Là những người đi trước, anh Hoàng Văn Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại New Zealand, đồng sáng lập trang “Sách và Hành Động” và bạn Nguyễn Thị Bích Hậu, sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Y Hà Nội, đại sứ Dự án Thúc đẩy hợp tác và Phát triển năng lực Sinh viên Y –POSEIDONS chia sẻ những điều thiết thực nhất với các bạn tân sinh viên trong một Workshop của IBNA – Trang thông tin hữu ích dành cho học sinh, sinh viên.

Học đại học có nhàn hơn học cấp III?

Có rất nhiều quan điểm được truyền tai tới các bạn học sinh cấp 3, rằng lên đại học rất nhàn, tha hồ chơi, nhất là 2 năm đầu.

Khi bước chân vào Trường ĐH Y Hà Nội, Bích Hậu cũng được nhiều người rỉ tai rằng “đỗ đại học rồi, cứ chơi đi, yêu đi, thoải mái đi”. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có lời khuyên hãy chăm chỉ ngay từ đầu. Hậu đã làm theo lời khuyên ấy, cố gắng học tập và đã đạt được học bổng ở hai kỳ đầu. Nhìn lại chặng đường đã qua, Hậu nhận thấy học đại học thực sự vất vả hơn cấp 3 vì có rất nhiều môn, mỗi kỳ thi không khác nào một kỳ thi đại học mini. “Nếu duy trì được sự chăm chỉ như khi học cấp 3, các bạn chắc chắn có kết quả rất tốt. Đừng ngủ quên trên chiến thắng” là lời khuyên tâm huyết của Hậu dành cho các tân sinh viên.

Còn theo anh Hoàng Nam, nếu xả hơi ngay từ năm thứ nhất, các bạn sẽ thành thói quen, trườn dài, đến khi muốn quay lại guồng học cũng không hề đơn giản.

Đa phần các bạn vào đại học đều có những cú sốc. Người thì nhận thấy mình chọn nhầm ngành mất rồi, chẳng lẽ thi lại hay cố học cho xong? Ngay cả học đúng ngành mình thích rồi nhưng thực tế học tập không như tưởng tượng, 2 năm đầu học toàn các môn đại cương khiến các bạn nản. Các bạn cần xác định vào đại học mình sẽ gặp cú sốc đó.

Các bạn cũng sẽ nghe nhiều luồng thông tin như học trong trường không quan trọng, quan trọng là ra trường đi làm thế nào. Nhưng các bạn cần xác định, nếu không phải những người thật sự tài năng thì dùng tấm bằng với kiến thức kỹ năng cần có để kiếm một công việc vẫn thật sự cần thiết. Bằng đại học vẫn là cơ sở để các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng và là cơ sở để bạn bắt đầu phát triển công việc sau này. Vì vậy, điều quan trọng nhất các tân sinh viên nên xác định tấm bằng đại học thực sự quan trọng để có mục tiêu phần đấu ngay từ đầu.

Cùng tham gia hội thảo, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa vốn là cựu sinh viên trường ĐH Bách Khoa cho rằng, thực tế sinh viên năm đầu có tâm lý "xả hơi" sau mấy năm ôn thi đại học vất vả. Tuy nhiên, đại học giờ đã khác, đại học giờ là môi trường trải nghiệm và trưởng thành nhiều hơn. Kiến thức chỉ chiếm 20-25%, còn thái độ học tập, quyết tâm, nghị lực chiếm tới 75-80%. Vì vậy không thể cứ xả hơi mà lấy bằng ra trường được. Đơn cử như trường Đại học Bách Khoa, để lấy được tấm bằng khá khi ra trường cũng phải học "trầy trật", thầy Khánh nêu ví dụ.

Phương pháp tự học hiệu quả khi học Đại học

Tự học chính là chìa khoá của mọi kỹ năng, bất luận là kỹ năng cứng hay kỹ năng mềm. Hiện nay, với sự phát triển của Internet và công nghệ 4.0, điều kiện để có thể tự học rất thuận lợi. Bên cạnh đó, ngoài Google, ngoài Internet, theo anh Hoàng Nam, sinh viên hiện nay có rất nhiều nguồn để tự học: có thể là tham gia hoạt động xã hội, đi làm thêm… Sau khi có nguồn rồi phải hướng đến cái đích là “Học cái gì?”. “Hãy tận dụng các nguồn sẵn có để trau dồi kỹ năng cứng, từ đó phát triển thêm kỹ năng mềm.”, anh Nam khuyên.

