Sinh viên năm nhất lần đầu được đến trường

Dù đã chính thức trở thành sinh viên ĐH từ lâu nhưng phải đến ngày 14/2, Nguyễn Thị Hồng Anh quê ở Vĩnh Phúc mới đặt chân đến trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Theo Hồng Anh, dù đến ngày 16/2, sinh viên năm nhất mới đi học quân sự tập trung ở Việt Trì (Phú Thọ) nhưng em vẫn muốn đến trường sớm.

“Cảm giác của em là bỡ ngỡ, trường rộng, nhiều tòa nhà, em thấy choáng ngợp. Sáng nay em còn bị lạc trong ký túc xá”, Hồng Anh chia sẻ.

Cũng như Hồng Anh, Bùi Thị Thu Phương, sinh viên năm nhất khoa Marketting đã tiêm đủ 3 mũi vaccine nên em khá yên tâm khi đến Hà Nội học trực tiếp. Trước khi đến trường, sinh viên bắt buộc phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. “Bình thường đến trường chúng em hay tụ tập liên hoan nhưng giờ sẽ hạn chế, cố gắng không la cà quán xá để tự bảo vệ mình”.

Từ Kiến Xương, Thái Bình, 2 bố con ông Phạm Quốc Triệu đã lên Hà Nội trước mấy ngày để tìm phòng trọ, ổn định sinh hoạt trước khi con gái đi học trực tiếp tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Từ sớm, 2 bố con bắt xe bus từ chỗ trọ đến trường cách 5km để kịp giờ học.

“Cháu đã đỗ Kinh tế quốc tế của NEU từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên được lên Hà Nội đi học trực tiếp. Cảm giác phấn khởi chỉ lo lắng con lần đầu con lên Hà Nội khó khăn đi lại, lên trường chưa quen. Tôi cũng dẫn cháu đi 1, 2 lần để cháu quen. Dù rất vui khi con đến trường nhưng tôi cũng rất lo lắng, dặn cháu phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người”, ông Triệu chia sẻ.

Từ huyện Bắc Quang, Hà Giang xa xôi, 2 bố con em Trần Huyền Trang háo hức khi lần đầu tiên được đến trường trực tiếp. “Hà Giang cũng đang dịch nhiều, mình cũng có biện pháp cho mình, ăn uống thì mình gọi về chứ chứ không ra hàng quán ăn”.

Lần đầu lên Hà Nội, Trang cũng gặp một chút rắc rối khi thuê phòng trọ. “Trước khi lên Hà Nội em đã đặt cọc phòng trọ, nhưng xuống nhận phòng thì không giống trong hình nên em đi tìm chỗ mới. Em đành mất 1.5 triệu đồng tiền cọc nhưng giờ thì em đã tìm được phòng trọ mới”, Trang kể xen lẫn chút uất ức.

Ngại chỉ là cảm giác

Trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học online, sức ì và tâm lý e ngại đến trường là điều không tránh khỏi. Phạm Diệu Linh, sinh viên ngành Kế toán cho biết, em ở Hà Đông nên đến trường ở Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải di chuyển một quãng đường khá xa. 7h vào tiết thì em đi từ 6h sáng.

“Trước đây, học online dậy rồi bấm máy tính là xong, thời tiết lạnh nên em không muốn ra ngoài. Em đi xa, học xong tiết về, vận động tay chân nhiều. Hơn nữa em cũng chưa hoàn toàn yên tâm vì xung quanh lớp hiện cũng có nhiều bạn nghỉ vì mắc COVID-19 nên em cũng khá lo lắng”.

Bùi Thị Thu Phương, sinh viên năm nhất cho biết, mấy ngày hôm trước trời lạnh nhưng học online em vừa học vừa vùi mình trong chăn. “Ở nhà thì nhàn thân, không phải đi lại di chuyển, được ở với bố mẹ, không phải nấu cơm nhưng bù lại khi đi học trực em tiếp gặp bạn bè, được ra sân vận động, hoạt động với CLB, cải thiện được nhiều kỹ năng”.

SV trường ĐH Kinh tế Quốc dân được nhà trường lì xì ngày đầu tiên trở lại trường sau Tết nguyên đán. Bạch Quốc Trung, sinh viên năm 3, Lớp tài chính tiên tiến 61B phấn khởi, trở lại trường học trực tiếp, nhịp sinh hoạt của em không bị đảo lộn.

“Học online cũng có điểm lợi nhưng bản thân em thích học trực tiếp hơn vì học trực tiếp hiệu quả, mình có thể tương tác với các bạn và thầy cô, dễ dàng thực hiện các bài tập nhóm. Thời điểm này chúng ta cần phải thích nghi nhưng cũng yên tâm vì các bạn sinh viên đã được tiêm phòng, như em biết nhiều nước đã xem COVID-19 như là cúm mùa nên em nghĩ rằng giờ là thời điểm tốt để trở lại trạng thái bình mới”.

