Hiện nay, HS không có định hướng chọn hoặc không có khả năng vào học ở các trường THPT mà đi theo hướng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sau THCS thì sẽ học ở các trường trung cấp hoặc cao đẳng. Những năm qua, nội dung giáo dục phổ thông vẫn đang thực hiện trong chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp với các học phần về khối lượng kiến thức văn hóa cho HS theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT.

Điều 34 Luật Giáo dục 2019, khoản 4 quy định: "Học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật"

Như vậy, người đứng đầu cơ sở GDNN tổ chức dạy học khối lượng kiến thức văn hóa THPT được quyền cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT và giấy chứng nhận này được sử dụng để học trình độ cao hơn của GDNN (tức trình độ CĐ).

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), có một nội dung nhiều người đang hiểu chưa đúng là học sinh học trung cấp, muốn học văn hóa phải sang trường khác. HS học nghề vẫn đang được dạy văn hóa tại chính trường nghề, do chính giáo viên của trường nghề dạy – điều này đã được quy định từ năm 2010. Sau khi hoàn thành, các em được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Theo Luật Giáo dục 2019 học sinh còn được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT do chính hiệu trưởng trường nghề cấp.

Việc học các môn văn hóa (còn gọi là các môn khoa học ứng dụng) trong cơ sở GDNN là phục vụ cho việc học kỹ năng nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT thì phải đảm bảo khối lượng kiến thức THPT như tất cả HS học trong các trường phổ thông, hoặc chương trình GDTX tại các Trung tâm GDTX, tức là phải học thêm một số môn học nữa chứ không thể học chương trình ít môn hơn mà vẫn có thể được công nhận như các học sinh đã hoàn thành 3 năm học THPT.

Tương tự, để lấy bằng tốt nghiệp THPT thì ngoài việc phải đảm bảo khối lượng kiến thức THPT như tất cả HS học trong các trường THPT, Trung tâm GDTX khác, học sinh phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT theo quy định của Luật GD 2019.

Muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT, học sinh nghề và học sinh phổ thông phải được đối xử như nhau

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, Luật Giáo dục không quy định cơ sở GDNN dạy để cấp bằng THPT mà chỉ dạy một lượng các môn học văn hóa do Bộ GD&ĐT quy định để hoàn thành chương trình và cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình văn hóa. Còn nếu cấp bằng THPT thì phải thi và ngành giáo dục phải kiểm soát toàn bộ chương trình, chuẩn đầu ra, các điều kiện đảm bảo chất lượng (giáo viên, cơ sở vật chất, thanh tra kiểm tra...), chịu sự chi phối của các qui chế do Bộ GD ban hành và chương trình học nặng hơn nhiều.

Cùng khoảng thời gian 3 năm, học sinh phổ thông trầy trật lắm mới lấy được bằng THPT. Trong khi đó, khá phổ biến là những học sinh có học lực không tốt, không vào được trường THPT mới đi học nghề, nên vô cùng khó khăn để trong khoảng thời gian 3 năm vừa học nghề vừa học văn hóa để thi tốt nghiệp có hai văn bằng. Điều đó sẽ gây quá tải cho học sinh vốn đã có học lực yếu.

Theo ông Vinh, phải giữ chất lượng giáo dục phổ thông, còn nếu định cấp bằng THPT thì phải học và thi theo quy định để lấy bằng THPT chứ không thể đốt cháy giai đoạn, thâm canh trong giáo dục được. “Một người gánh 35 cân đã nặng è ra mà còn chất thêm 40 cân nữa thì gánh sao nổi”, ông Vinh ví von. Phải tính đến chất lượng nguồn nhân lực 10-15 năm sau cho đất nước khi nền kinh tế số hiển hiện không xa thì làm sao, văn bằng THPT muốn chuẩn hóa thì phải làm thế nào?

Hiện nay, người dân cứ thích bằng tốt nghiệp THPT, thực ra chỉ cần trình độ các môn văn hóa phổ thông để dùng cho học nghề và học lên cao. Trường hợp học lên cao hơn ở bậc ĐH, người học "thiếu cái gì học cái đó" để có nền tảng kiến thức vững chắc theo cơ chế học bù các tín chỉ. Còn nếu muốn bằng THPT thì học sinh học nghề cũng phải được ứng xử như học sinh THPT, ông Vinh khẳng định.

Rất cần tư duy lại việc dạy các môn học văn hóa

Hiện nay, khối lượng văn hóa trong các cơ sở GDNN đang thực hiện theo Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nhiều quy định trong thông tư “nặng” cho học sinh học nghề dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Do đó, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, cần phải đổi mới chương trình căn cơ hơn với tầm dài hơi hơn theo hướng dạy tích hợp mà không mang tính chắp vá. Xu hướng dạy tích hợp các môn học văn hóa với các môn kỹ năng nghề như các nước châu Âu là xu hướng phổ biến hiện nay. Đây là bài toán lớn.

Theo ông Vinh hiện nay, có thể nói hơn 90% giáo viên dạy văn hóa không hiểu biết nhiều về hàng trăm nghề đào tạo do họ không được đào tạo nên chưa thể dạy tích hợp được. Muốn đổi mới, GDNN phải có những bước đi bài bản, căn cơ chuẩn bị cho 5-10 năm nữa. Phải đào tạo sớm đội ngũ giáo viên dạy văn hóa có khả năng dạy tích hợp, gắn các môn văn hóa với các tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Ví dụ học hết THCS đã có nền tảng nhất định, đi theo hướng nghề thì dạy các môn văn hóa trực tiếp phục cho đào tạo kỹ năng nghề, chứ đừng hướng dạy các môn dạy văn hóa để thi ĐH như vậy là sai lệch với dạy văn hóa trong trường nghề. Trong nhận thức cần thay đổi và bám sát vào mục tiêu của GDNN được ghi trong Luật giáo dục: " ...chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ". Điều đó cũng đồng nghĩa với việc dạy các môn văn hóa đậm nét về lý thuyết sẽ xa rời mục tiêu GDNN và lại chuyển sang mục tiêu của thi cử và liên thông.

"Chẳng hạn như học nghề Xây dựng thì học Toán phải khác với anh học nghề Cơ khí chứ ghép học Toán chung chung là không ổn. Hay như nghề Cơ khí thì Toán cũng phải khác với Toán trong nghề Điện"- ông Vinh nêu ví dụ. Dạy các môn Toán, Lý, Hóa phải tích hợp với nghề chứ không phải dạy toán thuần túy để thi vào ĐH.

Các chương trình theo hướng này ở một số nước châu Âu như Phần Lan đã có, chúng ta có thể xem để tham khảo. Việc của chúng ta là đào tạo giáo viên và tổ chức quản lý đào tạo cho tốt”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.