Ngày 15/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo thời gian qua và xác định những trọng tâm trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành GD-ĐT hiện đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện. Tới nay, việc triển khai đổi mới này đã được gần 10 năm và nhiều việc còn đang tiếp tục triển khai.

Ngành Giáo dục được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm một cách nhất quán, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, với kỳ vọng lớn, phó thác nhiều. Nhân dân cũng mong đợi những kết quả của ngành. Tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Vì thế, sự phát triển của ngành càng trở nên quan trọng.

“Nhận thức được đầy đủ sứ mệnh đó, toàn ngành Giáo dục đã ra sức phấn đấu, khắc phục khó khăn, từng bước đổi mới và vươn lên. Nhưng trong thời kỳ chuyển đổi, lượng công việc, thách thức, vướng mắc, ý kiến, vấn đề đặt ra nhiều. Nhiều chính sách đã và đang tiếp tục ban hành, chỉ đạo tháo gỡ. Mong rằng, Phó Thủ tướng trong chỉ đạo chia sẻ những vấn đề đặt ra với ngành”, Bộ trưởng nói.

Hiện Bộ GD-ĐT đang triển khai một số nhiệm vụ lớn. Trong đó có triển khai các chiến lược, đề án như: Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao… Đồng thời, lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tại buổi làm việc, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước mắt, năm 2023 ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học, xã hội hoá giáo dục đại học, bao gồm cả thực hiện cơ chế hợp tác công tư, nhất là chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất. Tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, GD-ĐT là lĩnh vực hết sức quan trọng, là một trong những trụ cột, yếu tố đột phá chiến lược và là một trong những động lực của giai đoạn đổi mới sâu sắc và toàn diện của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực quản lý của ngành giáo dục hết sức quan trọng, với tư tưởng xuyên suốt gắn với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ mầm non đến đại học, nghiên cứu chuyên sâu.

Để các sản phẩm giáo dục luôn có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phối hợp cùng các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp đưa ra được dự báo về phát triển khoa học và công nghệ để có mục tiêu đào tạo phù hợp, tạo ra sản phẩm giáo dục có giá trị, bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Trường đại học phải gắn với nghiên cứu, đưa ra thị trường các sản phẩm mà xã hội cần, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Bộ GD-ĐT cần hoàn thiện các khung đánh giá, đưa ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn để giám sát đầu ra, đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GD-ĐT cần tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm hiện nay như: việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn hơi lúng túng; cơ chế thị trường đâu đó còn len lỏi vào một số chính sách. Bộ cần đề xuất giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhiều hơn ở các nơi có điều kiện phát triển để dành nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư cho khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...