Nửa tháng sau khi trở về từ cuộc thi chung kết “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2022 diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, Lý An Thuyên, sinh viên năm 3 ngành hướng dẫn viên du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai bắt tay để đưa ý tưởng khởi nghiệp "Măng khô Văn Bàn" có thể triển khai vào thực tiễn.

Giống như nhiều đứa trẻ ở miền núi, Thuyên có một tuổi thơ nhiều khó khăn, vất vả. Bố của em không may mắc bệnh nặng nên mọi gánh nặng trong gia đình đổ dồn lên vai mẹ. “Từ nhỏ em đã phải cùng mẹ lên rừng hái măng đem bán mua gạo ăn, mua sách vở đi học…”, Thuyên nhớ lại.

Cây măng rừng Văn Bàn mang đến cho gia đình Thuyên nguồn sống; Cây măng cũng là cả một bầu trời kỷ niệm của cậu sinh viên người Tày. Vậy nên từ nhỏ, Thuyên có một mơ ước có thể đưa sản phẩm măng khô Văn Bàn đến mọi miền tổ quốc.

“Mong muốn làm được một điều gì đó từ cây măng của quê hương là ước mơ từ nhỏ của em. Tuy nhiên khi học xong THPT vì điều kiện kinh tế gia đình em phải đi làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có đi bán hàng cho hãng điện thoại di động”, Lý An Thuyên cho biết.

Suốt 3 năm làm việc tại hãng điện thoại di động, Thuyên có thu nhập từ 15-20 triệu/tháng - mức lương mơ ước đối với nhiều bạn trẻ ở Lào Cai. Có mức thu nhập cao nhưng Thuyên nhận ra bản thân vẫn “trắng tay” về trình độ kỹ năng. Em quyết định từ bỏ công việc đang làm để đi học nghề.

“Dù có công việc với mức lương cao nhưng em nghĩ vẫn phải có một nghề cụ thể thì mới bền vững. Tuổi còn trẻ, tương lai còn phía trước, nếu không đi học có bằng cấp đàng hoàng sau này có thể em sẽ phải hối hận”, Thuyên nói.

Lý An Thuyên theo học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch – một ngành học khá “hot” và phù hợp với thị trường việc làm ở Lào Cai. Thực tế ngay trong quá trình theo học, cậu sinh viên người Tày đã tham gia hướng dẫn tour tới các điểm du lịch của địa phương. Tuy nhiên ước mơ khởi nghiệp từ sản phẩm măng khô Văn Bàn vẫn luôn nung nấu.

“Măng khô là một đặc sản của huyện Văn Bàn. Măng ở đây ngon, ngọt, thanh hơn so với măng của các vùng đất khác vì được trồng ở giữa hai dãy núi lớn là dãy núi con Voi và dãy Hoàng Liên Sơn. Trong khi đó măng khô của huyện mới chỉ được bán tại các chợ dân sinh mà chưa được phân phối tại các siêu thị, trung tâm thương mại nên tiềm năng của sản phẩm này rất lớn ”, Thuyên cho biết.

Khi bắt tay xây dựng dự án sản phẩm măng khô Văn Bàn để tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2022 , Lý An Thuyên được sự hỗ trợ tích cực từ các giảng viên Khoa Kinh tế-Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai.

Cô Bùi Thị Thanh, giảng viên Khoa Kinh tế-Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết, ý tưởng khởi nghiệp của Thuyên có tính thực tiễn cao vì măng khô Văn Bàn vốn nổi tiếng từ lâu nhưng chưa được quảng bá, chưa có kênh phân phối chính thức vào các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

“Điểm mạnh của Thuyên ở ý tưởng dự án này là rất am hiểu sản phẩm măng khô và có niềm đam mê quảng bá sản phẩm quê hương. Ngay sau khi biết tới dự án này, một số xã đã có hướng triển khai tới các hộ gia đình”, cô Thanh cho biết.

Tại chung kết “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” - Startup Kite 2022, sản phẩm “Măng khô Văn Bàn” của Lý An Thuyên giành giải khuyến khích.

“Ý tưởng khởi nghiệp của em nhận được cả lời khen, lời chê từ ban giám khảo. Tuy nhiên em rất vui vì có giám khảo nhận lời hợp tác và sẵn sàng là một kênh phân phối sản phẩm măng khô Văn Bàn ở thị trường phía Nam. Phía trước còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư, kênh phân phối, nhận diện thương hiệu… nhưng em có niềm tin rất lớn về ý tưởng khởi nghiệp của mình sẽ thành công”, Lý An Thuyên tự tin nói.