Hội thảo khoa học “Giáo dục và hệ sinh thái AI- GPT: Cơ hội và thách thức" do Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức ngày 23/02 quy tụ nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, các nhà sư phạm, các doanh nghiệp EdTech...

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nói, sự xuất hiện của ChatGPT mới chỉ là một sự khởi phát công nghệ giáo dục, đánh thức những khả năng, giới hạn mới của công nghệ được thâm nhập sâu vào giáo dục trong thời gian tới.

Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về những tác động của ChatGPT, ông Thanh cho rằng cần có góc nhìn khách quan, khoa học như thế nào? Đồng thời, giáo dục cần phải làm gì để sẵn sàng thích ứng?

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS Nguyễn Chí Thành và ThS. Đặng Minh Tuấn, khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) thực hiện nghiên cứu về “Ứng dụng ChatGPT trong dạy học các môn Toán và KHTN triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Ông Thành cho biết, tinh thần xuyên suốt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học. Từ quan điểm này, kế hoạch dạy học của giáo viên phải thể hiện được các yêu cầu chính như: Mục tiêu dạy học (kiến thức, năng lực, phẩm chất), thiết bị dạy học và học liệu, tiến trình dạy học.

Từ cấu trúc này, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Nguyễn Chí Thành thử nghiệm đặt câu hỏi cho ứng dụng ChatGPT: “Viết giáo án dạy học môn toán lớp 6 cho học sinh hiểu ví dụ thực tế và ứng dụng được trong cuộc sống”.

Điều thú vị, câu trả lời mà ChatGPT mang đến theo ông Thành là khá ấn tượng khi ứng dụng này đưa ra gợi ý về: “Một giáo án mẫu dạy môn Toán lớp 6 cho học sinh hiểu ví dụ thực tế và ứng dụng được trong cuộc sống. Chủ đề của giáo án này là tỷ lệ và tỷ lệ phần”.

Giáo án mẫu do ChatGPT thực hiện bao gồm đầy đủ các phần: Mục tiêu bài học; Các bước chuẩn bị; Hoạt động giảng dạy…

Điểm sáng lớn nhất của giáo án do "máy" thực hiện là có nhiều ví dụ cụ thể mà giáo viên có thể sử dụng ngay trong quá trình dạy học.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành đánh giá, mục tiêu cần đạt của giáo án này chưa đảm bảo yêu cầu, cấu trúc kế hoạch dạy chưa phù hợp với yêu cầu, hướng dẫn và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT, những thông tin mới chưa được ChatGPT cập nhật. Những ví dụ mà "máy" gợi ý cho giáo viên có thể sử dụng nhưng hoạt động dạy học chưa theo tiến trình, nhiều hoạt động chưa thực sự phù hợp thực tiễn.

Mặc dù vậy, ông Thành cho rằng, hoàn toàn có thể sử dụng ChatGPT trong việc dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi ứng dụng này gợi ý cho giáo viên nhiều thông tin, ví dụ, bài tập thực tế, tham khảo cách thức giải các bài tập…

Trí tuệ nhân tạo sẽ thực hiện giấc mơ cá nhân hóa trong giáo dục

Ông Nguyễn Ngọc Quế, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giáo dục Edmicro, đơn vị quản lý nền tảng onluyen.vn có những phân tích về việc cá nhân hóa giáo dục trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo AI.

Ông Quế đã thử nghiệm sử dụng ChatGPT để giải đề thi. Kết quả, chỉ với một câu lệnh ứng dụng đã cho ra đáp án chỉ sau một thời gian rất ngắn.

“Những năm trước để đưa ra gợi ý đáp áp đề thi, đội ngũ 5 người của chúng tôi thường mất khoảng 1 giờ đồng hồ để giải, đối sánh độc lập nhưng với chatbot này thì kết quả giải đề rất nhanh và rất chính xác. Đặc biệt những đề thi trắc nghiệm như tiếng Anh sẽ rất hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Quế nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Quế cũng chỉ ra một số hạn chế của ChatGPT như: Có thể tạo ra thông tin không chính xác; các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai lệch; có kiến ​​thức hạn chế về thế giới và các sự kiện sau năm 2021; chưa thực sự hỗ trợ tốt tiếng Việt...

