Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế-xã hội và môi trường toàn cầu, trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài.

Nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 10C chỉ trong ba năm qua; mực nước biển dâng cao; cháy rừng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia; các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần xuất ngày một dày hơn…tất cả những điều này đã khiến biến đổi khí hậu trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại mà nước ta không nằm trong trường hợp ngoại lệ.

TS. Phạm Thị Huế - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định sự tác động của biến đổi khí hậu không phải chỉ ở biển, ở không khí, không những thế môi trường sống cũng bị ảnh hưởng bởi nó làm bùng phát dịch bệnh và làm thay đổi cấu trúc gen rồi những bệnh truyền nhiễm nhiều hơn. Đấy là những vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người.

BĐKH trên toàn cầu có diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất thế giới trước những tác động của BĐKH. Thực tế này đe dọa những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH nhấn mạnh chỉ trong 10 năm gần đây các loại thiên tai như bão lũ, sạt lở đất, ngập úng, hạn hạn, xâm ngập mặn đã gây thiệt hại to lớn. 10 năm nếu theo số liệu thống kê, đến thời điểm này, người chết và mất tích hơn 9000 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm. Cái này đặt ra nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo cũng như mục tiêu phát triển bền vững của chúng ta khó thực hiện.

Để hỗ trợ giảm hại do tác động của thiên tai cần nhiều lĩnh vực, ngành nghề tham gia, trong đó Công tác xã hội là một nghề trợ giúp hiệu quả vì nhân viên xã hội được giao nhiệm vụ làm việc với các cá nhân và với các cộng đồng tại những vùng có nguy cơ thiên tai cao. Tuy nhiên, hoạt động công tác xã hội thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay vẫn còn nhiều thách thức.

GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam lo ngại về một tương lai không xa khi mực nước biển lên cao, chúng ta là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng lên 50cm, đồng bằng Bắc Bộ mất 17%. Đồng bằng Nam Bộ nếu 50% thì 10 triệu nông dân và hàng triệu ha bị chìm trong nước.

"Nếu tình hình biến đổi khí hậu như thế này và công tác xã hội vẫn giậm chân thế này thì 20 năm nữa, chậm lắm 25 năm nữa, lúc đấy không chỉ vấn nạn ở VN đâu", GS Cảnh Toàn nhận định.

Theo quan điểm của Ths. Nguyễn Thanh Hương - Nguyên Phó trưởng khoa Công tác XH, Đại học Lao động – Xã hội dưới sự ảnh hưởng của biến đối khí hậu, công tác xã hội có một vai trò quan trọng trong việc trợ giúp người dân phòng ngừa, giảm thiểu tác hại, rủi ro do BĐKH gây ra. Điều này được thể hiện thông qua các chức năng của CTXH như can thiệp, phục hồi, xử lý sau thiên tai.

Để CTXH hiệu quả, đầu tiên là truyền thông đến cho người dân để họ nhận thức được nhiệm vụ, vai trò của công tác xã hội. Truyền thông được thì chúng ta sẽ có đối tượng. Khi họ gặp vấn đề họ tìm đến để có sự trợ giúp. Còn giải pháp thứ hai đó chính là phải nâng cao năng lực thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ. Còn nhóm giải pháp thứ ba là nhóm hành lang pháp lý, phải có những chính sách phù hợp làm sao đó thúc đẩy được các dịch vụ CTXH một cách hiệu quả mang tính chuyên nghiệp.

Nâng cao năng lực ở đây đầu tiên là nhấn mạnh khả năng mô tả về cộng đồng hay đánh giá, nhận diện cộng đồng trước trong và sau thảm hoạ. Cái nâng cao năng lực thứ hai là tìm kiếm giải pháp và nhóm thứ ba nâng cao năng lực liên quan đến sự vận động tham gia của người dân. Đó là cái quan trọng và đặc biệt thúc đẩy tích cực các nhóm xã hội.