Dạy trực tuyến kết hợp online

Ngày 14/2 toàn bộ sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trở lại trường học trực tiếp nhưng trên thực tế mới có khoảng trên 50% sinh viên trở lại giảng đường học tập. Lý do là các sinh viên năm cuối thực tập và sinh viên năm nhất đi học quốc phòng - an ninh.

Theo báo cáo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hiện nhà trường có 20 thầy cô, 4 sinh viên trong ký túc xá (2 sinh viên Campuchia và 2 sinh viên Việt Nam) mắc COVID-19 đang cách ly.

Qua khảo sát từ đường link nhà trường gửi sinh viên, hiện có 170 sinh viên ở các tỉnh, thành thuộc diện F0. Vừa qua, trạm y tế tổ chức test cho các em ở ký túc xá cũng phát hiện 3 em ở tỉnh lên mắc COVID-19. Nhà trường phối hợp với y tế địa phương đang hướng dẫn các em cách ly, điều trị.

PGS.TS Bùi Đức Thọ - Bí thư đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch, lường trước các kịch bản xảy ra để có phương án xử lý nếu xuất hiện F0, F1 khi sinh viên đi học trực tiếp. Đồng thời, phối hợp chính quyền địa phương, y tế quận, phường để xử lý các tình huống nếu có.

“Qua kiểm tra công tác tổ chức giảng dạy ở các giảng đường, nhận thấy việc tuân thủ 5K thực hiện tốt, dù sinh viên đến trường đông”.

Với những sinh viên thuộc diện F0 chưa thể trở đến trường học trực tiếp, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn đảm bảo cho các em học online thông qua phần mềm. “Nhà trường giảng song song, một mặt giảng trực tiếp trên giảng đường, mặt khác vẫn bật Teams để các em F0, F1 đang học online có thể theo dõi trực tiếp bài giảng trên lớp”, PGS.TS Bùi Đức Thọ khẳng định.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng chuẩn bị một khu riêng ở kí túc xá để cách ly trường hợp F0 xuất hiện. Hiện số sinh viên trong các phòng kí túc xá cũng giảm đi. Nếu trước đây có 6-8 sinh viên/phòng thì giờ chỉ còn 4 sinh viên/phòng để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt nhất. Hiện nay, các phòng kí túc xá đã kín, khu cách ly dành riêng cho F0 chưa đưa vào khai thác, sử dụng.

Kiểm tra công tác đón sinh viên trở lại giảng đường tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, các trường đã có sự chuẩn bị kỹ phương án đưa sinh viên trở lại. Trong đó có kế hoạch tổ chức lớp học, phương án xử lý hỗ trợ sinh viên trở lại học, nhất là sinh viên ở kí túc xá.

“Sự chuẩn bị này thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sự chủ động của các trường ĐH, bên cạnh chuẩn bị các trường còn phối hợp với địa phương. Trên Thái Nguyên, thậm chí các trường còn lập đề án, xin ý kiến ĐH Thái Nguyên và chính quyền địa phương, ở Hà Nội các trường gửi báo cáo xin ý kiến, báo cáo địa phương”.

Thứ trưởng cho rằng sự phối hợp giữa nhà trường và địa phương trong việc đưa sinh viên trở lại học quan trọng vì ĐH khác phổ thông ở điểm ngoài sinh viên ở Hà Nội còn có nhiều sinh viên ở các địa phương khác, có sự di chuyển giữa các địa phương. Mỗi địa phương tình hình dịch khác nhau. Hơn nữa, ở ĐH các lớp tổ chức khác phổ thông, không phải lớp cố định. Các trường ĐH đã lên phương án tổ chức lớp để dễ theo dõi các em, hỗ trợ các em chưa thể đến lớp.

“Thời điểm hiện tại chưa có vấn đề gì lớn ở các trường ĐH, số giảng viên, sinh viên nhiễm không lớn nên chúng tôi nghĩ thời gian tới các trường mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn. Tuy nhiên cũng không lơ là mất cảnh giác phòng chống dịch bệnh”.

Hiện nay, nhiều trường ĐH yêu cầu sinh viên test nhanh khi trở lại trường học trực tiếp, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định Bộ GD&ĐT cũng như Bộ y tế không hướng dẫn việc này.

Các trường tùy tình hình cụ thể, nguyện vọng sinh viên. Mỗi trường khác nhau, có nơi tự nguyện, có nơi chỉ bắt buộc với ký túc xá. Bộ đang lắng nghe từ thực tiễn, xem tình hình thực hiện việc đó có tác dụng như thế nào, không thực hiện thì tác dụng ra sao. Bộ GD&ĐT không phải cơ quan chuyên môn y tế nên khi lắng nghe, thấy phát sinh từ thực tế thì trao đổi lại với cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để có biện pháp kịp thời.

“Bộ đang tổng hợp, chi phí (test nhanh) chỉ 1 phần, quan trọng là cần thiết làm hay không làm. Nếu cần thiết thì chi phí đó không nhiều, nhưng nếu không cần thiết thì một ít tiền cũng cần cân nhắc nên chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến các trường, quan sát thực tiễn để trao đổi cơ quan chuyên môn xem việc đó thực sự cần thiết đến đâu và tác động như thế nào”, thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.