Là một GS giảng dạy tại Viện kỹ thuật Hóa học ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Lê Minh Thắng bền bỉ, kiên trì với lĩnh vực mình theo đuổi. Trong hơn 2 chục năm nghiên cứu khoa học, GS.TS Lê Minh Thắng tập trung nghiên cứu về xúc tác xử lý môi trường và phát triển hóa học bền vững. Với những đóng góp trong giảng dạy, nghiên cứu, bà đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2022.

Ấn tượng với GS Lê Minh Thắng từ khi chị làm Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (nhiệm kỳ 2015-2020 ) bởi sự nhẹ nhàng nhưng rất nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Có lần, tôi mời GS sang VOV làm chương trình talk “Phụ nữ với hoạt động nghiên cứu khoa học”, tôi thật sự bất ngờ bởi người phụ nữ dịu dàng, mộc mạc này lại là người có bề dày thành tích nghiên cứu khoa học với hàng trăm bài báo, hàng chục công trình nghiên cứu về môi trường.

Bảo vệ môi trường, hạn chế những tác động của khí thải độc hại là mảng đề tài GS.TS Lê Minh Thắng bền bỉ theo đuổi. “Tìm kiếm xúc tác mới có hiệu quả để xử lý khí thải xe máy” là 1 trong những đề tài do GS Thắng làm trưởng nhóm nghiên cứu chế tạo, những bộ xúc tác từ hỗn hợp oxit kim loại chuyển tiếp để thay thế cho kim loại quý; xúc tác từ hỗn hợp các oxit kim loại chuyển tiếp có giá thành thấp, dễ dàng ứng dụng cho các nước đang phát triển, nơi có nhiều xe máy đã qua sử dụng lâu năm, chi phí thấp như ở Việt Nam. Sản phẩm của nhóm đã được lắp đặt vào xe máy Vespa đã qua sử dụng và thử nghiệm tại Cục đăng kiểm Việt Nam.

GS.TS Lê Minh Thắng còn có nhiều công trình nghiên cứu khác như xúc tác xử lý khí thải các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ; Xúc tác cho phản ứng oxy hóa chọn lọc propylen/propan từ khí tự nhiên, khí đồng hành, khí từ các nhà máy lọc dầu thành các sản phẩm trung gian có giá trị ứng dụng; xúc tác quang hóa xử lý các hợp chất hữu cơ và kim loại nặng trong nước thải. Những nghiên cứu về "Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước" đã đem lại cho GS Lê Minh Thắng giải thưởng khoa học tầm khu vực.

Với việc đưa ra giải pháp tiết kiệm chi phí để xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường, các chất xúc tác có thể giảm hơn 90% phát thải chất gây ô nhiễm, ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt và có tuổi thọ cao. Hiện tại, để tài này đang được hợp tác với một số nhà máy trong công nghiệp có sử dụng các quá trình đốt cháy nhiên liệu, xúc tác lắp đặt có hiệu quả cao, thời gian làm việc lâu bền.

Là một nhà khoa học, GS Thắng đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường, chọn đó làm định hướng nghiên cứu xuyên suốt.

"Trên thế giới môi trường là vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Tại Việt Nam, vấn đề môi trường còn nóng hơn khi nhiều công nghệ có vốn đầu tư thấp. Hy vọng và mong muốn những nghiên cứu mình góp phần giảm thải các khí thải gây hại cho con người và môi trường, làm môi trường trong sạch hơn, góp phần cải thiện đời sống".

GS.TS Lê Minh Thắng

Từng là học sinh chuyên hóa của trường THPT Hà Nội Amsterdam, niềm đam mê hóa học đã được nhen nhóm trong cô gái mảnh dẻ này từ thời còn là học sinh phổ thông. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, GS. Lê Minh Thắng lựa chọn con đường giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Năm 1999, sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ, bà được trường lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu tiến sỹ tại đại học Ghent (Vương quốc Bỉ) từ năm 2000 – 2005. Về nước đầu năm 2005, bà tiếp tục nghiên cứu về xúc tác hóa dầu với nhiều dự án nghiên cứu trong và ngoài nước. Bà được công nhận đạt chức danh Phó Giáo sư năm 2009, chức danh Giáo sư năm 2019. Đầu năm 2022, bà được nhận giải thưởng Outstanding Innovation Award của quỹ Hitachi Global Foundation về xúc tác xử lý khí thải và nước thải.

