Đồng thuận nhưng kêu "khó"

Trước thông tin yêu cầu đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo hướng khuyến khích ra đề văn mở và không sử dụng ngữ liệu SGK, cô Đỗ Nga, Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Lục Nam, Bắc Giang đồng thuận với quan điểm chương trình mới, phương pháp mới đồng nghĩa phải mới cả kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, theo cô Nga không nên và không thể áp dụng việc “sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa” cho lớp học sinh đã và đang học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành, tức là những học sinh vừa lên lớp 11 hoặc 12.

“Lứa học sinh năm học tới vào lớp 11 và 12 đã quen với kiểu học văn bản nào, thi văn bản ấy mà đùng một cái thay đổi thì sẽ cực kỳ khó khăn với các em. Với các em năm học tới vào lớp 10 được học theo chương trình sách giáo khoa mới 2018, được bắt đầu làm quen luôn với phương pháp mới thì thay đổi sẽ phù hợp”, cô Đỗ Nga nêu ý kiến.

Cô Trần Phương, một giáo viên ở Hà Nội cho rằng khó khăn còn ở chính giáo viên khi mà thầy cô từ trước đến nay đã quen với việc bình giảng, đọc cho học sinh ghi lại những phân tích, những ý kiến xung quanh một tác phẩm cụ thể, việc thay đổi phương pháp sẽ khó khăn rất nhiều.

Cô Trần Phương cũng thừa nhận những khó khăn không nhỏ cho giáo viên chấm bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn khi thực hiện chỉ đạo của Công văn 3175. Khi không có barem điểm cụ thể để đếm ý chấm điểm, giáo viên cần phải rất linh động trong khi đọc bài của học sinh để có kết quả bằng điểm số công bằng, không vênh lệch giữa các giáo viên chấm khác nhau.

Đổi mới môn Ngữ văn nên có lộ trình

Mặc dù cho rằng việc dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn cần phải thay đổi, nhưng TS Ngữ Văn, Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên THPT Chu Văn An, Hà Nội ví von việc yêu cầu này giống như hình ảnh đứa trẻ đang được người lớn dắt đi từng bước suốt mười mấy năm trời, giờ nói phương pháp rồi yêu cầu các em xuống nước và bảo tự bơi.

Giáo dục phổ thông mang tính hệ thống với các yếu tố đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, hoạt động dạy và học, công tác kiểm tra đánh giá… Nếu thực hiện duy nhất khâu kiểm tra đánh giá theo tinh thần chương trình giáo dục 2018 cho đối tượng học sinh được dạy theo tinh thần của chương trình giáo dục cũ dễ tạo ra tâm thế hoang mang, tiêu cực, kết quả không được như mong đợi, thậm chí làm giảm niềm tin với chương trình giáo dục 2018, TS Trịnh Thu Tuyết nêu quan điểm.

“Sự thay đổi nào cũng phải có lộ trình, dục tốc bất đạt, không thể đầu năm học đưa ra chủ trương và cả năm đó, đặc biệt trong bài thi cuối cấp đã thực hiện!", cô Tuyết nêu quan điểm.

Ví dụ học trò chuẩn bị vào lớp 10 theo chương trình giáo dục 2018, các em sẽ được chuẩn bị, rèn luyện kỹ năng cần thiết, học và kiểm tra đánh giá theo hệ thống trong cả ba năm THPT, khả dĩ thuần thục trong kì thi cuối cấp vào năm 2025, TS Trịnh Thu Tuyết phân tích.

Cần thay đổi bắt đầu từ giáo viên

Theo TS Trịnh Thu Tuyết, để giáo viên thay đổi thích ứng với đổi mới toàn diện trong dạy học và đặc biệt kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo định hướng chương trình phổ thông mới 2018 cần nhìn từ cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Trước tiên, việc đào tạo giáo viên của các trường Sư phạm nếu vẫn theo giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng cũ, trong khi yêu cầu giáo viên đem đến phương pháp dạy mới cho học sinh sẽ khó cho thầy cô khi bước vào thực tế dạy học.

Tiếp đến phải kể tới vai trò của chính người giáo viên. Quá trình được đào tạo trong 4 năm đại học trong khi đó cuộc sống luôn vận động, giáo dục luôn luôn thay đổi và chính học sinh ngày càng thông minh, nhanh nhạy hơn. Nếu người thầy vẫn chỉ mang kết quả của 4 năm đào tạo để áp dụng cho thực tế giảng dạy, chắc chắn sẽ không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Suốt cuộc đời làm nghề, người giáo viên buộc phải không ngừng tự đào tạo bằng việc học không ngừng từ đời sống, từ học trò, từ các tình huống sư phạm hằng ngày.

Riêng giáo viên Ngữ văn, việc đọc có ý nghĩa quan trọng nhằm mở rộng trường tư liệu để dẫn dắt học sinh khám phá thêm nguồn ngữ liệu văn chương phong phú, phục vụ cho chính các bài kiểm tra, thi cử và trả lại đúng bản chất của việc học văn, dạy văn.

Đáp án cho những bài kiểm tra đánh hoặc bài thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phải là đáp án mở. Tính chất “mở” được thể hiện ở nhiều phương án trả lời của thí sinh, những khoảng trống tạo dư địa cho sáng tạo cá nhân...

Tuy nhiên, bên cạnh sự linh hoạt, không áp đặt, đáp án cũng cần tạo một khung giới hạn cho đạo lý, pháp lý và tính logic, khoa học cho suy luận, cảm thụ, đánh giá trong bài làm của thí sinh. Điều kiện cho những đáp án đó xuất phát từ chính vốn văn chương, vốn sống, năng lực đọc hiểu, cảm thụ, nghị luận; bản lĩnh tư duy độc lập, thể hiện chính kiến của cả thầy và trò.

“Sự cảm tính trong chấm bài môn Ngữ văn là khó tránh, dù thi theo hình thức cũ hay mới bởi “Văn chương tự cổ vô bằng cớ”. Chỉ có thể hạn chế sự cảm tính ấy bằng tính khoa học, nhân văn, thống nhất trong các luận điểm chính của đáp án”, TS Trịnh Thu Tuyết phân tích từ góc độ của người dạy bộ môn lâu năm đồng thời cũng đã trải qua nhiều lần thay đổi SGK cũng như phương pháp dạy học bộ môn này.

Công văn 3175/BGĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới dạy học môn Ngữ văn trong trường phổ thông có yêu cầu về kiểm tra, đánh giá:

Trong quá trình đánh giá kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích giáo viên xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh.

Khi nhận xét, đánh giá các sản phẩm của học sinh, giáo viên cần tôn trọng và khuyến khích cách nghĩ, cách cảm riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hoá và pháp luật.