Đến thời điểm này, Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội đã hoàn thành được 4 đợt thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT năm 2023 với sự tham gia của 43.761 thí sinh với tỷ lệ thí sinh dự thi đạt 97,3%.
Theo phân tích của chuyên gia, phổ điểm thi của 4 đợt đầu tiên phân bổ chuẩn, điểm trung bình 75,2/150; trung vị là 75,0/150; độ lệch chuẩn 13,7. Thí sinh đạt điểm cao nhất 129/150, thấp nhất 31/150. So với cùng kỳ năm 2022, điểm trung bình năm 2023 giảm 2,4 điểm. Phổ điểm ổn định theo từng đợt thi, số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%.
Theo báo cáo của Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội, năm 2023 số lượng thí sinh vi phạm kỷ luật thi cao hơn những năm trước, chủ yếu là do các em mang Atlat chứa thông tin vào phòng thi và bị giám thị lập biên bản. Theo đánh giá chung thì kết quả làm bài thi của thí sinh phần nhiều rơi vào khoảng 75 điểm. So sánh với kết quả thi của thí sinh năm 2022, phổ điểm thi khá ổn định. Dự kiến những đợt thi tiếp theo vào tháng 5, 6 với 45.000 thí sinh dự thi sẽ có kết quả cao hơn những đợt đầu năm vì khi đó các em đã hoàn tất chương trình THPT.
Việc thí sinh tham gia 2 lần thi với mong muốn có kết quả lần thi sau cao hơn lần trước, tuy nhiên theo phản ánh của một số thí sinh điều mong muốn ấy đã không thành sự thật vì điểm thi lần 2 vẫn tương đương kết quả thi lần 1.
Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí cho rằng: Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia nhằm tiếp cận, đánh giá các nhóm năng lực chủ đạo của thí sinh sau khi học xong chương trình THPT. Do đó các em đăng ký ca thi giữa 2 đợt thi, hoặc 2 đợt thi quá gần nhau thậm chí ngay cả đúng như quy định lần thi thứ 2 cách lần thứ nhất 28 ngày thì điểm của thí sinh gần như không thay đổi. Năng lực của các em thí sinh phải là quá trình tích lũy lâu dài chứ không thể hình thành trong một thời gian ngắn. Các em mong muốn thi nhiều đợt thì cũng phải đủ thời gian tương đối dài để cập nhật thêm kiến thức và rèn luyện thêm kỹ năng.
Từ đợt 1 đến đợt 5,6,7 thì các em mới có khả năng cải thiện 1 vài điểm, còn trong khoảng thời gian quy định khoảng từ 4 đến 6 tuần thì điểm các em không thay đổi. Nhiều em mong muốn thi nhiều lần để muốn biết được đề thi, cách hỏi hy vọng sẽ gặp lại câu hỏi nhưng mỗi thí sinh có một đề thi riêng biệt và thi lần 1 hay lần 2, câu hỏi cũng khác nhau dù có cùng 1 vấn đề, hay vẫn trong nhóm năng lực đó để bạn khai thác, bộc lộ hết năng lực của mình.
Do vậy thí sinh có nhớ một cách máy móc theo bài kiểm tra kiến thức thông thường, phần trước đề hỏi vấn đề A, phần sau đề thi hỏi A’. Nếu các bạn phải hiểu được bản chất vấn đề thì dù A hay A’ thì các bạn vẫn toát được năng lực của bạn nên nếu các em chỉ nhớ và năm được kiến thức căn bản của mình, vận dụng được và bộc lộ được năng lực của mình thì điểm các em mới thay đổi. Còn các em chỉ nhớ trong 1 vùng, 1 dạng hay 1 phương pháp nào đó thì điểm các bạn đương nhiên sẽ không thay đổi dù các bạn thi cách nhau 28 ngày hay 56 ngày hay thậm chí 84 ngày cũng không thay đổi. Đây là điểm khác biệt căn bản khi kiểm tra đánh giá năng lực với các bài kiểm tra đánh giá thông thường.
Ngay từ khi thiết kế ma trận đề thi, cấu trúc đề thi cũng như định hướng cho thí sinh thi bài thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội đã yêu cầu thí sinh phải nắm chắc được kiến thức cơ bản THPT, sách giáo khoa là tài liệu duy nhất, cẩm nang duy nhất để các bạn có thể đạt được kết quả khá, giỏi thậm chí đạt điểm rất cao với bài thi đánh giá năng lực. Bài thi đánh giá năng lực không kiểm tra độ nhớ, vùng mà kiểm tra tương đối toàn diện do vậy việc thí sinh nắm chắc kiến thức THPT và phải biết cách hệ thống hóa lại.