Dù có một số hạn chế nhưng ông Quế tin tưởng, trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò rất lớn thực hiện giấc mơ cá nhân hóa trong giáo dục, một điều mà giáo dục truyền thống rất khó thực hiện được.

Trong giáo dục số, người học vẫn đóng vai trò là trung tâm nhưng toàn bộ hệ thống nội dung, chương trình, cơ chế đánh giá, thông báo nhắc nhở, phân tích, dự đoán… sẽ được đưa vào hệ thống máy học và trí tuệ nhân tạo thực hiện phân tích, chuẩn đoán, đưa ra gợi ý để giúp thầy cô kịp thời hỗ trợ học sinh.

Bên cạnh đó, nếu như dạy học truyền thống, giáo viên mất tới 50% thời gian dành cho công việc sổ sách, chấm điểm… thời gian để tương tác với học sinh chỉ chiếm 50% còn lại.

“Môi trường học tập thích ứng với vai trò của công nghệ sẽ hỗ trợ giáo viên rất nhiều trong việc tạo nội dung bài dạy, giảm thời gian chấm bài, sổ sách để dành thời gian tương tác với học sinh. Đặc biệt đối với người học, các chatbot sẽ giúp học sinh, sinh viên tạo dữ liệu riêng phục vụ cho việc học”, ông Quế nói.

Trước những bước tiến của công nghệ AI và ứng dụng của nó trong giáo dục, TS. Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ Giáo dục, Trường đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) thừa nhận thời gian qua, ChatGPT đã “phả một hơi nóng" vào câu chuyện giáo dục làm cho chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận lại cách làm giáo dục hiện nay.

Ông Cường nói, với sự phát triển của công nghệ AI cần phải thay đổi trong cách tiếp cận giáo dục, thay vì cung cấp cho người học câu trả lời thì tập trung giúp người học đi tìm kiếm câu trả lời. Giáo viên cần thay đổi cách dạy, tạo động lực để người học biết cách đặt những câu hỏi hay.

“Trong bối cảnh chuyển đổi số, dạy học số, thẩm quyền của người học được đẩy lên cao, tính tự quyết của người học rất lớn, người học tự quyết định thứ mà họ cho rằng có ý nghĩa, hứng thú, họ tự định hướng, điều chỉnh. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo cũng hỗ trợ công tác quản lý giáo dục rất nhiều. Một nhà trường thông minh phải là nhà trường đưa ra được những quyết định thông minh, giải quyết các vấn đề thực tế người học, hỗ trợ người học học thông minh hơn”, TS. Tôn Quang Cường nêu vấn đề.

Riêng đối với công tác kiểm tra đánh giá, trên cơ sở trích dẫn một số báo cáo khoa học cập nhật nhất hồi tháng 2/2023 của tác giả Thomas K.F. Chiu và cộng sự, PGS.TS. Vũ Trọng Lưỡng - Khoa Quản trị Chất lượng, Trường đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) nhận thấy, AI mang đến những ưu thế trong việc xây dựng các bài kiểm tra adaptive test phù hợp với năng lực và đặc điểm của người học; cung cấp hệ thống chấm điểm tự động với trắc nghiệm tự luận và trình diễn; cung cấp dự đoán khả năng, năng lực của người học dựa trên dữ liệu thu được từ thái độ và biểu hiện học tập trên nền tảng trực tuyến...

AI cũng được ứng dụng trong tổ chức thi cử, giám sát gian lận, phát triển và chuẩn hoá câu hỏi thi trong lĩnh vực khảo thí… Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Trọng Lưỡng lưu ý rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ mà không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người dạy trong quá trình kiểm tra đánh giá người học.