Để thực hiện tốt công tác sơ tuyển năm 2021 vào các học viện, trường trong Quân đội; Ban Tuyển sinh quân sự (TSQS) Bộ Quốc phòng điều chỉnh thời gian tổ chức sơ tuyển (tại Hướng dẫn số 03/TSQS-NT ngày 09/02/2021 của Ban TSQS Bộ Quốc phòng về hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp quân sự và đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, như sau:

Thời gian sơ tuyển kéo dài đến ngày 15/5/2021, (Trước đó công tác sơ tuyển vào các học viện, trường Quân đội đã được bắt đầu từ ngày 01/3/2021, dự kiến kết thúc vào 25/4/2021).

Sau khi tổ chức khám sức khỏe đợt 2 (thực hiện trong tháng 4/2021), trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (15/5/2021), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho số thí sinh đăng ký sơ tuyển.

Bàn giao hồ sơ sơ tuyển

Ban TSQS các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tổng hợp và bàn giao hồ sơ sơ tuyển về các trường thí sinh đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất):

- Phía Bắc vào ngày 26/5/2021;

- Phía Nam vào ngày 28/5/2021.

Thí sinh có được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội?

Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (nguyện vọng 1) theo nhóm trường như sau:

Nhóm 1 gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - không quân (hệ Chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng Thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

Nhóm 2 gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự, Phòng không - Không quân (hệ Kỹ sư hàng không).

Năm 2021, có 17 học viện, trường được Bộ Quốc phòng giao tuyển sinh đào tạo trình độ đại học quân sự, 1 trường được giao tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng quân sự.

Đăng ký sơ tuyển vào trường đại học, cao đẳng trong quân đội, mỗi thí sinh phải làm 2 loại hồ sơ riêng biệt: 1 bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành và 1 bộ hồ sơ đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành.

Bộ hồ sơ do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng phát hành gồm: Một bản thẩm tra xác minh lý lịch do cán bộ tuyển sinh quân sự cấp huyện và đơn vị đi thẩm tra, một phiếu khám sức khoẻ do hội đồng khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện và đơn vị khám.

Ngoài ra, còn ba phiếu đăng ký sơ tuyển do thí sinh tự khai, có xác nhận của ban tuyển sinh quân sự cấp huyện, đơn vị cấp trung đoàn. Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên cần nộp một giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ, đúng quy định. Thí sinh không phải nộp bản sao học bạ trung học phổ thông.

Khi tham gia sơ tuyển, thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ sơ tuyển thuộc phần quy định thí sinh tự khai và trực tiếp đến nộp hồ sơ sơ tuyển cho ban tuyển sinh quân sự cấp huyện (đối với thanh niên ngoài quân đội) hoặc cấp trung đoàn (đối với quân nhân tại ngũ) theo đúng thời gian quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, thí sinh và phụ huynh có thể liên hệ về Ban TSQS Bộ Quốc phòng (qua Cục Nhà trường/Bộ Tổng Tham mưu), điện thoại: 069.534204 để được giải đáp.