Nhắc đến STEM: Khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học nhiều người mặc định đó là lĩnh vực của nam giới; Là lĩnh vực khô khan mà phụ nữ khó tiếp cận, tham gia và cống hiến.

Nhưng STEM có thực sự là khô khan, nặng nhọc và khó đối với phụ nữ? Cơ hội của những ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ dành cho phái nữ hiện nay là như thế nào? Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương, Giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) có những chia sẻ với phóng viên VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) xung quanh vấn đề này:

PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương (Đại học Bách khoa Hà Nội)

"Mỗi ngành có những khó khăn và vẻ đẹp riêng"

-Phóng viên: PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương có bất ngờ khi nhiều người ví chị như một “nữ chiến binh” giải cứu môi trường nước?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: "Chiến binh" là từ mà một bạn nhà báo gọi tôi như vậy trong một bài phỏng vấn. Thật ra tôi thấy mình khá hiền lành so với một chiến binh. Có điều đúng là tôi luôn kiên định trong các nghiên cứu về môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng của suy thoái môi trường đến sức khỏe cộng đồng.

-Phóng viên: Trước đây khi là học sinh phổ thông, vì sao chị lại lựa chọn Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nơi đây chuyên đào tạo khối ngành kỹ thuật, nơi mà sinh viên nam luôn áp đảo sinh viên nữ?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Nếu mà nói vui thì do tôi rất hâm mộ các ông Kỹ sư như Kỹ sư Nguyễn Thành Luân từ nhỏ nên tôi hy vọng là nếu trở thành sinh viên Bách khoa tôi sẽ có nhiều cơ hội tìm riêng cho mình một ông kỹ sư "xịn xò" (cười).

Còn thực ra khi còn đi học tại trường THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, tôi đã thiên hướng học khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, tôi lại không thích nghiên cứu khoa học cơ bản mà thích ứng dụng. Vì thế có lẽ lựa chọn Đại học Bách khoa Hà Nội như một lẽ tự nhiên mà tôi không có cân nhắc nhiều.

-Phóng viên: Khi đó, gia đình có động viên chị nên theo học những ngành học mà có thể sẽ phù hợp với phụ nữ hơn như sư phạm, ngôn ngữ, kinh tế…?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Hoàn toàn không! Việc học Đại học Bách khoa của tôi được cả gia đình đồng ý. Mặc dù mẹ tôi có hơi thất vọng vì tôi không thi Y khoa để trở thành bác sỹ như bà hằng mơ ước.

Trong gia đình, mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ. Trong cuộc đời mẹ tôi đã thay ông tôi chăm sóc cho các cậu, các dì tôi rồi lại thay ba tôi nuôi nấng chúng tôi. Mẹ tôi luôn cho rằng phụ nữ có thể làm được mọi việc của đàn ông. Phụ nữ chỉ có sức khỏe yếu hơn, nhưng sự cần cù có thể bù đắp được những thiếu hụt đó. Vì ba tôi mất sớm, anh tôi đi làm xa sớm nên những việc trong gia đình như sửa điện hay thông cống những người phụ nữ trong gia đình tôi vẫn làm bình thường.

Tuy nhiên mẹ tôi và tôi cũng không cho rằng phụ nữ phải làm các việc như đàn ông. Phụ nữ có những tính cách riêng và có thể có những công việc phù hợp với tính cách của mình. Và sự phù hợp không đến từ giới tính và đến từ suy nghĩ, niềm đam mê và khả năng của mỗi người.

-Phóng viên: Công nghệ Hóa học, Kỹ thuật môi trường, Môi trường nước… đó là những lĩnh vực mà PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương theo đuổi học tập, nghiên cứu. Đối với chị những ngành học này mang đến cho mình sức hấp dẫn ra sao khi nhiều người nghĩ nó khô khan, vất vả và chưa hẳn là phù hợp với phụ nữ?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Đối với tôi những ngành này rất hấp dẫn và không khô khan chút nào. Môi trường là khoa học liên ngành, kết hợp của nhiều lĩnh vực. Môi trường là cuộc sống, mà cuộc sống thì gắn liền với chúng ta và cuộc sống thì muôn hình vạn trạng. Nghiên cứu về môi trường luôn luôn thay đổi. Làm việc trong lĩnh vực này tôi thường xuyên được tiếp xúc với những chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau và họ luôn rất thú vị, giúp tôi tiếp cận với các vấn đề mới theo cách đúng đắn hơn.