Ví dụ như khối kiến thức về lịch sử thí sinh cần nắm và hệ thống hóa lịch sử Việt Nam và thế giới. Khối kiến thức Khoa học tự nhiên cũng cần hệ thống hóa để làm sao gặp câu hỏi bằng cách này hay cách khác vẫn trả lời được chứ không nên nhớ máy móc là công thức A, công thức B và mình thuộc công thức đó là mình làm tốt. Cuối cùng là việc ôn tập, ôn luyện thì đề thi đánh giá năng lực đòi hỏi thí sinh nắm chắc những bài dạy trong SGK nhưng ở mức độ từ biết, hiểu và vận dụng chứ không chỉ nhớ bài đó và hy vọng lần sau mình gặp lại bài đó thì mình đạt được kết quả. Lặp lại là điều không thể và việc bạn thi lần 1, lần 2 lặp lại đề thi câu hỏi của lần thứ 1 là xác suất vô cùng thấp do vậy dù có nhớ được thì thi lần sau mình cũng không vào được đề thi đó nữa.
Hiện tại nhiều trung tâm luyện thi đã đưa ra những hình thức kêu gọi, mời gọi thí sinh với những chiêu rất hot “ phong tỏa kiến thức”, ”ôn luyện”, “ tăng cường”… Nhưng trên thực tế các trung tâm luyện thi vẫn theo các cách truyền thống đó là nhìn vào ma trận đề thi và định hướng là dạng này hỏi về không gian, dạng kia hỏi về tọa độ và các em luyện tập thì tính toán tương đối rộng. Trên thực tế nếu các thí sinh có được luyện dạng bài đó nhưng đề thi không vào dạng đó thì cũng không thể đạt được kết quả cao trong kỳ thi đánh giá năng lực.
Mặt khác đề thi tiếp cận 2 vấn đề: Về toán học có 50 câu hỏi, văn học có 50 câu hỏi, khoa học thì có, lý, hóa, sinh,sử, địa mỗi phần 10 câu hỏi. Việc thiết kế đề thi là cố định, dù thí sinh có thi 1 lần, 10 lần hay năm nay năm khác vẫn tham gia thi thì cấu trúc đó đều không thay đổi nó đảm bảo sự chắc chắn theo từng chủ đề.
Tuy nhiên trong 1 bài thi, Trung tâm khảo thí sẽ cài thêm 1- 3 câu hỏi thử nghiệm. Phần toán 50 câu hỏi có thể thêm 1 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, điểm tối đa vẫn là 50 dù bạn có làm 51 câu hỏi. Tuy nhiên đề thi không tuyên bố câu hỏi nào là thử nghiệm để thí sinh phải làm hết sức với mọi câu hỏi. Về phần Văn có 10 câu hỏi nhưng đề thi có thể có 11 câu bởi vì thêm 1 câu thử nghiệm.
Nếu như 1 bạn có 11 câu hóa thì có 1 bạn khác sẽ có 11 câu sinh,bạn khác sẽ có 11 câu địa để đảm bảo cho tất cả công bằng với nhau thí sinh đều làm 153 câu trong đó có 150 câu tính điểm, 3 câu không tính điểm. Thứ 2 nữa là về mức độ khó dễ đề thi phân theo ma trận có 30% câu hỏi khó vận dụng cao, 40% trung bình và 30% câu hỏi dễ.
Thí sinh đều được rút theo nguyên tắc giống nhau chỉ khác là câu hỏi không trùng lặp vì ngân hàng đề đủ lớn để đảm bảo cho mỗi thí sinh 1 đề. Sau mỗi đợt thi, căn cứ vào kết quả, điểm của thí sinh để đánh giá sơ bộ độ lặp lại của các đợt thi thậm chí theo thời gian giữa tháng 3,4 khi các em tích lũy được nhiều kiến thức hơn, chuẩn bị công phu hơn thì có thay đổi hay không.
Nếu như thay đổi trong 1 vùng cục bộ thì có nghĩa rằng ma trận đề thi có thể chưa chuẩn hoặc tất cả đều tịnh tiến theo thời gian thì lúc ấy theo quy luật là ma trận đề thi ổn định. Thời điểm đánh giá như năm 2022 là 12 đợt thi và 4 đợt thi của đầu 2023 đều tịnh tiến theo thời gian mà không xảy ra sự đột biến cục bộ.
Do vậy, đề thi ổn định, cấu trúc đề thi ổn định, độ khó đề thi đáp ứng được yêu cầu. Có thể 1 vài thí sinh gặp đề thi có thêm câu hỏi thử nghiệm mà cảm giác rằng mình nhiều câu hỏi hơn. Nhưng nếu đề của em đó có nhiều câu hỏi hình học hơn thì sẽ có bạn nhiều câu hỏi đại số hơn, hoặc có đề nhiều câu hỏi hóa hơn thì sẽ có đề nhiều câu hỏi lý hơn. Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội khẳng định: Mọi sự thay đổi dù nhỏ đều được công khai minh bạch hướng tới việc đảm bảo công bằng với các thí sinh.