Trong Chương trình Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt - Đài Tiếng Nói Việt Nam, PGS.TS Trương Thị Nhàn, giảng viên Chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Huế chia sẻ về ý nghĩa đặc biệt của chữ “Nhà”.

Chữ “Nhà” là cả gia đình

“Nhà” trong tiếng Việt là 1 từ đa nghĩa. Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên ghi nhận đến 8 nghĩa. Trong đó nghĩa gốc “nhà” được hiểu là công trình xây dựng. Từ nghĩa đó, “nhà” trở thành nơi sống của 1 gia đình, rồi phái sinh thành nghĩa “nhà” chính là gia đình. Ví dụ “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi” hoặc “Nhà có 5 nàng tiên”.

Trong tâm khảm người Việt, “nhà” như là biểu tượng của quê hương, biểu tượng của đời sống. Nhà có thể phân hóa thành nhà giàu, nhà nghèo, nhà ngói, nhà lim, ... nhưng “nhà” luôn luôn là nơi chúng ta đều muốn trở về, ở đó có mẹ, có cha, có ông bà, có những ký ức tuổi thơ, có vợ, có chồng, có con. “Nhà” là nơi cộng đồng thân thương nhất, ấm áp nhất của chúng ta.

Tính gia đình, tính thuộc về, tính có chủ quyền trong quan hệ vợ chồng được thể hiện rất rõ trong cách mà người Việt gọi vợ hay chồng mình là “nhà”: “Nhà tôi không có nhà”. Như vậy, “nhà” ở đây là nơi mà mình gắn bó nhất, yêu thương nhất, là nơi mình thuộc về.

“Nhà quê” và “Quê nhà” có gì khác nhau?

“Nhà quê” được cấu tạo từ yếu tố “nhà” và “quê” với nghĩa gốc ban đầu là chỉ nông thôn, ví dụ chúng ta nói là “từ nhà quê lên thành phố”. Nhưng rồi sau này, “nhà quê” lại chuyển nghĩa để dùng với 1 tính chất là quê mùa, mộc mạc, kém thanh tao với hàm ý chê. Ví dụ như trong cách nói “ăn mặc nhà quê”, “nói năng nhà quê”.

Hiện nay từ “nhà quê” đang được giới trẻ sử dụng tràn lan trong đời sống với ý nghĩa thứ hai, tức là với hàm ý chê bai. “Dường như chúng ta quên mất hiện có khoảng 65% người Việt đang sống ở nông thôn, trong 35% còn lại còn biết bao nhiêu người có gốc gác là nhà quê, tức là từng sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Rồi bao nhiêu người đang sống ở thành thị nhưng có ông bà, bố mẹ đang sống ở nông thôn. Đối với họ thì “nhà quê” chắc chắn là nơi họ luôn nhớ về, luôn yêu thương, trân trọng. Không thể dùng từ “nhà quê” với ý nghĩa chê bai một cách hồn nhiên nhưng mà không ý thức như vậy.”, PGS.TS Trương Thị Nhàn chia sẻ quan điểm.

Khác với từ “nhà quê”, “quê nhà” là 1 cụm từ với từ “quê” là thành tố chính, còn “nhà” là thành tố bổ sung ý nghĩa là nơi có nhà mình, có gia đình mình, có ông bà cha mẹ mình, có tuổi thơ, có kỷ niệm. “Quê nhà” là nơi mình ao ước trở về như trong lời bài hát Quê nhà của Trần Tiến: “Quê nhà tôi ơi/ Xứ Đoài xa vắng/ Khói chiều mênh mông/ Sông Đà buông nắng/ Nhớ thương làng quê/ Lũy tre bờ đê/ Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ.”

Vì sao luôn nói là “về quê”?

Chúng ta lại nói là “về nhà”, “về quê”, “về nước” mà không phải là “đi” hay “đến”. Tiếng Việt chúng ta có những cặp từ chỉ hoạt động di chuyển có hướng, nó thể hiện cách nhìn thế giới rất độc đáo của người Việt. Ví dụ như “lên rừng xuống biển”, “ra Bắc vào Nam”, “đi nước ngoài”, “về nước”.

“Đi” là rời khỏi vị trí ban đầu của mình. “Đi nước ngoài” là từ trong nước của mình chúng ta đi ra ngoài, rời khỏi vị trí nước mình. Còn “về” là trở lại vị trí ban đầu của mình “về nhà”, “về nước”. Nói “về nhà” bởi “nhà” là nơi của mình. Còn nói “về quê” tức là bởi quê cũng là nơi của mình, “quê” là “quê nhà”. Và khi chúng ta nói “về quê” thì có nghĩa là chúng ta ngầm thừa nhận 1 chân lý rằng “quê” hay “quê nhà”, “nhà quê”, “thôn quê”, “làng quê”, “quê hương” chính là vị trí ban đầu của mỗi người Việt chúng ta.

Từ “nhà” - một từ ngữ rất ấm áp ngọt ngào, là nơi đong đầy yêu thương mà trong ngày Tết ai cũng nao nao nhớ đến.

Cùng nghe những ý nghĩa khác của từ "nhà" tại đây: