Hội thảo nhằm mục đích cung cấp thông tin về chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; nắm bắt nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước.

Hội thảo còn mở ra cơ hội kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu nhằm giải quyết các bài toán lớn của quốc gia, tăng cường đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, nước ta hiện đang bước vào giai đoạn mới của phát triển kinh tế, tập trung vào tăng năng suất, hiệu quả, đòi hỏi phải tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao năng suất lao động thông qua đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đổi mới sáng tạo là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025. Đây là động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Quan điểm và các mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong giai đoạn sắp tới cũng được đề ra cụ thể tại Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.

Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; Đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,7.

“Bộ KH-CN đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Trong khi đó, ông Lê Quân - Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm KH&CN trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

“Với tiềm lực về hạ tầng, nhân lực và mạng lưới đối tác rộng khắp trong nước và quốc tế, ĐHQG Hà Nội đang ưu tiên đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển sản phẩm ứng dụng trọng điểm, phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều điều kiện thuận lợi trong tổ chức và hoạt động. Đến nay, ĐHQG Hà Nội có khoảng 175 sản phẩm KH-CN tiềm năng có khả năng chuyển giao và thương mại hóa”, Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết.

Tháng 2/2022, ĐHQG Hà Nội đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030 với quan điểm “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ĐHQGHN”.

Mới đây, ĐHQG Hà Nội thành lập Kênh hợp tác và phát triển doanh nghiệp. Đây là điểm kết nối cung - cầu KH-CN giữa ĐHQG Hà Nội với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các khu công nghệ cao và khu đô thị sáng tạo của thành phố Hà Nội.

Trao đổi tại hội thảo, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà ĐHQGHN đã chuyển giao cho thành phố Hà Nội trong thời gian qua nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô và đất nước.

Ông Sơn cho rằng, ĐHQG Hà Nội và Sở KH-CN Hà Nội cần tiếp tục phối hợp đề xuất, nghiên cứu một số chương trình KH&CN tổng thể, thay vì triển khai các nhiệm vụ đơn lẻ, để ứng dụng trực tiếp các kết quả nghiên cứu cho Thủ đô. Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội cũng đề xuất với Bộ KH-CN nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về hành lang pháp lý trong quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp.

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Bộ KH-CN tiếp thu và nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách quản lý, hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và các nhà khoa học.