Theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, môn Lịch sử là một trong những môn lựa chọn ở cấp THPT.

Tuy nhiên, sau nhiều tranh cãi, cuối cùng nội dung của Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ban hành đã yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh. Thông tin này khiến nhiều trường THPT lo lắng khi kế hoạch được xây dựng từ trước sẽ bị xáo trộn.

Các trường THPT sốt ruột chờ hướng dẫn

Thời điểm này, Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên đã chuẩn bị đầy đủ cho năm học mới bao gồm kế hoạch thực hiện chương trình, quy chế xếp lớp theo môn. Năm học 2022-2023, nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển 8 lớp 10. Nhà trường đã xây dựng 5 tổ hợp. Trong đó có 2 lớp học nâng cao tổ hợp Văn, Sử, Địa với khoảng 90 học sinh. Theo thầy hiệu trưởng Hà Quang Vinh, đến nay theo rà soát, thống kê chưa đầy đủ từ các xã đã có 70 em sẽ theo học 2 lớp này.

Nhà trường đang nghe ngóng hướng dẫn từ bộ GD&ĐT. Tuy nhiên nếu thay đổi Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc thì tất cả 8 lớp mới tuyển sẽ bắt buộc học môn Sử và sẽ gây khó khăn về đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử.

Thầy Hà Quang Vinh, hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp phân tích, trong trường hợp Lịch sử bắt buộc, nếu tổng số tiết/năm là 52 tiết giống như chương trình 2006 (2 tiết/tuần ở học kỳ 1 và 1 tiết/tuần học kỳ 2) thì các trường sẵn sàng và không bị động về mặt lực lượng. Tuy nhiên nếu môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc mà vẫn giữ 70 tiết/tuần/năm (2 tiết/tuần) như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành cho các lớp tự chọn Lịch sử thì nhà trường sẽ thiếu 1 biên chế giáo viên.

Trong trường hợp đó, nhà trường sẽ phải hợp đồng thêm các thầy cô. Tuy nhiên, thầy Vinh cho rằng "trường hợp đó khó xảy ra vì rất khó xếp thời khóa biểu. Thời khóa biểu hiện nay đã tính toán trường hợp Lịch sử là môn lựa chọn chỉ một số lớp học, nằm trong chương trình chung để đảm bảo số tiết/tuần của các lớp đảm bảo. Nếu dôi ra khó khăn cho các trường trong xếp thời khóa biểu và sẽ phải chuyển một phần sang học buổi chiều".

Với những trường có số học sinh chọn môn Lịch sử cao, việc điều chỉnh môn Lịch sử có thể sẽ không gặp nhiều khó khăn. Theo cô Vũ Thị Phương Anh, hiệu trưởng THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, năm học tới trường tuyển 450 học sinh với khoảng 20 lớp 10. Trong đó có tới 15 lớp chọn tổ hợp Khoa học xã hội có môn Lịch Sử và chỉ 5 lớp lựa chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên. Nếu Lịch sử được điều chỉnh thành môn học bắt buộc, cô Phương Anh cho rằng sẽ không ảnh hưởng tới các lớp chọn tổ hợp Khoa học xã hội.

Còn khối lớp Khoa học tự nhiên, nếu trước đây các em có thể chọn Sử, Địa, Kinh tế - pháp luật nhưng qua khảo sát ý kiến của phụ huynh và học sinh khối tự nhiên không quan tâm nhiều đến các môn lựa chọn, chọn môn nào cũng được.

Do đó, nhà trường chuẩn bị tinh thần nếu môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc thì chọn lịch sử cho các lớp khoa học tự nhiên. Điều đó cũng có nghĩa là loại địa lý và kinh tế - pháp luật khỏi môn tự chọn. “Vì thời lượng không thể điều chỉnh nên chỉ có thể điều chỉnh môn”, cô Phương Anh lý giải.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM cho rằng nếu Lịch sử trở thành môn học bắt buộc thì việc chọn tổ hợp để dạy học không khó. Tuy nhiên, ông mong Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch “dứt khoát” cho môn Lịch sử để nhà trường chỉnh sửa kế hoạch, phục vụ cho công tác tuyển sinh.

“Hiện nay thời gian chuẩn bị cho công tác tuyển sinh chỉ còn vài ngày. Công tác tuyển sinh muốn thành công thì phải có vài ngày tư vấn phụ huynh chọn tổ hợp cho chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thời điểm này môn Sử chưa có quyết định dứt khoát thành ra kế hoạch nhà trường ách tắc”.

Giải pháp nào cho môn Sử?

Ngay từ tháng 5, hầu hết các trường THPT đã xây dựng tổ hợp môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đến thời điểm này, công tác tuyển sinh ở các địa phương đang gấp rút hoàn tất. Chỉ còn 2 tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Giải pháp nào cho môn Sử “vừa bắt buộc, vừa lựa chọn” theo thầy Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội là vấn đề phức tạp với ngành giáo dục ở thời điểm này.

Thầy Khang đề xuất, trong tình huống buộc ngành giáo dục phải thay đổi môn Sử từ lựa chọn sang bắt buộc thì cấp THPT cần có 2 loại SGK Lịch sử.

Loại SGK Lịch sử thứ nhất là SGK lớp 10 vừa biên soạn theo đúng chương trình GDPT 2018 (gọi là Lịch sử 1). Đây sẽ là cuốn SGK Lịch sử chuyên sâu dành cho HS lựa chọn nhóm môn học có Lịch sử. Thời gian học môn này theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018 là 70 tiết/năm (2 tiết/tuần). Ngoài SGK còn có chương trình chuyên đề chuyên sâu.

Loại SGK Lịch sử thứ 2 (gọi là Lịch sử 2) dựa vào chương trình lịch sử hiện hành (chương trình cũ), tinh gọn hơn nữa theo cách làm trong thời gian học online chống dịch COVID-19 vừa rồi, Bộ GD&ĐT đã 2 lần làm tinh gọn chương trình cốt lõi của tất cả các môn trong đó có Lịch sử. Dựa vào đó làm một cuốn SGK Lịch sử 2 song song với cuốn Lịch sử 1 với thời lượng 35 tiết/năm tức là 1 tiết/tuần. Cuốn sách này dành cho đối tượng không lựa chọn môn Lịch sử chuyên sâu trong nhóm môn định hướng nghề nghiệp. Đây gọi là phần bắt buộc. Vấn đề là co kéo thế nào để có được 35 tiết học lịch sử này.

Tuy nhiên thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng giải pháp này cũng chưa kịp áp dụng ngay trong năm học 2022-2023, "nếu có là lớp 10 năm sau trở đi".

Nhiều khả năng năm học 2022-2023 học sinh lớp 10 THPT chỉ có môn Lịch sử chuyên sâu chọn thì học, không chọn thì chưa phải học, chờ tới khi sửa chương trình, nội dung SGK, thẩm định, in ấn xong các bước đó cũng đã hết năm học. Đây là bài toán lâu dài dù “đẽo cày giữa đường” cũng phải làm nhưng từ năm học 2023-2024 trở đi mới có thể làm được”./.