Đại học Y Hà Nội là sự lựa chọn của những thí sinh xuất sắc. Với những ngành học mang tính đặc thù ngoài những phương thức tuyển sinh truyền thống, nhà trường cũng có sự điều chỉnh nhẹ tỷ kệ tuyển sinh đối với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Và trong tương lại gần, nhà trường đang lựa chọn cho mình phương thức tuyển sinh phù hợp nhất để có thể chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với ngành đào tạo đặc thù. Đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Phóng viên VOV2 với GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.
PV: Thưa GS, năm 2023 này, phương án tuyển sinh của trường Đại học Y Hà Nội có điểm gì mới?
GS Nguyễn Hữu Tú: Cho đến thời điểm này, đề án tuyển sinh của nhà trường chưa công bố, chúng tôi cũng chờ thêm những quy định của Bộ GD-ĐT và cũng sẽ có bàn bạc để thống nhất, ban hành quy chế tuyển sinh theo quy định. Tuy nhiên, về các nội dung trong quy chế tuyển sinh năm nay thì sẽ dự kiến không có nhiều thay đổi lớn, cơ bản vẫn dựa trên các phương thức xét tuyển như hàng năm.
Tuy nhiên tỷ trọng, tỷ lệ của các phương thức xét tuyển sẽ có những thay đổi nhất định để đảm bảo lựa chọn được những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp với điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì sẽ có tăng nhẹ so với năm ngoái, con số tăng không quá 10%.
Ví dụ như phương thức tuyển thẳng thì cũng vẫn giữ như mọi năm, trường sẽ mở rộng các phương thức cộng điểm cho các thí sinh có năng lực học tập tốt, thành tích học tập cao để các em có khả năng trúng tuyển cao hơn. Đó cũng là lý do trường cũng dần dần mở rộng các phương thức xét tuyển cộng điểm. Còn xét tuyển có trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế chẳng hạn thì trường đã tăng tỷ lệ đó từ 10%-20%, năm nay có thể là 30%, làm thế nào để năng lực toàn diện của các em được đánh giá một cách đầy đủ hơn. Thế còn điểm đầu vào thì cũng tùy thuộc vào độ khó của đề mỗi năm, chứ nó không phản ánh một cách đầy đủ năng lực của người học năm nay cao hơn năm trước như thế nào.
PV: Thời gian gần đây, nhiều bệnh lạ phát sinh, bên cạnh đó tiến bộ y học trên thế giới cũng đã nâng lên những bước phát triển mới. Vậy Đại học Y Hà Nội đã có những đổi mới thế nào về chương trình đào tạo?
GS Nguyễn Hữu Tú: Đổi mới trong công tác đào tạo của trường Đại học Y Hà Nội thì đã được tiến hành trong những năm vừa qua. Nhà trường thực hiện đổi mới một cách căn bản và toàn diện, tức là đổi mới hoàn toàn các chương trình đào tạo. Chúng tôi hiện tại đã có 3 chương trình đào tạo đại học đổi mới hoàn toàn là chương trình bác sĩ y khoa, chương trình bác sĩ răng hàm mặt và chương trình cử nhân điều dưỡng. Hoàn toàn ở đây có nghĩa là một chương trình đổi mới được tiếp cận theo chương trình tiên tiến trên thế giới dựa trên năng lực.
Từ năng lực đó, chuẩn đầu ra được xác định đó thì sẽ quay lại xây dựng chương trình đào tạo về nội dung, về phương pháp tổ chức đào tạo cũng như là đánh giá được nó hoàn toàn khác và nó sẽ đáp ứng được chuẩn đầu ra hay là năng lực mà chúng ta đang mong muốn hiện nay. Trường đang tiến hành đổi mới đào tạo đại học là như vậy. Còn đổi mới sau đại học thì nhà trường cũng đang bắt đầu tiến hành để xây dựng các chuẩn đầu ra của chương trình và qua giai đoạn đó thì bắt đầu đổi mới các chương trình đào tạo.
PV: Từ khi thực hiện tuyển sinh bằng kết quả thi trung học phổ thông, nhà trường đã có thống kê, đối sánh gì về chất lượng sinh viên so với thời trước đây khi tuyển sinh bằng điểm thi của kỳ thi 3 chung không thưa GS ?
