ băn khoăn và mong muốn cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là tính khả thi của nguồn lực thực hiện để tránh lãng phí.

Vậy giải pháp nào để tạo đột phá, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng được nhu cầu của người dân? Nên bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ gì để hóa giải các điểm nghẽn trong chương trình nhà ở xã hội? GS Đặng Hùng Võ cho rằng, câu chuyện này rất đơn giản, đó là phải lấy được động lực từ thị trường và làm sao để có nhiều người quan tâm, trong đó có cả những người không cần đến lợi ích của mình.

Chính sách phát triển hiện nay vẫn chỉ dựa vào từ sự trợ giúp trực tiếp của Nhà nước dưới dạng bao cấp, chưa tạo được động lực phát triển từ cộng đồng, từ các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội và các nguồn trợ giúp tài chính ưu đãi từ các ngân hàng cho người nghèo. Ngoài ra, một giải pháp nữa cũng được GS Đặng Hùng Võ nhắc tới đó là phải tìm ra một cơ chế đánh thuế vào khu vực bất động sản giá cao và ép được khu vực này xuống thì phân khúc nhà ở xã hội mới có cơ hội phát triển.