Còn tôi nghĩ không có một ngành nghề nào gọi là nhàn hạ cả, mỗi công việc đều có đặc thù riêng và đều vất vả theo những cách khác nhau. Mỗi ngành đều có những khó khăn và vẻ đẹp riêng. Không phân biệt nam hay nữ, niềm vui khi nghiên cứu nằm trong quá trình tạo ra thành phẩm của mình. Một khi mình làm chủ được công việc của mình sẽ không còn vất vả nữa.

Rất nhiều chuyên gia là nữ làm việc trong lĩnh vực môi trường và rất nhiều người xuất sắc. Tôi cho rằng những người phụ nữ làm môi trường đều giống tôi, họ nhìn nhận vấn đề với tâm thế của người mẹ, mong muốn con mình sẽ có được điều kiện sống thật tốt.

Để làm tốt ngành nghề nào cũng cần toàn tâm toàn ý và có đủ sức khỏe để làm tốt công việc của mình.

-Phóng viên: Vì sao hiện nay, chị dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu, bảo vệ môi trường nước?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Tôi tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ Hóa học nhưng đã quyết định rẽ sang tìm hiểu về hệ sinh thái. Tôi nhận thấy tác động của ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái và sức khỏe con người là vấn đề thu hút tôi nhiều hơn và dần dần, tôi hướng sự quan tâm của mình sang nghiên cứu sâu hơn về tác động đến hệ sinh thái nước, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn trong đó và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người ra sao.

Mỗi khi có một kết quả nghiên cứu, tôi có cái nhìn rõ hơn về những nguyên nhân gây ra ô nhiễm, từ đó tìm giải pháp cải thiện để môi trường tốt đẹp hơn. Đó chính là niềm vui và s đam mê của những người làm nghiên cứu môi trường!

Là một chuyên gia nghiên cứu về môi trường, tôi thấy thương những đứa trẻ, có những vùng mà gần như đứa trẻ nào cũng phải chịu hậu quả từ môi trường ô nhiễm. Ví như có làng hoa trồng hoa rất đẹp nhưng tỷ lệ dị tật trẻ em lại rất cao. Bởi hàng ngày họ tiếp xúc với môi trường nước, môi trường không khí bị ô nhiễm. Tôi nghĩ mình đang làm nghiên cứu với một tâm thế của người mẹ. Những đứa trẻ không được quyền quyết định. Nếu người lớn không bảo vệ môi trường sống, những đứa trẻ - thế hệ sau - sẽ là người hứng chịu hậu quả.

Gần đây tôi nhận thấy truyền thông rất quan trọng, giải quyết vấn đề môi trường cần sự tham gia của tất cả xã hội. Vì vậy tôi dành một phần thời gian để tham gia chia sẻ, giúp cộng đồng hiểu rõ và cùng tìm giải pháp cho những vấn đề nóng về môi trường tại Việt Nam.

Là người yêu Hà Nội “cuồng nhiệt”, tôi tích cực tham gia các diễn đàn trong nước và quốc tế, tích cực tìm các giải pháp để “giải cứu” môi trường Thủ đô, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến hồ Hà Nội.

"Trong nghiên cứu khoa học, không có khuôn mẫu về giới"

-Phóng viên: Hiện một số trường Đại học, Cao đẳng có các chính sách học bổng hoặc các ưu tiên nhất định để khuyến khích thí sinh nữ theo đuổi các ngành kỹ thuật. Dù vậy, số lượng sinh viên nữ theo các ngành này vẫn còn khá khiêm tốn. Chị có chia sẻ gì về thực tế này?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Tôi nghĩ việc thiếu thông tin dẫn đến tình trạng này. Thực tế thì bình đẳng giới không có nghĩa là số lương phụ nữ và nam giới làm trong mỗi lĩnh vực phải bằng nhau. Mà bình đẳng giới có nghĩa là trong mỗi lĩnh vực cả nam và nữ đều tìm được chỗ đứng đúng cho mình.

Hiện Đại học bách khoa Hà Nội cũng đặt ra những chỉ tiêu cụ thể cho việc tăng số lượng sinh viên nữ. Bên cạnh việc mở thêm những ngành mới phù hợp hơn với công việc của nữ giới, trường rất chú trọng đến việc truyền thông tuyển dụng sinh viên nữ đến với những ngành truyền thống. Ngoài những nguồn học bổng chung cho tất cả sinh viên, luôn có một nguồn học bổng riêng cho sinh viên nữ. Thật ra sinh viên nữ học trong các ngành kỹ thuật lại có những lợi thế rất riêng, ví dụ như vì là phái ít nên luôn được nhiều các bạn nam quan tâm, chăm sóc (cười).

-Phóng viên: Định kiến STEM là của con trai phải chăng cũng ít nhiều trở thành rào cản cho phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Có lẽ sự đánh giá của xã hội rằng STEM là cái gì đó rất khó, rất cao siêu mà phụ nữ không thể theo đuổi.

Thực tế thì không phải như vậy. Với người không làm chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì xem công việc này to tát, khó khăn. Nhưng với chúng tôi, nó đơn giản là tìm giải pháp mới, có hiệu quả tốt hơn cho những vấn đề, khía cạnh chưa đề cập đến, do đó luôn có những phần việc rất cần đến sự tham gia của nữ giới.

Ở đại học Bách khoa Hà Nội, chúng tôi có các nữ giảng viên giỏi, xuất sắc trong mọi lĩnh vực tưởng chừng như dành riêng cho nam giới như Vật lý, Toán học, cơ khí, tự động hóa, điện, điện tử, công nghệ thông tin … Họ không hề thua kém các đồng nghiệp nam. Và nếu gặp gỡ họ ở bên ngoài anh sẽ ngạc nhiên vì họ vô cùng nữ tính.

-Phóng viên: Những rào cản có ảnh hưởng nhất định tới việc sinh viên nữ quyết định tiếp cận và gắn bó với nhóm ngành kỹ thuật chủ yếu là tới từ xã hội và gia đình. Chị có nghĩ như vậy không?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Phụ nữ thường có thêm thiên chức sinh nở và chăm sóc con cái, gia đình, điều này rõ ràng phần nào lấy đi của người phụ nữ một phần khá lớn thời gian, công sức và sức khỏe. Do vậy chúng tôi luôn cố gắng cân đối, sắp xếp thời gian thật hợp lý nhất để thực hiện đam mê khoa học.

Các cô bên chuyên ngành Thực phẩm của trường tôi thường nói vui rằng, những thước quay quảng cáo gia vị thường thấy trên tivi với hình ảnh “vợ nấu – chồng nêm” có thể khiến người xem có góc nhìn thiên lệch về vai trò phụ nữ.

“Nhưng trong nghiên cứu khoa học, không có khuôn mẫu về giới”. Chính sự khác biệt về giới tưởng chừng là rào cản nhưng lại là thế mạnh của phụ nữ trong khoa học. Hơn thế, mỗi người có thể lựa chọn lĩnh vực phù hợp với năng lực bản thân để phát huy.

Chỉ cần gia đình và xã hội thông hiểu và có thể cổ vũ, chia sẻ thêm thời gian cho những người phụ nữ theo đuổi những đam mê của mình là họ có thể làm được nhiều việc hơn, khám phá được bản thân nhiều hơn.

Bình đẳng giới là tôn trọng công việc của nhau và chia sẻ cùng nhau.

-Phóng viên: Vậy với chị, nữ giới theo đuổi các ngành học về công nghệ, kỹ thuật, khoa học… có những lợi thế riêng như thế nào?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Trong bất kỳ ngành nghề nào thì phụ nữ cũng có thể đóng góp và làm hoàn thiện hơn những khía cạnh chuyên môn của ngành. Với tính cách cẩn thận, chi tiết, kiên nhẫn và không bỏ cuộc thì phụ nữ chắc chắn là mảnh ghép không thể thiếu đối với bất kỳ ngành nghề nào.

Nếu như nam giới có tính cách mạnh mẽ, thích khai phá những con đường mới thì những nhà khoa học nữ lại miệt mài hoàn thiện những con đường đó để mọi người có thể tự tin bước trên đó.

Có thể nói trong tất cả các ngành đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội đều có vị trí của cán bộ nữ. Trong các chương trình quảng bá tuyển sinh của trường cho từng ngành cũng đều có nêu rõ về vị trí việc làm cho cán bộ nữ.

Trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số đang phát huy vai trò của mình. Do vậy có rất nhiều vị trí việc làm không còn yêu cầu quá cao về “sức vóc”, có nghĩa là phụ nữ có thể tham gia rất nhiều công đoạn trong quá trình công nghiệp hóa. Với sự kiên nhẫn, tỉ mị của mình, phụ nữ là mảnh ghép rất quan trọng để hoàn thiện bức tranh.

"Tôi không bao giờ có khái niệm việc nhẹ lương cao”

-Phóng viên: Để thúc đẩy hơn nữ giới tham gia học tập, nghiên cứu, làm việc trong các lĩnh vực STEM, chị cho rằng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, cao đẳng cần có những chính sách ra sao để khích lệ, động viên kịp thời đối với các sinh viên nữ tiêu biểu, đạt kết quả xuất sắc theo học nhóm ngành này?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Tôi nghĩ, tạo một môi trường làm việc thuận lợi và cung cấp thông tin đầy đủ hơn là việc rất quan trọng việc khuyến khích sinh viên nữ.

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập Chi hội Nữ trí thức được hơn hai năm. Mục đích tôn chỉ hoạt động của Chi hội là tạo ra một môi trường để hấp dẫn các nữ trí thức tham gia nhiều hoạt động dành cho nữ trí thức và qua đó có sự kết nối rộng rãi hơn và động lực mạnh mẽ hơn để cùng nhau phát triển bản thân và nghề nghiệp. Vận động, lan tỏa và đề xuất các giải pháp để tăng tỷ lệ sinh viên nữ trong các ngành đào tạo ở Đại học Bách khoa Hà Nội.

Chúng tôi đã thực hiện chuỗi các Bài giảng đại chúng “Khoa học công nghệ và cuộc sống” cung cấp các nội dung khoa học và kỹ thuật rất khô khan dưới các góc nhìn ứng dụng.

Các nữ giảng viên có “sân chơi nghiệp vụ” để đưa những kiến thức khoa học chuyên sâu tới gần gũi hơn với cuộc sống cộng đồng và với chính các em sinh viên Bách khoa, các học sinh yêu thích khoa học kỹ thuật để thu hút sự quan tâm của các em với khoa học và những môn khoa học mà Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo. Chuỗi bài giảng của chúng tôi đã nhận được những phản hồi tốt từ các đồng nghiệp, các em sinh viên, các bạn học sinh và cả lãnh đạo nhà trường.

Những nội dung được các cô giáo truyền tải chính là thông điệp khuyến khích các bạn nữ thấy tự tin hơn khi tham gia các nhóm ngành kỹ thuật.

-Phóng viên: Hiện học sinh lớp 12 nói chung đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề, PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương có lời khuyên gì tới các nữ học sinh cuối cấp nếu muốn theo đuổi các ngành học về kỹ thuật, công nghệ, khoa học…?

-PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương: Hiện nay việc bùng nổ thông tin mang lại rất nhiều lợi ích để các bạn trẻ có nhiều hiểu biết để có thể đưa ra những lựa chọn của mình. Tuy nhiên cùng với đó cũng là bùng nổ của sự dễ dãi trong thông tin. Tôi muốn có lời khuyên với các bạn khi lựa chọn là không bao giờ có khái niệm “việc nhẹ lương cao”, dù có lựa chọn thế nào thì các bạn cũng cần hết lòng và cố gắng hết sức để thành công.

Các nền kinh tế phát triển trên thế giới đều là những nền kinh tế lấy khoa học – kỹ thuật là then chốt và phát triển xuyên suốt. Vì vậy chúng tôi rất mong muốn có thêm nhiều các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ theo đuổi các ngành học về kỹ thuật, công nghệ, khoa học.

Lựa chọn đi theo đuổi kỹ thuật, công nghệ, khoa học chắc chắn không dễ dàng nhưng các bạn đang đi trên một con đường rất vững chắc, được xây đắp qua nhiều thế hệ.

Nếu các bạn có hoài bão không phải chỉ là hưởng thụ cuộc sống mà còn đóng góp sức trẻ và tài năng vào việc xây dựng đất nước, phát triển bản thân thì các bạn sẽ vượt qua. Những điều tưởng như khó khăn lại sẽ là niềm hứng khởi tự tin, chăm chỉ và luôn cố gắng chính là những điều các bạn cần chuẩn bị cho mình.

-Phóng viên: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Hoàng Thị Thu Hương!