Với Bích Hậu, trải qua 3 năm trên giảng đường đại học, em nhận thức rất rõ ràng tầm quan trọng của việc tự học. Theo Hậu, tự học chính là tự tổ chức phương thức học của bản thân, tự nghe giảng, tự đọc hiểu, sau đó tự phân tích và tổng hợp. Chính vì thế, mọi người có thể tự do lựa chọn phương pháp học phù hợp với bản thân mình. Bên cạnh đó, các tân sinh viên cần đặt ra mục tiêu học để làm gì để từ đó có sự phấn đấu và đặt ra phương pháp tự học sao cho hiệu quả. Một kinh nghiệm của Hậu, hãy lắng nghe thật kỹ lời thầy cô giáo giảng bài. Đây là cách rất hữu hiệu vì đó là những trải nghiệm các thầy cô đã đúc kết được trong cuộc sống hàng ngày và trong quá trình giảng dạy.

Sinh viên có nên tham gia các hoạt động khác ngoài học?

Theo anh Hoàng Nam, học không đơn giản chỉ là học ở trên trường mà học từ bạn bè, học từ bên ngoài cũng là học. Nếu có cơ hội, các bạn sinh viên hãy cứ làm thêm hay tham gia các hoạt động xã hội.

Một điều quan trọng là những hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội trong trường đại học rất nên tham gia. Khi xa nhà, một môi trường hướng ta vào các hoạt động tốt là rất cần thiết.

Còn với việc đi làm thêm, tốt hơn hết là làm những gì liên quan đến cái mình học. “Nếu học IT đi bưng cà phê, không sao cả, nhưng sẽ tốn thời gian của các bạn mà không giúp ích được gì nhiều cho việc nâng cao kỹ năng hay chuyên môn”, anh Nam đưa ra 1 ví dụ.

Là một sinh viên năng động, ngay từ năm thứ nhất, Bích Hậu đã năng nổ tham gia rất nhiều hoạt động với đủ mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, khi đã bước vào những chặng cuối cùng của cuộc đời sinh viên, Hậu bỗng nhận ra rằng, mình đã tham gia quá dàn trải mà không xem xét đến cái gì mới thật sự cần thiết cho chính bản thân mình. Cũng như anh Nam, Hậu ủng hộ tham gia các hoạt động khác ngoài học, tuy nhiên không nên quá dàn trải mà nên tìm đến những hoạt động có thể hỗ trợ cho việc phát triển đúng chuyên môn mà mình đang học.

Lời khuyên của anh Nam dành cho các bạn tân sinh viên là hãy trau dồi chuyên môn tốt, sau đó rèn kỹ năng mềm. Khi có vốn rồi, ra đời có gặp những va cấp sẽ tạo nên kinh nghiệm để dẫn tới sự thành công của các bạn!

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh cho rằng công nghệ 4.0 giúp chúng ta tiếp cận tài nguyên một cách bình đẳng, ngồi ở Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn học liệu của các giáo sư hàng đầu nước ngoài. Vì vậy lời khuyên của thầy Khánh là các bạn tân sinh viên nên xác định tâm thế và mục đích của mình.

Có một câu rất hay của Steve Job: "Tại thời điểm này không quan trọng hoàn cảnh của mình thế nào mà quan trọng nhất mình muốn đi đến đâu". Chúng ta phải chủ động. Bố mẹ tốt, bạn bè tốt cũng không ai có thể dắt chúng ta đến cuối con đường chúng ta đã chọn mà tự chúng ta phải nỗ lực trên con đường của mình. Cố hết sức vì mục tiêu của mình là điều quan trọng nhất, thầy Khánh nhấn mạnh.

Kiến thức có thể giúp cho chúng ta gỡ được 1 kỳ học bết bát. Tiền bạc có thể giúp bạn mua đồ ăn khi đói run tay. Nhưng chỉ có tinh thần vững vàng vực được bạn dậy khi gục ngã.
Đừng kỳ vọng vào đại học mình sẽ trở thành người nọ, người kia. Đại học chỉ là một chặng trên con đường trưởng thành. Quá trình học hãy cố gắng đạt những thành tích nhỏ thôi cũng được, những thành công nhỏ sẽ giúp bạn có sự tự tin để đạt được những thành công lớn hơn.