Hội thảo khoa học “Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần lý luận chính trị trong cách mạng công nghiệp 4.0” với sự phối hợp giữa Trường Đại học Thái Bình, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và nhóm nghiên cứu mạnh chính trị Việt Nam, pháp quyền và tôn giáo sáng ngày 19/10.
Trước đó đã có gần 80 bài tham luận được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các giảng viên trực tiếp giảng dạy các học phần lý luận chính trị tại các trường đại học, học viện, trung tâm chính trị các tỉnh thành gửi về ban tổ chức. 55 bài trong số đó được lựa chọn, biên soạn đưa vào kỷ yếu.
PGS.TS Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình, trưởng nhóm nghiên cứu mạnh chính trị Việt Nam, pháp quyền và tôn giáo cùng PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì hội thảo.
Trong phần đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội nêu bật công tác bồi dưỡng giáo dục lí luận chính trị thuộc bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng.
Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ 13 của Đảng khẳng định đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận theo hướng khoa học, hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn. Trong nhiều năm qua, các cơ sở giáo dục lý luận chính trị trên cả nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy, học tập lí luận chính trị, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay.
Nhưng thực tế theo PGS.TS Lại Quốc Khánh vẫn còn những thách thức như phương pháp giảng dạy vẫn chủ yếu theo lối truyền thống, chưa hấp dẫn người học khiến nhiều sinh viên cho rằng nội dung này vẫn khô khan, thiếu thực tiễn. Điều này dẫn tới hiệu quả, chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở không ít nơi chưa thực sự đạt yêu cầu.
Hội thảo khoa học lần này đặt ra một số nội dung như vai trò của lý luận chính trị trong phát triển xã hội; những thách thức và cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các học phần giảng dạy lý luận chính trị trong giai đoạn hiện nay; đổi mới trong giảng dạy; tăng cường ứng dụng công nghệ trong các học phần giảng dạy lý luận chính trị; phát triển kỹ năng mềm, tư duy phản biện cho sinh viên; thúc đẩy sự hứng thú học tập cho sinh viên trong học tập nội dung này; nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên và thúc đẩy hợp tác liên ngành trong giảng dạy, nghiên cứu lí luận chính trị nhằm nâng cao chất lượng đánh giá, đo lường công tác giảng dạy nội dung này.
“Trong sự thuận lợi phải chia sẻ rằng chưa bao giờ dạy lí luận chính trị lại đứng trước nhiều thách thức đến vậy. Xin lấy một ví dụ rất nhiều thầy cô có thể đang cầm trong tay tập bài dày dặn chuẩn bị để chấm nhưng nhiều bài là của AI. Hội thảo hôm nay tôi cho rất đúng, rất trúng vào đời sống giáo dục hiện nay”.
Tại hội thảo, PGS.TS Lê Trọng Tuyến, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng nêu bật những kĩ năng cần có của giảng viên hiện nay, trong đó hạn chế thuyết trình một chiều, thay bằng tăng cường thảo luận. Đối tượng người học ở đây là các em vừa tốt nghiệp THPT nên cần có những cách giới thiệu mở bằng những câu chuyện, những chi tiết hay vấn đề phát sinh trong xã hội. Bồi dưỡng năng lực tự học cũng như khả năng phản biện của sinh viên. Bản thân giảng viên cần sử dụng thành thạo công nghệ thông tin…
Ngay sau phần trình bày “Chuyển đổi số trong đào tạo, giảng dạy các học phần lí luận chính trị”, PGS.TS Trần Quang Diệu, học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trả lời câu hỏi về việc làm sao để phát hiện việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các bài làm của học viên? PGS.TS Trần Quang Diệu khẳng định trước mắt không quá khó để nhận diện những nội dung được tạo nên bởi trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như việc lặp từ.
Hội thảo cũng ghi nhận những chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy các học phần lý luận chính trị cho đối tượng học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, bước vào đại học sao cho hấp dẫn, dễ nhớ dễ hiểu. PGS.TS Trần Thị Thu Hoài, giảng viên đại học Kinh tế Quốc Dân cho biết đã kết hợp tổ chức game hóa các nội dung kiến thức lịch sử, tổ chức cho sinh viên đi xem các vở kịch lịch sử liên quan đến Bác Hồ hay chia nhóm để đến các di tích cách mạng, di tích lịch sử trong thành phố… Các nội dung kiến thức căn bản nhất, quan trọng nhất đều được đưa lên hệ thống LMS nhằm tạo sự trọn vẹn trong thu nhận kiến thức đồng thời lôi cuốn được tân sinh viên ham thích tìm hiểu, khám phá các học phần lý luận chính trị lâu nay bị coi như “khó, khô và khổ”.
Góp ý cho công tác đổi mới nội dung giảng dạy các học phần lý luận chính trị, PGS.TS Nguyễn Văn Chiều, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng phương pháp nào cũng có tính hai mặt, không thể tuyệt đối hóa. Dung lượng sử dụng ra sao, giảng viên giảng dạy trực tiếp cần lựa chọn áp dụng phù hợp thực tế từng đối tượng người học. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh yếu tố đầu ra. Cũng nội dung này, TS Hà Văn Đổng, Phó Hiệu trưởng trường đại học Thái Bình khẳng định chuẩn kiến thức đầu ra không chỉ dừng ở nội dung kiến thức mà còn góp phần xây dựng, củng cố tư tưởng… Đồng thời cũng cần đổi mới cả công tác kiểm tra, đánh giá.
Đánh giá tổng kết hội thảo, PGS.TS Lại Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định hội thảo đã trả lời được câu hỏi lớn đặt ra từ đầu hội thảo, trong đó có câu hỏi về vai trò của công nghệ trong giảng dạy các học phần chính trị.
“Chưa bao giờ chúng ta có nhiều thuận lợi về công nghệ như vậy. Nhưng vấn đề đặt ra lớn nhất chính ở sự thích ứng trong việc chuyển đổi rất mạnh đồng thời kiểm soát, làm chủ được công nghệ, đòi hỏi phương pháp, kỹ năng của người giảng dạy ra sao để tạo được những giờ dạy hấp dẫn nhưng đạt được mục tiêu giáo dục gồm kiến thức, kỹ năng, niềm tin.
Mỗi giảng viên tiếp nhận, ứng xử và điều chỉnh như thế nào để sức mạnh công nghệ trở thành công cụ hữu ích cho chúng ta thay vì bị cuốn theo, bị lệ thuộc.
Hội thảo có thể tập hợp các ý kiến để có một báo cáo tư vấn chính sách gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo liên quan đến việc đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần lí luận chính trị trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, PGS.TS Lại Quốc Khánh phân tích giá trị của buổi hội thảo đem lại.