"Tự hào khi nhiều học trò là ông chủ đồ gỗ lớn"

Gặp cô giáo Phạm Thị Thu Hương, trường cao đẳng Công nghệ kinh tế và chế biến lâm sản khi nữ giảng viên này đến Hà Nội nhận giải Nhì Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Cô Hương nói vui, cô là thí sinh lớn tuổi nhất của Hội giảng khi năm nay đã gần 50 tuổi nhưng vẫn đi dự thi ở một ngành tưởng chừng chỉ dành cho nam giới: Nghề chạm khắc gỗ.

“30 năm qua, đôi bàn tay của tôi lúc nào cũng phải cầm dùi đục lên lớp hướng dẫn học sinh chạm khắc gỗ nên bàn tay xấu lắm. Những cuộc gặp gỡ bạn bè, giao lưu không muốn chìa tay ra bắt đâu vì đôi bàn tay chai sần lên rồi”, cô Phạm Thị Thu Hương nói vui.

Có chút tự ti với đôi bàn tay nhưng khi chia sẻ về hành trình đến với nghề chạm khắc gỗ, nữ giảng viên sinh năm 1973 toát lên sự tự hào. Cô khẳng định, với trường hợp của mình là “nghề chọn người” bởi ngay sau khi học xong lớp 12, cô được gia đình định hướng học nghề này với một lý do rất đơn giản, dù trời nắng hay mưa thì mình vẫn ngồi trong nhà làm việc mà không phải lo lắng chuyện ngoài đường.

Tuy nhiên khi theo học và gắn bó với nghề chạm khắc gỗ, cô Phạm Thị Thu Hương đã yêu và gắn bó với từng thớ gỗ từ lúc nào. Cô thường ví, những khúc gỗ bình thường có thể chỉ để ra làm củi đun. Ấy thế nhưng có nghề trong tay có thể biến những khúc gỗ thô mộc đó ra thành các sản phẩm có giá trị, mang đến kinh tế cao.

Xuất phát điểm theo học Trường Công nhân kỹ thuật chế biến gỗ Trung ương sau đó cô Hương đi học ở trường Đại học Lâm nghiệp và gắn bó với công việc giảng dạy tại trường Công nghệ kinh tế và chế biến lâm sản khi nữ giảng viên này đến Hà Nội suốt 30 năm nay.

Nhớ lại thời hoàng kim của ngành chạm khắc gỗ, cô Hương cho biết, thập niên 90 ngành học này “hot” đến mức học sinh-sinh viên tranh nhau vào học. Có học sinh khi không có cơ hội được tuyển vào ngành học này đã rút hồ sơ lại. Tuy nhiên, theo thời gian, chạm khắc gỗ không còn là ngành “hot” nữa mà nhường chỗ cho những ngành công nghệ hay du lịch... Điều này theo cô Hương là lẽ thường tình của cơ chế thị trường, dịch chuyển ngành nghề. Nhưng không vì thế mà tình yêu, niềm tự hào ngành nghề mình đã chọn vơi bớt đi trong cô.

“Dù ngành nghề của mình không được hot như ngày xưa nhưng mình vẫn phải truyền lửa để cho các em đam mê về nghề nghiệp thì mình mới trụ vững được với nghề”, cô Hương chia sẻ.

Học trò của cô Phạm Thị Thu Hương đang lập nghiệp, thành đạt ở khắp mọi miền tổ quốc. Cô vui vì nhiều em đã bám nghề, giữ nghề thậm chí là chủ các cơ sở sản xuất gỗ lớn của Việt Nam nói chung hay ở các làng quê nói riêng.

“Dù ở xa nhưng em vẫn luôn hướng về cô. Thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe, báo cáo là em đã làm được những cái này, cái kia. Thì đây cũng là niềm hạnh phúc của mình đối với nghề giáo”, cô Phạm Thị Thu Hương tự hào.

"Trong gia đình, sửa chữa đường điện, đường nước... là việc của tôi!"

Khoác bên ngoài tà áo dài nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng cô giáo Vũ Thị Phương, giảng viên khoa Điện-Điện tử trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp lại mang trong mình sự mạnh mẽ, cá tính không khác gì một giảng viên nam. Nói về cơ duyên đến với ngành Điện, cô Phương chia sẻ, ngay khi còn là học sinh phổ thông, cô đã là một cô bé mạnh mẽ, cá tính và thích đấu nối các nguồn điện.

“Khi học trường THCS, chúng tôi được học điện dân dụng. Trong quá trình học mình không hề thua kém những bạn nam trong lớp. Thậm chí, nhiều bạn nam khi đấu nối các mạch điện để tạo thành một mạch điện có khi chưa đạt được kết quả cao như tôi. Cho nên khi học xong THPT tôi đã quyết định bước tiếp theo học ngành hệ thống điện của trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, cô Phương nhớ lại.

