Tham dự hội thảo có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh; các chuyên gia về giới của UN Women; Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, Bắc Ninh; các thầy cô đại diện các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cùng doanh nghiệp sử dụng lao động.

Hội thảo đã cùng lúc đề cập thực trạng, lý giải nguyên nhân và đề xuất giải pháp cũng như những sáng kiến cho vấn đề hướng nghiệp cho nữ sinh trong kỷ nguyên công nghệ.

Đề cập vấn đề mất cân bằng giới trong tuyển sinh ngành kĩ thuật, PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Lý Thái Tổ cho biết tỉ lệ nữ giới theo học ngành Công nghệ- thông tin ở Việt Nam còn thấp, mới chỉ chiếm 11%. Con số thống kê được lấy cụ thể từ trường đại học Bách Khoa và trường đại học Công nghệ thông tin.

Đào tạo cũng tỷ lệ thuận với thực tế tham gia vào thị trường lao động. Mặc dù tỉ lệ lao động nữ và nam tại nước ta gần như tương đương nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường tham gia vào các ngành kinh tế ít đòi hỏi yêu cầu kỹ năng về khoa học kỹ thuật công nghệ và đổi mới. Gần 80% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam không có hoặc có tay nghề thấp. Điều này dẫn tới nguy cơ mất việc làm trong 10-15 năm tới của lao động nữ lên tới 86% ở hai ngành gồm dệt may và da giày.

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông cũng chỉ rõ 5 hệ quả của việc phụ nữ bị loại trừ hoặc không được khuyến khích tham gia vào các ngành có giá trị kinh tế cao như kỹ thuật-công nghệ gồm: Thiếu đa dạng tư duy và sáng tạo; Giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Mất cơ hội phát triển kinh tế; Khó khăn giả quyết các thách thức toàn cầu và Thiếu hụt nhân lực có trình độ cao.

“Con gái không nên theo học ngành kỹ thuật vì xấu đi hoặc khô khan, mất vẻ nữ tính"- đây là quan niệm thường thấy.

Lý do nữa nằm ở sự thiếu hình mẫu của nữ giới ở trong ngành. Qua phỏng vấn trò chuyện với các nữ sinh thì các em đều băn khoăn về vấn đề tương lai các em sẽ thế nào khi không có cô, có chị nào thành công trong lĩnh vực này để hướng tới.

Ngoài ra còn phải kể tới bất bình đẳng trong tuyển dụng - PGS.TS Nguyễn Tiến Đông chỉ ra những nguyên nhân của tỉ lệ nữ sinh chọn đăng ký và theo học các khoa ngành kỹ thuật còn thấp.

Trong phần tham luận của mình, Th.S Đặng Thanh Mai, chuyên gia về giới của UN Women phân tích về “Định kiến giới và những ảnh hưởng tới quá trình hướng nghiệp cho nữ giới”. Từ góc độ nghiên cứu, Th.S Thanh Mai phân tích tác hại của định kiến giới nói chung, cụ thể trong giáo dục và việc làm. Khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2021 chỉ ra, có hơn 60% phụ huynh tại Việt Nam mong muốn con gái mình làm các công việc văn phòng hoặc giáo dục thay vì kĩ thuật, khoa học.

Những khuyến nghị được Th.S Thanh Mai chỉ ra tập trung vào công tác khuyến khích nữ sinh tham gia các ngành STEM với gợi ý về cấp học bổng, chương trình cố vấn và các mô hình vai trò nữ thành công trong lĩnh vực này.

Theo Th.S Thanh Mai, cần thực hiện giáo dục về bình đẳng giới từ giai đoạn học đường; Có chính sách hỗ trợ phụ nữ thăng tiến; Xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục; Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến về lựa chọn ngành học và định hướng của trẻ em gái và nữ thanh niên; Nâng cao hiểu biết của gia đình và nhà trường về các nghề cần thiết trong tương lai và tiếp tục xây dựng chính sách cùng các chương trình hỗ trợ bình đẳng giới và đào tạo chuyên môn cho lao động nữ, lãnh đạo nữ để đảm bảo họ được tham gia và hưởng lợi.

PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương trong phần chia sẻ tham luận về giáo dục STEM 2018 và các yếu tố triển khai nhằm thúc đẩy và hướng nghiệp, đặc biệt nữ sinh tham gia giáo dục và việc làm các ngành STEM. Cùng với đó, TS Nguyễn Ngọc Linh, Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng giới thiệu một mô hình giáo dục STEM Farm rất phù hợp để chuyển giao cho các nhà trường tổ chức để học sinh gồm cả nam và nữ có thể cùng tham gia tại các cấp học khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục thành phố Từ Sơn chia sẻ những nỗ lực đồng thời chỉ ra những khó khăn trong việc phát triển các hoạt động STEM trong các nhà trường trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân tập trung vào việc học sinh, gia đình và nhiều khi chính các giáo viên vẫn chỉ coi trọng và tập trung vào 3 môn Toán, Văn, Anh mà chưa thực sự nhận thức hết vai trò của STEM với quá trình dạy và học cũng như hướng nghiệp.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo tới tất cả các đơn vị trường học quan tâm đẩy mạnh lồng ghép dạy học STEM vào các môn học. Đồng thời sẽ tổ chức các chuyên đề với mục tiêu khơi gợi đam mê, sự sáng tạo và đặc biệt phù hợp với các em học sinh nữ trong lựa chọn hướng đi tương lai chọn nghề hướng nghiệp”, ông Dũng chia sẻ.

Đại diện cho khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc nhân sự công ty TNHH Hitachi Energy Việt Nam đã đem tới hội thảo một bản trình bày về những nỗ lực nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ tại doanh nghiệp bằng chương trình đào tạo cho nữ thông qua hỗ trợ bằng học bổng, hỗ trợ truyền thông. Cùng với đó còn có chương trình Tăng tốc cho phụ nữ bằng những hành động cụ thể như trả lương công bằng, chính sách việc làm linh hoạt cho nữ giới, tổ chức các chương trình đào tạo và phát triển cho lao động nữ...

Ở phần tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỏi đáp các vấn đề liên quan tới chủ đề hội thảo, ông Kim Hồng Hưng, Phó Chánh Văn phòng Tổng Cục Giáo dục Nghề Nghiệp, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội đã nhấn mạnh giáo dục nghề nghiệp không bỏ lại phía sau bất kì đối tượng nào. “Riêng với lao động nữ, trong chiến lược của ngành cũng đã khẳng định đến năm 2025 tỉ lệ tuyển sinh nữ sẽ chiếm 30% và đến 2030 sẽ đạt tới 40%. Và trong môi trường giáo dục nghề nghiệp, hoạt động STEM thuận lợi hơn ở đào tạo phổ thông. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp sẽ bám sát làm sao để từ giáo dục tiểu học, THCS sẽ làm cầu nối vào giáo dục nghề nghiệp, trong đó tỉ lễ nữ sinh tham gia các nghề kĩ thuật sẽ có những thay đổi tích cực”, ông Hưng phân tích.

Khép lại gần 4 giờ đồng hồ hội thảo, ông Dư Thành Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã công bố Quỹ học bổng “LIC- WOMEN IN STEM”. Quỹ học bổng này sẽ trao cho hai đối tượng gồm những học viên nữ chọn học khối ngành kĩ thuật- công nghệ có thành tích học tập xuất sắc của nhà trường và những nữ sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Từ Sơn có giải thưởng cấp tỉnh và Quốc gia.

Mai Thị Trang, học viên năm hai khoa Điện-Điện tử, ngành Tự động hóa có vinh dự nhận học bổng lần này. Sau khi tốt nghiệp THPT, từ những tư vấn của giáo viên trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, em chọn ngành học thoạt nghe đầy nam tính.

“Khi được tư vấn, em đã lên tham quan trường, thấy máy móc, trang thiết bị cực kì hiện đại, trường rộng đẹp nữa nên em quyết định chọn học. Bố mẹ cũng đồng ý và ủng hộ em. Em cũng mong mọi người có cái nhìn đúng hơn về con gái học ngành kỹ thuật để ngày càng có nhiều bạn dám chọn lựa và theo đuổi”.

Lớp chỉ có 2 nữ học viên nhưng nhờ sự hỗ trợ, động viên và nhiệt tình của thầy cô, Trang đã tự tin hơn với lựa chọn của bản thân.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức cũng trao giải cuộc thi ảnh “WOMEN IN STEM” được phát động trước đó cho nữ sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố Từ Sơn tham gia có giải trong các cuộc thi liên quan đến lĩnh vực STEM từ cấp thành phố trở lên.

Hội thảo với chủ đề: “Hướng nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ: Nữ sinh và các ngành STEM” đã chỉ ra được những vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp cho những vướng mắc của các nhà trường từ phổ thông, trường nghề, trường đại học đến cả các doanh nghiệp cùng chung tay trong việc thúc đẩy nhiều hơn nữa nữ giới tham gia vào lĩnh vực, ngành nghề kỹ thuật, công nghệ.