GS Nguyễn Hữu Tú: Nhà trường chưa làm các nghiên cứu đối sánh. Thực ra nó cũng khó bởi lẽ rằng là kết quả học tập nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ hai nữa là chương trình đào tạo nó cũng được thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thấy sự bất ổn nào đó do kết quả của thí sinh được tuyển theo cách hiện nay mà trong những năm vừa qua nhà trường cũng liên tục điều chỉnh với tình hình từng năm để làm thế nào chọn được những thí sinh có năng lực tốt nhất thì chúng tôi chưa nhận được sự bất ổn nào đó, khác biệt nào đó so với trước đây.
PV: Là trường Đại học đào tạo ngành đặc thù, vậy Đại học Y Hà Nội đã tính đến phương án tuyển sinh riêng chưa thưa GS?
GS Nguyễn Hữu Tú: Trường Đại học Y Hà Nội chúng tôi mong muốn là như vậy. Trường Đại học Y Hà Nội là một trong những trường top đầu chính vì vậy chúng tôi rất muốn chia sẻ kết quả với các trường khác, thuận lợi cho thí sinh, thuận lợi cho nhà trường trong công tác tuyển sinh. Ví dụ như là nếu như có một công cụ nào đấy chung thì chắc chắn sự sàng lọc, lọc ảo liên thông giữa các trường thì nó sẽ tốt hơn, đặc biệt là các trường ở top dưới. Tuy nhiên cần phải có sự đồng thuận và cần phải tìm được công cụ chung như vậy để thực hiện cho tốt, cho phù hợp.
Còn ngược lại, nếu không có công cụ chung thì trường sẽ có những phương án tuyển sinh riêng của trường mình. Tôi lấy ví dụ, chúng tôi sẽ dựa vào kỳ thi năng lực của một cơ sở nào đó để tuyển cho những ngành thật sự hot, cạnh tranh rất nhiều. Còn những ngành mà không cạnh tranh nhiều thì có thể tuyển bằng cách xét tuyển được thì chúng tôi có thể là xét tuyển. Đấy là dự kiến. Và các trường phải nhận ra là nếu làm chung sẽ có lợi ích và sẽ được chia sẻ lợi ích đó. Đồng thời cũng phải đảm bảo một cái chuẩn nhất định. Khi mà chúng ta làm chung thì chúng ta cũng phải xác định một công cụ chuẩn nhất định. Vì vậy nếu mà cơ sở nào đó mà muốn lấy thấp dưới công cụ đó thì chắc chắn là có thể người ta sẽ không ủng hộ công cụ đó. Hiện tại thì các trường thì mới bàn đến thôi chứ vẫn dựa vào kiỳ thi THPT Quốc gia thôi còn cái việc đó có thể áp dụng vào các năm tới
PV: GS có thể cho biết lộ trình tăng học phí của nhà trường?
GS Nguyễn Hữu Tú: Với lộ trình học phí thì trường Đại học Y Hà Nội tuân thủ theo các quy định của Chính phủ. Có nghĩa là năm nay Chính phủ đề nghị chưa tăng học phí thì trường chưa tăng học phí. Còn khi trường tự chủ rồi thì chúng tôi cũng sẽ tăng học phí theo lộ trình để đảm bảo chi phí đào tạo, đảm bảo nguồn lực tái đầu tư. Vì, nếu tự chủ rồi thì như chúng ta biết là không còn chi thường xuyên nữa, thì trường phải tăng thu thì trong đó có một nguồn từ học phí để đảm bảo hoạt động của nhà trường. Có thể nói là rất thấp và học phí đó chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo của nhà trường, đáp ứng một phần nhỏ, còn lại nhà trường bù lại bằng nguồn thu khác.
PV: Theo GS, việc tăng học phí có ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường Đại học Y Hà Nội không?
GS Nguyễn Hữu Tú: Chắc chắn là có, nhưng tác động đến những thí sinh còn băn khoăn, còn những thí sinh yêu ngành y và muốn trở thành nhân viên y tế thì sẽ không ảnh hưởng. Chính vì vậy mà năm ngoái số nguyện vọng giảm xuống nhưng số thí sinh trúng tuyển vào trường điểm vẫn rất cao và đều là thí sinh xuất sắc.
PV: Vâng xin cảm ơn GS!