Thông tin thống kê cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở các đô thị rơi vào khoảng 3,5/100 thanh thiếu niên độ tuổi từ 13-17. Thuốc lá điện tử tác động tới sức khỏe thể chất, tinh thần lâu dài đồng thời tạo ra những nguy cơ bệnh tật không nhỏ tới cộng đồng.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đem đến tọa đàm những góc nhìn chuyên môn nhằm nhận diện về sự đa dạng của thuốc lá điện tử. Theo TS.BS Trung Nguyên, thuốc lá điện tử ban đầu mang hình dạng điếu thuốc nhưng ở những thế hệ sau được mang dạng của bộ hút trong đó bộ chứa càng thế hệ sau càng cải tiến, có thể cho thêm bất kì dung dịch gì. Và đây chính là điểm mấu chốt tạo nên nguy cơ mất an toàn với người sử dụng.

Mặc dù nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử quảng cáo không chứa Nicotin như thuốc lá truyền thống nhưng thực tế nhiều sản phẩm còn chứa lượng Nicotin cao gấp nhiều lần thuốc lá, thuốc lào, TS.BS Trung Nguyên cho biết.

"Thậm chí Nicotin ở thuốc lá điện tử đã được bào chế để dễ hút hơn, nồng độ cao hơn, tác động trực tiếp tới thần kinh, tim mạch và dễ gây nghiện hơn thuốc lá thông thường, đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên. Từ đây phá vỡ nỗ lực phòng chống thuốc lá suốt thời gian dài".

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử còn chứa những chất tạo mùi từ hàng nghìn hóa chất khác nhau, khi bị đốt ở nhiệt độ cao sẽ trở thành chất độc hại kéo theo những nguy cơ ngộ độc mới rất khó lường như tổn thương phổi nặng.

“Cơ quan chức năng Việt Nam còn phát hiện người ta cho cả vitamin E vào thuốc lá điện tử. Và khi bị đốt cháy sẽ cực kỳ độc. Mà đó chỉ là một chất, còn cả ngàn chất khác người ta có thể cho vào thuốc lá điện tử, tạo nên những nguy cơ mới cho người sử dụng. Rất nhiều bệnh tật xuất hiện và khác so với bệnh từ thuốc lá thông thường từ các thành phần bên trong thuốc lá điện tử”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ.

Và nguy cơ lớn nhất, nặng nề nhất theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nằm ở việc ma túy tổng hợp được đưa vào thuốc lá điện tử. Quá trình xét nghiệm để tìm ra chất ma túy mới cực kỳ tốn kém, thời gian, công sức và không bao giờ đuổi kịp tốc độ ra đời của các loại hình ma túy mới hơn xuất hiện mỗi ngày.

Ở góc độ nhà trường, thầy Nguyễn Quốc Dương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết khó khăn trong phòng chống thuốc lá điện tử nằm ở việc hiện nay xuất hiện nhiều loại không có mùi và tan trong không khí rất nhanh, khó phát hiện. Thiết bị hút được tạo nên ở nhiều hình dạng khác nhau, ngụy trang như vật dụng hằng ngày, rất nhiều hình dạng gây khó khăn trong công tác quản lý học sinh của nhà trường.

"Điều này cho thấy cần có sự phối hợp từ nhiều phía để chống lại những cuộc tấn công của thuốc lá điện tử vào môi trường học đường”, thầy Quốc Dương nhấn mạnh.

Thầy Nguyễn Quốc Dương cho biết, về mặt định danh, các quy định từ trên xuống vẫn gọi đây là thuốc lá điện tử. Căn cứ vào đây, các nhà trường vẫn tuyệt đối cấm học sinh sử dụng song song với đẩy mạnh tuyên truyền.

Xác định học sinh THCS không thể dừng ở việc tuyên truyền một chiều, trường THCS Nguyễn Công Trứ thành lập ban truyền thông, tự học sinh trở thành các tuyên truyền viên, chia sẻ thông tin về thuốc lá điện tử cùng những tác hại để các em tự nâng cao nhận thức.

Bên cạnh đó, việc kết hợp với gia đình trong giáo dục và quản lý con em cũng được thầy cô giáo đẩy mạnh thông qua kênh mạng xã hội với những thông tin hai chiều nhằm phối hợp tốt hơn công tác phòng chống thuốc lá điện tử từ nhà đến trường và ngược lại.

Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong trong phát biểu của mình nhấn mạnh tính bức thiết của vấn đề thuốc lá điện tử trong giới trẻ, đặc biệt lứa tuổi học đường và đặt ra băn khoăn Luật phòng chống thuốc lá có phù hợp, có bao trùm để bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ mà thuốc lá điện tử gây ra cho sức khỏe, tinh thần và thể chất?

Với tác hại của thuốc lá điện tử cũng như tốc độ thay đổi chóng mặt về hóa chất thêm vào, TS-BS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất việc cấm lưu hành và sử dụng thuốc lá điện tử.