Đề xuất hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập 3,7 triệu/người

[VOV2] - Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ với mức dự kiến 3,7 triệu đồng/giáo viên.

Theo ước tính của Bộ GD-ĐT, trong hai năm 2021 - 2022, dịch bệnh Covid-19 đã làm khoảng 4,4 triệu trẻ em Việt Nam bị gián đoạn tham gia Giáo dục mầm non (GDMN). Nhiều cơ sở GDMN công lập và ngoài công lập đã phải tạm dừng hoạt động.

Mặc dù báo cáo của các Sở GD-ĐT tính đến ngày 18/4/2022, các cơ sở GDMN trong toàn quốc đã hoạt động trở lại, tuy nhiên do phải ngừng hoạt động trong thời gian dài nên nhiều cơ sở GDMN gặp khó khăn trong việc tu sửa, mua sắm đồ dùng đồ chơi, không đủ nguồn lực và điều kiện để tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động.

“Giáo dục mầm non ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đứt gẫy, nhiều trẻ em mầm non có nguy cơ không được đến trường vì sự đứt gãy này”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đánh giá.

Để tháo gỡ khó khăn của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 (ngày 11/1/2022) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi 1.400 tỷ đồng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất một tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch để phục hồi hoạt động dạy và học sau đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh khẳng định, quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/ 2022 của Thủ tướng về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 là rất kịp thời, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, giúp các cơ sở khôi phục hoạt động, thích ứng với tình hình dịch COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.

Theo Quyết định này, sẽ có hơn 3.200 trường mầm non, tiểu học và hơn 12,3 nghìn cơ sở giáo dục mầm non độc lập được thụ hưởng chính sách với thời gian vay vốn là 36 tháng. Mức lãi suất là 3,3%/năm (tương đương với 0,27%/tháng) là mức lãi suất ưu đãi cao nhất đối với các tổ chức đang vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Liên quan tới việc triển khai Quyết định 11/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, để xác định đủ điều kiện vay vốn các cơ sở giáo dục chỉ cần đến UBND cấp xã (nơi cơ sở giáo dục đăng ký thành lập) để xác nhận thời gian ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch.

Trong thời hạn từ 5-10 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ của cơ sở giáo dục, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phê duyệt cho vay.

Đối với mức vay đến 100 triệu đồng, các cơ sở giáo dục không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Đối với số tiền vay trên 100 triệu đồng, sẽ thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội.

“Để chính sách hỗ trợ đến với cơ sở giáo dục kịp thời, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND cấp xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở giáo dục trong quá trình xác nhận điều kiện vay vốn theo quy định tại Quyết định. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với các đối tượng vay vốn theo quy định, đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện Quyết định này”, Bà Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT có khoảng 103.896 giáo viên thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, riêng bậc mầm non là 101.845 giáo viên.

Cùng với chính sách về nguồn vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, bà Ngô Thị Minh cho biết, Bộ GD-ĐT đang phối hợp cùng Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thêm chính sách hỗ trợ cho giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập chưa được hưởng chính sách hỗ trợ với mức dự kiến là 3,7 triệu đồng/giáo viên.

“Tôi rất thấu hiểu, sẻ chia với các giáo viên mầm non nói chung và giáo viên mầm non ngoài công lập nói riêng, các cô đều rất yêu nghề nhưng do dịch bệnh, trường học đóng cửa phải tìm kế sinh nhai khác. Tôi mong rằng, khi trường học mở cửa, các cô sẽ sắp xếp để quay trở lại trường học, khó khăn chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

Trước đó, ngày 27/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo đó, đối tượng vay vốn là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gồm: nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập thuộc loại hình dân lập, tư thục (cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục); nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục (trường mầm non dân lập, tư thục); trường tiểu học tư thục theo quy định của pháp luật.

Mức vốn cho vay tối đa 80 triệu đồng/cơ sở mầm non dân lập, trường tiểu học được vay tối đa 200 triệu đồng/trường.

Mức cho vay cụ thể đối với mỗi trường hợp do Ngân hàng Chính sách xã hội xác định dựa trên phương án vay vốn.

Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng, lãi suất cho vay 3,3%/năm, lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Khách hàng vay vốn theo quy định tại quyết định này không phải thực hiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay đến 100 triệu đồng.

1.400 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho trường mầm non, tiểu học dân lập

[VOV2] - Trường mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay lên tới 1.400 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm để phục hồi, duy trì hoạt động.
image-article
Tag: