Trao đổi với báo chí ngày 30/9, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, tính đến nay đã có trên 80% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học (Trong khi đó các năm trước con số tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học).
“Như vậy, vai trò của việc lọc ảo là vô cùng cần thiết và quan trọng, giúp cho các cơ sở đào tạo giảm thiểu được số lượng thí sinh ảo giữa các phương thức xét tuyển và giữa các cơ sở đào tạo; thí sinh được lựa chọn nguyện vọng đúng ngành và trường mong muốn mà không phải chịu sức ép phải xác nhận nhập học sớm”, bà Thủy nói.
Nhìn lại công tác tuyển sinh năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy đánh giá hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung giúp đẩy mạnh sự minh bạch trong công tác tuyển sinh trong toàn ngành. Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu toàn bộ, đầy đủ, chính xác về kết quả tuyển sinh của các trường, là công cụ hữu hiệu để phân tích chính sách, từ đó có thể kịp thời điều chỉnh những bất cập, hạn chế.
Kết quả trúng tuyển của thí sinh được công bố là dựa trên các thông tin từ dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ sở dữ liệu ngành, do thí sinh cung cấp (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên) và các dữ liệu khác cùng các quy định tuyển sinh của cơ sở đào tạo; chỉ cần hơn kém 0,01 điểm hoặc tiêu chí phụ là đã có thể đỗ hoặc trượt, có thể trúng tuyển/không trúng tuyển ở trường này hay trường khác.
Quá trình triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 cũng giúp phát hiện những vấn đề còn bất cập trong thực tiễn. Ví dụ có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.
"Việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, chính việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, với nhiều thủ tục khai báo và các minh chứng kèm theo, trong khi theo quy định thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung, từ đó gây nhiễu loạn thông tin, làm cho thí sinh nhầm lẫn, sai sót", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 được triển khai đồng bộ và triệt để. Có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia, dân tới khó có thể tránh khỏi việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp sai sót hay khó khăn đều được tích cực khắc phục, giải quyết, qua đó đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng của thí sinh ngay trong năm nay.
Trong quá trình tổ chức đăng ký xét tuyển, lọc ảo và công bố kết quả, Bộ GD-ĐT đều đã hướng dẫn để tổ kỹ thuật và các trường đại học phối hợp sửa các lỗi nhầm lẫn, sai sót trong quá trình nhập dữ liệu của thí sinh nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh. Đến nay, hầu hết các trường hợp sai sót đã được giải quyết, số còn lại đang được các trường tiếp tục rà soát và xử lý.
Cho đến thời điểm này, ngoài một số khó khăn trong thanh toán phí xét tuyển trực tuyến (do nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia và một vài kênh thanh toán trực tuyến) và lỗi hiển thị thông tin trúng tuyển trong sáng ngày đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học (ngày 18/9), hệ thống đăng ký thi và xét tuyển của Bộ GD-ĐT không có bất kỳ lỗi nào gây ‘thiệt thòi’ cho thí sinh.
Về phương án tuyển sinh năm 2023, bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá và tổng kết những mặt được, chưa được và hướng khắc phục, trong đó có việc các trường cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu các nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.
Để Hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
“Nhìn lại kỳ tuyển sinh năm 2022, có thể khẳng định áp dụng công nghệ trong các khâu của tuyển sinh là việc không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm. Sau đó, sẽ có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến có khả năng bắt lỗi người sử dụng, dễ sử dụng, thân thiện và tối ưu hơn”, PGS.TS Nguyễn Thuy Thủy chia sẻ.