Theo Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học mới 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.

Tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp.

Tuy nhiên, tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước khoảng 1,5 triệu học sinh.

Để hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch COVID-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả, vào 20h00 ngày 12/09, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Chương trình sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố.

Dự kiến, chương trình “Sóng và máy tính cho em” sẽ miễn 100% cước phí khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến; Hỗ trợ máy chủ cho trường đại học nếu như dùng các phần mềm dạy học trực tuyến theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông; Giá các gói dịch vụ không đổi, nhưng dung lượng Internet được tăng gấp đôi; Các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nâng cao dung lượng băng thông Internet ở các thành phố lớn…

Đặc biệt dự kiến tại buổi Lễ phát động có thể sẽ huy động được gần 1 triệu máy tính bảng cho học sinh.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 10/9, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19…

Bộ GD-ĐT đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1).

Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ GD-ĐT lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội, ngay sau khai giảng năm học mới, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục triển khai trương trình “Máy tính cho em”. Tính đến ngày 12/9, chương trình đã quyên góp được 2345 máy tính và thiết bị, hỗ trợ kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có máy tính, điện thoại thông minh để học tập trực tuyến.

Đồng thời, ngành giáo dục Hà Nội cũng đã trao hỗ trợ cho gần 400 CBGV, NV có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 600.000.000 đồng. Ngoài ra Công đoàn Ngành cũng trao 700 túi quà “An sinh Công đoàn” tới các đoàn viên của các đơn vị trực thuộc có hoàn cảnh khó khăn.

Trước đó, năm học 2020 – 2021, với chương trình “Máy tính cho em”, Sở GD-ĐT Hà Nội đã vận động quyên góp được hơn 2.000 máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện học tập trực tuyến giúp học sinh khó khăn trên địa bàn Thủ đô.