Khi là sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cô Vũ Thị Phương cũng là nữ sinh viên hiếm hoi của khoa, của ngành. Và đến giờ khi là giảng viên của khoa Điện, Điện tử của trường Cao đẳng công nghệ và kinh tế công nghiệp thì sinh viên của cô cũng phần lớn là nam giới.

“Tôi thừa nhân là mình có cá tính mạnh mẽ và đôi khi cứng nhắc. So với các bạn bè cùng trang lứa cùng đi học đại học, các bạn của tôi đều học ngành kinh tế nên câu ăn, câu nói mỹ miều, hoa văn hơn tôi, kể cả trong cách ăn mặc. Riêng về nghề thì dù nam hay nữ nếu đam mê thì mình sẽ cháy và thành công trong nghề đã chọn”, cô Phương tự tin nói.

15 năm trong nghề, cô Vũ Thu Phương cho biết, nhiều thế hệ học sinh-sinh viên của mình cũng bất ngờ khi gặp một giáo viên nữ dạy kỹ thuật. Tuy nhiên khi tiếp xúc, học tập rồi học sinh, sinh viên đều yêu mến, tự hào về cô.

Mạnh mẽ, quyết đoán qua từng bải giảng, cô Vũ Phương còn tự tin trong với cả những công việc trong gia đình.

“Chồng tôi làm về cơ khí nên những gì liên quan đến cơ khí thì tôi không động tay. Nhưng những gì liên quan đến sửa chữa thiết bị điện trong gia đình kể cả điện lạnh, điện tử, điện dân dụng, kể cả đường nước thì đó là việc của tôi”, cô Vũ Thu Phương hài hước chia sẻ.

"Không chỉ dạy về kỹ thuật, chúng tôi còn dạy cho học sinh bài học cuộc sống"

Những nữ giảng viên dạy các khoa ngành kỹ thuật họ được ví như “của hiếm” của các trường nghề. Bởi không chỉ giỏi chuyên môn, họ còn có những thế mạnh riêng như khẳng định của cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên khoa điện trường Trung cấp kỹ thuật nghiệp vụ Hải phòng.

“Giáo viên nữ giảng dạy về kỹ thuật cũng có nhiều điều đặc biệt. Đặc biệt là số ít trong cả môi trường học, môi trường giảng dạy khi chủ yếu là nam. Tuy nhiên cũng có thuận lợi. Bởi phụ nữ thì dễ chia sẻ với học sinh nam. Bên cạnh kỹ năng, mình còn giáo dục cho học sinh những câu chuyện từ cuộc sống. Đây cũng là điều kiện thuận lợi trong quá trình giảng dạy”, cô giáo Nguyễn Thị Hoa cho biết.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm 10 năm trong nghề, cô Hoa cũng thừa nhận, phụ nữ khi theo nghề dạy học ngành kỹ thuật cũng có những khó khăn nhất định. Ví như cần có nhiều sức khỏe hơn để thực hiện các thao tác, kỹ thuật hay phải mất nhiều thời gian để chăm sóc gia đình, con cái… Dù vậy, cô Hoa cho rằng những khó khăn này cũng chỉ là thứ yếu bởi khi đã có đam mê trong nghề, những nữ giáo viên bằng nhiều cách khác nhau có thể khỏa lấp những khó khăn, thiệt thòi.

“Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này, chúng tôi phải tự học hỏi rất nhiều thứ, cập nhật kiến thức để có thể đáp ứng được các yêu cầu giảng dạy và đảm bảo chất lượng đầu ra của ngành”, công Nguyễn Thị Hoa khẳng định.

Việc lần đầu tiên tham gia hội giảng nhà giáo dục nghề nghiệp bằng hình thức trực tuyến theo cô Nguyễn Thị Hoa cũng là sự khẳng định việc thích ứng của các nhà giáo trường nghề nói chung và những nữ giáo viên, giảng viên dạy về kỹ thuật nói riêng. Trong bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi, họ không hề đứng yên mà liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức, phương pháp mới để truyền đạt cho học trò.

Chia sẻ về ngày 20/11 năm nay, cô Nguyễn Thị Hoa cho biết, có lẽ đây là ngày lễ nhà giáo đặc biệt nhất trong những năm qua khi do dịch bệnh mà học sinh, sinh viên của nhiều tỉnh, thành phố chưa được đến trường. Nhưng bằng nhiều cách khác nhau, học trò vẫn có thể gửi lời chúc, món quà tinh thần tới thầy giáo, cô giáo của mình.

“Nhưng niềm vui, hạnh phúc lớn nhất là sự thành đạt, là thành công trong chặng đường nghề nghiệp của học sinh, sinh viên”, cô Hoa tự hào chia sẻ.