Chia sẻ về những yếu tố giúp cho một người phụ nữ có được những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, GS. Lê Minh Thắng cho rằng: "Để có được những thành công ấy cần có rất nhiều yếu tố. Đó là sự hậu thuẫn, tạo điều kiện của gia đình, của nhà trường, sự may mắn, sự hỗ trợ của đồng nghiệp và sự tham gia của những sinh viên trong nhóm nghiên cứu. Nhưng quan trọng nhất là bản thân mỗi nhà khoa học nữ trong quá trình kiên trì nghiên cứu khoa học phải tích lũy được kiến thức nền tảng, sự rèn luyện phương pháp tư duy, cách tiếp cận vấn đề quá trình làm nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn thận, không bỏ qua những chi tiết cần chú ý. Nói như GS: "Có những con đường, những đề tài nghiên cứu không phải dễ dàng đạt đích như ý mình nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, có thể rẽ sang hướng khác đưa ra những kết quả khác làm tiền đề cho những nghiên cứu về sau này”.

Cân bằng giữa công việc giảng dạy nghiên cứu và bổn phận thiên chức làm vợ, làm mẹ là vấn đề không phải nhà khoa học nữ nào cũng có thể hoàn thành xuất sắc cả hai vai. GS.TS Lê Minh Thắng may mắn có gia đình lớn có truyền thống khoa học và gia đình nhỏ hạnh phúc với người chồng luôn sẵn lòng chia sẻ công việc nhà để vợ có thời gian nghiên cứu khoa học, không phật lòng khi chị về muộn, đi làm vào cả những ngày nghỉ, thường chỉ đủ thời gian để nấu những món ăn đơn giản không cầu kỳ … Sự nghiêm túc và niềm đam mê khoa học của chị đã lan tỏa sang 2 đứa con của chị. Do đặc thù công việc, chị dạy con cách sắp xếp thời gian để học tập cho hiệu quả mà vẫn có thể giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà. Hai con của chị đều học rất tốt những môn khoa học tự nhiên và đang có thiên hướng đi theo lĩnh vực khoa học cơ bản như mẹ.

Là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách Khoa Hà Nội, nơi tập trung hàng trăm những nhà khoa học nữ ở nhiều độ tuổi, nhiều lĩnh vực nghiên cứu. GS Lê Minh Thắng luôn khích lệ, động viên họ và cả những sinh viên trong trường đi theo con đường nghiên cứu khoa học và phát triển nghề nghiệp bản thân. GS. Thắng cho rằng, nữ giới hoàn toàn có thể có năng lực chuyên môn tương đương hoặc thậm chí có thể tốt hơn nam giới bởi bản tính rất kiên trì và chăm chỉ.

“Tôi mong nữ nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa để làm được công việc của mình, có sự động viên, chia sẻ cả về chính sách về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện nghiên cứu. Tôi mong có chính sách ưu tiên cho nữ giới như tỷ lệ nữ tham gia đề tài nghiên cứu khoa học là yếu tố điểm cộng khi đánh giá, hoặc có thêm các giải thưởng cho nữ khoa học ở các độ tuổi khác nhau”

Đối với một trường đại học nghiên cứu thì vấn đề nghiên cứu phải là vấn đề được coi trọng bởi chính qua nghiên cứu thì lượng thức của thầy và trò cũng được update, có những cái nhìn hiện đại với những nghiên cứu hiện đại trên thế giới cũng như là trong cuộc sống. Vì vậy cho nên việc khơi dậy cho các em sinh viên lòng say mê đối với khoa học kỹ thuật cũng như đối với nghiên cứu khoa học cũng là một trong những nhiệm vụ của các giảng viên ở trường đại học để các em có những cái nhìn với những vấn đề trong cuộc sống để giải quyết, có những ý tưởng để rút ra những cách giải quyết vấn đề. Ý thức điều đó, suốt thời gian làm giảng viên đại học GS Lê Minh Thắng luôn luôn hướng dẫn các em vào làm nghiên cứu các vấn đề đặt ra của thực tiễn cũng như là những vấn đề khoa học để thông qua nghiên cứu giúp các em hình thành được khả năng đặt vấn đề, rèn luyện cách tư duy, kĩ năng làm thực nghiệm và các kĩ năng để khi các em tốt nghiệp có thể bắt tay vào làm công việc của người kỹ sư.

Việc được vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 với GS.TS Lê Minh Thắng cũng không phải là điều quá bất ngờ. Xét những tiêu chuẩn của Giải thưởng, chị nộp hồ sơ. Và sau quá trình xét duyệt của Ban tổ chức, chị được lựa chọn được trao giải thưởng danh giá này.

Đến nay, sau GS Phan Lương Cầm (nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 1995), GS. Đặng Thị Kim Chi (nhận giải thưởng Kovalevskaia năm 2007), GS.TS Lê Minh Thắng là nữ giảng viên thứ 3 của Đại học Bách Khoa Hà Nội vinh dự được nhận giải thưởng này. Tấm gương của những nhà khoa học nữ như GS.TS Lê Minh Thắng là sự khích lệ đối với nhiều nữ giảng viên trẻ tự tin khẳng định mình trên con đường nghiên cứu khoa học.