Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN) nghi vấn “ép” học sinh có học lực trung bình không thi vào lớp 10 THPT mà chuyển sang học nghề hoặc các trường THPT ngoài công lập, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng, sự đúng-sai của vụ việc cần chờ đợi xác minh của Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, ông cho biết, việc nhà trường, giáo viên gợi ý, yêu cầu hay “ép” buộc học thi có học lực yếu, trung bình không thi vào lớp 10 THPT đã được đồn thổi, râm ran, phản ánh từ nhiều năm nay. Và nếu đúng như những gì phụ huynh, dư luận phản ánh thì đây là hành vi vô cảm, phản giáo dục, thể hiện sự non kém của giáo viên trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

“Nếu học sinh có học lực yếu thì nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phải tìm hiểu nguyên nhân để giúp đỡ chứ đừng mất dân chủ vì thành tích mà đánh mất đi cơ hội học tập của học sinh”, ông Vinh nêu quan điểm.

TS Hoàng Ngọc Vinh chia sẻ, hành động “ép” học sinh không thi vào lớp 10 THPT công lập rất có thể xuất phát từ thành tích của nhà trường. Vị thế của nhà trường có thể được nâng cao khi có nhiều học sinh trúng tuyển vào các trường phổ thông công lập. Nhưng điều này theo khẳng định của ông Vinh rất dễ dẫn đến tình trạng học giả, thi giả, thành tích giả và giá trị giả.

Điều khiến TS Hoàng Ngọc Vinh bức xúc nhất là việc giáo viên định hướng, gợi ý, “ép” học sinh có học lực trung bình, yếu đi học nghề thay vì thi tuyển vào THPT.

“Trường nghề đâu phải là nơi học tập của các học sinh yếu đâu. Bởi sứ mệnh của trường nghề là nơi đào tạo kỹ năng cho mọi người. Nếu học sinh khá, giỏi mà muốn đi học nghề để có việc làm sớm là điều chúng ta cần khuyến khích. Chứ không phải trường nghề chỉ dành cho học sinh yếu”, TS Hoàng Ngọc Vinh bức xúc.

Liên quan đến công tác định hướng, phân luồng học sinh sau THCS, với kinh nghiệm là một chuyên gia, nhà quản lý trong công tác dạy nghề, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cuối cấp, ngoài trách nhiệm của các trường phổ thông thì để các trường nghề vào cuộc.

Các trường THCS, THPT có thể phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, 12.

“Phải đặt quyền lợi, lợi ích của học sinh lên hàng đầu. Đừng vì chạy theo thành tích để đạt được các lợi ích về chính trị, kinh tế mà làm méo mó đi chủ trương chung”, ông Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Trước đó như VOV2 đưa tin, tối 19/4, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin lan truyền từ một group phụ huynh ở một trường THCS quận Cầu Giấy (Hà Nội) về nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm gặp riêng gia đình để khuyên ký cam kết không cho con thi vào lớp 10. Lý do vì học sinh có lực học trung bình, không thể thi đỗ lớp 10 THPT công lập khiến dư luận bức xúc.

Sở GD-ĐT Hà Nội nhanh chóng vào cuộc xác minh. Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo “nóng” các đơn vị chức năng phải xác minh làm rõ thông tin. Nếu có tình trạng này sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm.

Hiện các trường THCS Dịch Vọng, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên tiếng bác bỏ việc giáo viên của trường "ép" học sinh không thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập.

Thậm chí, lãnh đạo trường THCS Dịch Vọng còn đề nghị UBND quận, Phòng GD-ĐT xác minh thông tin. Nếu thực có giáo viên nào của trường đề nghị như vậy thì nhà trường sẵn sàng kỷ luật nghiêm.

Ông Đoàn Tiến Trung, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận Cầu Giấy cũng khẳng định kết quả xác minh cho thấy, không có việc nhà trường ép buộc học sinh yếu chuyển trường. Qua kiểm tra, thông tin chính thức trường THCS Dịch Vọng có 596 học sinh, từ đầu năm đến nay có 10 học sinh lớp 9 chuyển đi.

Trong 10 em, có 3 học sinh chuyển trong nội thành, các em còn lại chuyển sang trường tỉnh khác. Trong số các em chuyển đi có 2 em khá giỏi, 2 em khá, ông Trung thông tin.

"Những việc chuyển trường này là do nhu cầu thực sự của phụ huynh học sinh”, ông Trung khẳng định.

Cũng theo ông Trung, tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 không phải là 1 tiêu chí để xếp thi đua của các nhà trường.