Tại ngày hội, học sinh không chỉ được xem các màn trình diễn mà còn được trải nghiệm một ngày làm nhân sự trong nghề: pha chế, chăm sóc sắc đẹp, sơn ô tô, lái xe ô tô, chế tạo thiết bị cơ khí...
Em Nguyễn Đức Tùng, học sinh lớp 9 ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cùng các bạn "khám phá" xưởng thực hành ô tô. Em phấn khởi khi lần đầu được giới thiệu về động cơ khung gầm...
"Thăm quan các khu vực nghề, em thích nhất là nghề Công nghệ ô tô. Sau buổi này em sẽ xin phép bố mẹ đi học nghề ô tô", Tùng nói.

Tại xưởng sơn ô tô, sau khi được thầy giáo hướng dẫn, em Trần Quang Tiến, học sinh lớp 9 trường THCS Xuân Phương bắt đầu trải nghiệm các thao tác phun sơn. Tiến nói rằng, trước đó em đã tìm hiểu về nghề ô tô nhưng hôm nay được tìm hiểu về nghề "làm đẹp" cho ô tô Tiến rất bất ngờ. "Em sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về nghề ô tô để xem mình có thực sự phù hợp với nghề này".

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội, nhận xét: mọi năm, học sinh đến với ngày hội thường chưa có định hướng rõ ràng, các em chỉ đi theo phong trào. Năm nay, phần lớn các em đến đây đều đã xác định được khả năng và ngành nghề mình yêu thích. “Vì vậy học sinh có tâm thế chủ động hơn khi nghe tư vấn và trải nghiệm nghề nghiệp”, ông Thành so sánh.




Tại ngày hội tư vấn hướng nghiệp, những băn khoăn về lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng, sở trường và hoàn cảnh gia đình...lần lượt được giải đáp, tư vấn bởi Thạc sĩ Lê Anh Tuấn (Thành đoàn Hà Nội).
Cùng với đó, những thông tin về các chương trình đào tạo, ngành học mới, học bổng, học phí...cũng được các giáo viên Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính cung cấp cho học sinh.

Năm học 2025 - 2026, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính tuyển sinh 18 ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp với chỉ tiêu 1.200 học sinh. Trong đó có 225 chỉ tiêu hệ 9+ (vừa học THPT vừa học nghề). Hiện, nhà trường đang đào tạo các nhóm ngành Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Công nghệ cơ khí, Dịch vụ, Điện tử.
Nhà trường cũng đang đào tạo 2 nghề trọng điểm cấp Quốc gia, Asean là nghề Hàn và nghề Công nghệ ô tô. Đáng chú ý, năm nay lần đầu tiên nhà trường đưa công nghệ bán dẫn vào chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Thành khẳng định, thế mạnh của nhà trường là liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đào tạo học viên, đồng thời giúp mở rộng cơ hội cho các em sau khi tốt nghiệp. Trong chương trình đào tạo nghề, học sinh có đến hơn 75% thời lượng được thực hành. Ngoài ra nhà trường còn mời các doanh nghiệp tham gia trong công tác xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo hàng năm, nội dung giảng dạy được xây dựng dựa trên nhu cầu tuyển dụng thực tế, giúp học sinh nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.
Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Đây là những đơn vị hợp tác với nhà trường trong hoạt động đào tạo và tuyển dụng. Bà Hoàng Thu Trang – Trợ lý của Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hệ sinh thái MT Holdings cho biết, nhân lực cho ngành cơ khí, sơn ô tô đang còn thiếu. Bởi vậy, học sinh tốt nghiệp tại trường sẽ được tuyển dụng 100%, quan trọng nhất là thái độ cầu thị và tinh thần làm việc tốt.
"Với nhân viên kỹ thuật, mức lương thử việc dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng. Khi trở thành nhân viên lành nghề, mức lương ở công ty sẽ là 20-22 triệu đồng/tháng. Còn trưởng phòng kỹ thuật lương hiện trong khoảng 25-30 triệu đồng/tháng", bà Hoàng Thu Trang cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Thành thông tin, năm 2025, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội được thành phố phê duyệt đầu tư, nâng cấp tổng thể giai đoạn 1 với 124,46 tỷ đồng để xây dựng 2 tòa nhà, gồm tòa nhà thực hành và lý thuyết cùng hội trường 600 chỗ, đáp ứng nhu cầu đào tạo và học tập của học sinh./.