Tuổi thơ thiệt thòi

Ngay từ thuở ấu thơ, ông Nguyễn Văn Khải, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội đã chịu thiệt thòi khi không có được đôi chân lành lặn như những đứa trẻ cùng trang lứa. “Khi lên 3 tuổi, tôi bị sởi. Do biến chứng nên tôi bị teo cơ chân trái, đi lại khó khăn”, ông Khải kể.

Bước đi tập tễnh, ông Khải còn gặp phải những ánh nhìn tò mò, thiếu thiện cảm của các bạn cùng trường và tại con ngõ gần đình làng Văn Quán. Ông Khải tâm sự, khi đó dù không tự ti đến mức phải sống khép mình nhưng vẫn có những lúc cảm thấy tủi thân. “Cuộc sống diễn ra bình thường thì không sao. Tuy nhiên, khi có bất đồng gì đó, người ta thường nói nói những lời khó nghe khiến mình tủi thân”, ông Khải chia sẻ.

Ông Khải cho biết cha mẹ sinh 7 người con, ông là út. Nguồn sống chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp. Kinh tế gia đình eo hẹp. Để phụ giúp cha mẹ có thêm thu nhập, khi học xong Trung học phổ thông, ông đã xin nghỉ học, đi làm. Ông từng trải qua nhiều ngành nghề và công việc khác nhau. Có thời gian, ông từng đi bán bánh mì dạo để gia tăng thu nhập. “Hồi trước, ở Hà Nội có trào lưu đi bán bánh mì dạo. Cuộc sống khó khăn, tôi đi bán để kiếm thêm tiền, lo cho gia đình”, ông Khải kể.

Lan tỏa tinh thần vượt khó

Trời không lấy đi của ai tất cả. Câu nói này có phần đúng với ông Nguyễn Văn Khải. Đôi chân kém hoạt bát nhưng ông lại nhạy bén với thị trường. Từ một người bán bánh mì dạo, ông đã tìm hiểu và mạnh dạn vay vốn đầu tư, tạo dựng một lò bánh mì tại phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Không chỉ thoát nghèo, ông còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một số lao động.

Qua một người bạn giới thiệu, anh Trương Văn Toàn, quê ở huyện Mỹ Đức, biết đến lò bánh mì của ông Khải. Anh cho biết với thâm niên gần 10 năm làm nghề, anh có thể xin việc ở nhiều lò bánh. Tuy nhiên, anh đã chọn lò bánh mì của ông Khải để tới xin việc và gắn bó với nơi này hơn một năm nay. Lý do là qua lời người bạn, anh ấn tượng về nỗ lực vươn lên của ông chủ lò bánh. “Em làm được hơn một năm rồi. Nghe bạn giới thiệu, em đến làm vì thấy thương bố với cảnh chân yếu. Em muốn đến xem có thể đỡ đần được gì cho bố”, anh Khải tâm sự.

Đúng như những gì được nghe, càng gắn với công việc tại lò bánh mì của ông Khải, anh Toàn càng quý mến và nể trọng ông chủ của mình. Đó là con người có lối sống hòa đồng, thật thà và thẳng thắn. Làm việc tại đây, ngoài khoản tiền lương 8 triệu đồng/tháng, anh còn như được tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực từ ông Khải. “Em học hỏi được ở bố về tinh thần vượt khó. Vì bố sức khỏe yếu mà gây dựng và duy trì được cơ sở như thế này đòi hỏi nỗ lực rất cao”, anh Toàn chia sẻ.

Như một cách để bày tỏ sự nể trọng với ông chủ của mình, anh Hoàng Xuân Bình, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng chọn cách xưng hô “bố - con” với ông Khải thay cho phép xã giao thông thường là “chú - cháu” hay “bác - cháu". Anh Bình cho biết anh lặn lội hàng trăm km từ Huế ra Hà Nội và làm việc tại lò bánh mì của ông Khải cũng từ lời giới thiệu của một người bạn. Tại đây, anh được trả mức lương xứng đáng với công sức bỏ ra. Tuy nhiên, điều khiến anh quý trọng ông Khải và gắn bó hơn một năm nay với lò bánh mì không phải vì mức thu nhập ấy. “Bố Khải là người rất tốt. Cái gì em không biết đều được bố chỉ bảo. Em gọi là bố vì em quý mến và coi như người sinh ra mình. Bố là người giàu nghị lực. Em làm việc cùng với bố, em học được tinh thần vượt khó”, anh Bình chia sẻ.

Nhà bà Nguyễn Thị Huê, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, Hà Nội cách lò bánh mì của ông Khải chỉ vài chục bước chân. Chứng kiến sự thiệt thòi và nỗ lực không ngừng của người hàng xóm, bà Huê cũng cảm phục tinh thần vượt khó của hội viên. Bà Huê cho biết ông Khải là người giàu lòng nhân ái, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. “Khi Hội Người khuyết tật hoặc Hội Phụ nữ chúng tôi tổ chức sự kiện gì, liên hệ với anh ấy để xin hỗ trợ, anh ấy luôn săn lòng. Là người khuyết tật nên anh Khải có sự đồng cảm với những người kém may mắn”, bà Huê cho biết.

Không ngừng học hỏi

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông Khải cho rằng làm việc gì cũng vậy, để có được kết quả tốt chẳng bao giờ dễ dàng, nhất là với người khuyết tật. Để duy trì lò bánh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và gia đình, ông vấp phải không ít khó khăn. Ngoài yêu cầu về vốn đầu tư cho trang thiết bị, ông còn phải tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật làm bánh. “Ngày xưa làm theo lò thủ công thì đơn giản. Sau này làm lò điện, áp dụng khoa học công nghệ thì mình phải học, học từng bước, chứ không phải học xong là làm ngay được”, ông Khải cho biết.

Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề phải được quan tâm liên tục. Ông Khải chia sẻ trong kinh doanh, thị trường chẳng khác gì chiến trường. Ở đó không có sự ưu ái nào dành cho người khuyết tật. Để giữ chân khách hàng, ông luôn tìm mọi cách làm giảm chi phí đầu vào nhưng chất lượng sản phẩm phải đảm bảo đủ sức cạnh tranh. “Cũng là cái bánh mì nhưng nếu khách hàng mua bánh nhà khác ăn họ thấy bở bục, không có vị gì, còn bánh nhà mình lại dai và thơm ngon thì người ta sẽ đến mua của mình. Để bánh ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm, mình phải chọn mua nguyên liệu đầu vào đảm bảo, giống như mình đong gạo ngon thì nấu cơm cũng sẽ ngon”, ông Khải cho biết.

Sinh gia trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, một bên chân lại kém hoạt bát, ông Nguyễn Văn Khải, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội chịu nhiều thiệt thồi. Tuy nhiên, với ông Khải, dường như đó không phải là yếu tố bất lợi mà còn là động lực, thúc đẩy ông vươn lên. Không chỉ thay đổi hoàn cảnh, cải thiện cuộc sống, ông còn tạo việc làm, thu nhập cho một số lao động, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Tiếp xúc với ông, ai ấy đều có cảm nhận khuyết tật chỉ là sự bất tiện, chứ không phải bất hạnh. Đó cũng là phương châm sống mà bao lâu nay ông Khải luôn theo đuổi và thể hiện bằng hành động cũng như công việc của mình.

Nghe bài viết dưới đây: