Nợ đóng, trốn đóng BHXH ở mức đáng lo ngại

Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022, cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 tháng đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên; gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số lao động đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu (tính đến cuối năm 2022). So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nợ đóng, trốn đóng là vấn đề rất đáng quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người lao động. “Số nợ bảo hiểm xã hội là rất nhiều. Nó làm ảnh hưởng đến hàng triệu công nhân lao động. Xã hội nhiều người khó khăn lắm. Nợ như thế thì họ sống như thế nào! Chúng ta phải có biện pháp ngăn chặn hoặc xử lý đối với các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm, chậm đóng bảo hiểm hoặc không đóng bảo hiểm”, PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.

Từ thực tế tại địa phương, ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố Hải Phòng cũng rất trăn trở trước thực trạng nợ đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội. “Về vấn đề nợ bảo hiểm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chủ đầu tư là người nước ngoài trốn nhiều. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng nợ BHXH. Ở thành phố Hải Phòng có những doanh nghiệp nợ gần 200 tỷ. Nhiều trường hợp, trong nhiều năm, người lao động không biết thời gian đóng bảo hiểm của mình là bao lâu”, ông Kính cho biết.

Thậm chí, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm của người lao động. “Nhiều trường hợp doanh nghiệp chậm đóng nhưng hàng tháng vẫn trích trừ tiền đóng bảo hiểm của người lao động. Doanh nghiệp vi phạm nhưng chỉ đến khi người lao động lên tiếng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc”, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực tế.

Cần chế tài mạnh cho vấn đề “nóng”

Hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào.

Để xử lý vấn đề này, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng phải có các giải pháp “mạnh”. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật thành phố Hải Phòng. “Cần phải có chế tài với hành vi phạm về nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chế tài phải cụ thể để răn đe. Vì thời gian qua chúng ta cứ vận động mãi nên không có tính răn đe và hiện tượng vẫn tiếp diễn”, ông Kính chia sẻ.

“Tôi kiến nghị với Chính Phủ nên đưa vào luật với các điều khoản để ngăn chặn. Tôi nghĩ phải yêu cầu các doanh nghiệp phải quỹ phải có quỹ phòng. Khi xảy ra sự cố thì có tiền đền bù cho người lao động. Chứ nếu không, đến khi họ trốn rồi, họ về nước rồi thì khó”, PGS.TS Bùi Thị An nêu giải pháp.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và dư luận, Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV xem xét, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, một số giải pháp đã được nêu ra như bổ sung quyền khởi kiện cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với đối tượng sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Theo ông Dương Văn Thăng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, giải pháp này sẽ phát huy hiệu quả, góp phần ngăn chặn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH. “Về quyền khởi kiện người sử dụng lao động, Luật BHXH sửa đổi, bổ sung đối tượng khởi kiện là cơ quan bảo hiểm xã hội. Điều này sẽ đảm bảo quyền của người lao động và lợi ích của Nhà nước. Không nên chỉ giao quyền này cho tổ chức công đoàn. Vì thực tiễn những năm qua cho thấy, tổ chức công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc khởi kiện người sử dụng lao động nợ BHXH, như việc thực hiện các thủ tục tố tụng, vấn đề thu thập chứng cứ, ủy quyền... Với cơ quan BHXH - nơi thực hiện thu thì họ có đầy đủ hồ sơ, chứng cứ để thực hiện khởi kiện”, ông Thăng phân tích.

Thậm chí, dự thảo Luật BHXH còn đề xuất ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc từ 6 tháng trở lên. Đây là giải pháp được đánh giá là “mạnh tay”. Tuy nhiên, ông Phạm Đức Ấn, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng phải cân nhắc thật kỹ, nếu không sẽ “lợi bất cập hại”. “Vấn đề xử lý chậm đóng, trốn đóng, cần có chế tài mạnh. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 37, chúng ta nói rằng cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng. Theo tôi, có nên như thế này không? Vì nếu dừng hóa đơn thì doanh nghiệp càng khó khăn, sẽ càng ảnh hưởng hơn đến người lao động”, ông Ấn phân tích.

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng, thậm chí chiếm dụng BHXH vẫn có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị vi phạm lại khó khăn, bế tắc. Vì thế, Luật BHXH sửa đổi cần đưa ra các quy định với những chế tài mạnh mới có thể giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, quy định như thế nào để siết chặt trách nhiệm của người sử dụng lao động nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc làm của người lao động là vấn đề đặt ra đối với các nhà hoạch định chính sách.