Câu chuyện chàng sinh viên K64 khoa Vật lý trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) - ĐHQG Hà Nội vừa tốt nghiệp thủ khoa năm 2023 gây xôn xao dư luận không phải bởi vì ở tuổi 27 em mới tốt nghiệp Đại học mà vì chàng thủ khoa này từng có hơn 3 năm học ở Khoa Công nghệ thông tin và truyền thông ĐH Bách Khoa Hà Nội – một vị trí mơ ước của rất nhiều thí sinh giỏi nhưng vẫn quyết tâm rời bỏ cái nôi đào tạo ngành hot ấy, đương đầu với sự phản ứng gay gắt từ cha mẹ, người thân, bạn bè để sang học ngành Vật lý ở Trường ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội.

Vốn là học sinh chuyên Toán của trường THPT Chuyên Bắc Giang, từng được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi, cũng như nhiều thí sinh có lực học tốt khác, Trịnh Hải Sơn đặt nguyện vọng cao nhất vào ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa Hà Nội – một ngành học thời thượng với kỳ vọng và sự hãnh diện của gia đình về một tương lai rộng mở với việc làm có thu nhập cao. Nhưng khi vào học, Sơn cảm thấy mình đã chọn sai ngành. Đam mê khám phá thế giới tự nhiên, mong muốn được dùng những thuật toán, những phương trình cơ bản để khám phá tự nhiên, thế giới xung quanh mình đã làm Sơn dù vẫn duy trì phong độ học tập chuyên ngành CNTT nhưng càng lúc càng dành nhiều thời gian tìm hiểu vật lý và ôm ấp những hoài bão riêng của mình . Cuối cùng Hải Sơn đưa ra một quyết định dứt khoát bỏ Công nghệ thông tin để sang học ngành Vật lý.Niềm đam mê của chàng sinh viên này được các thầy Khoa Vật lý đón nhận và tạo điều kiện để phát huy . Trong suốt 4 năm học với thành tích học tập xuất sắc, kết quả nghiên cứu khoa học và giải Nhất kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế 2022 với số điểm thi bài tập cao nhất năm, là cá nhân rất xuất sắc trong toàn bộ cuộc thi Trịnh Hải Sơn trở thành thủ khoa đầu ra của Trường và may mắn được GS Phan Mạnh Hưởng ở ĐH Florida tiếp nhận làm nghiên cứu sinh. Cuối năm nay Trịnh Hải Sơn sẽ lên đường sang Mỹ để cùng với GS Phan Mạnh Hưởng viết tiếp ước mơ của mình về ngành học mà em thực sự đam mê: Vật lý.

Câu chuyện chọn ngành học nhầm với Trịnh Hải Sơn là câu chuyện có hậu của một chàng trai tài năng dám thay đổi dám dấn thân, nhưng từ kinh nghiệm của bản thân, Hải Sơn muốn chia sẻ với các em thí sinh về việc lựa chọn ngành học: "Với các bạn học sinh mà vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, em rất hy vọng là các bạn sẽ chọn được đúng lĩnh vực mà mình yêu thích. Cái quan trọng nhất là nên hỏi từ chính mình, xem mình thực sự đam mê lĩnh vực gì và đâu là môn học sở trường của mình trong cả quá trình 3 năm học THPT và nhìn xem cái lĩnh vực đấy đặc thù công việc là gì, tương lai nghề nghiệp là gì? Và nếu đặt mình trong cái hoàn cảnh đấy, trong công việc đấy liệu mình có cảm thấy hứng thú, có cảm thấy động lực để làm việc hay không. Hãy cố gắng trả lời những câu hỏi đó trước khi chọn nguyện vọng để vào một ngôi trường đại học nào".

Dương Anh Linh sinh viên năm cuối Khoa Môi trường, bộ môn Đất và Thổ nhưỡng sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn nhưng vì cũng muốn trải nghiệm với môi trường Hà Nội nên chọn Đại học tự nhiên ĐHQG Hà Nội để học tập. Theo Linh: Các bạn trẻ bây giờ như tụi em hay gọi là Gen Z thường muốn trải nghiệm với một môi trường mới, chính vì vậy em muốn được ra Hà Nội học. Em chọn Đại học Khoa học Tự nhiên bởi vì bản chất là xuất thân của Đại học Tổng hợp Hà Nội, em đã tìm hiểu kỹ nguồn gốc và xuất phát điểm của trường và biết rằng các giảng viên của trường hầu hết được đào tạo từ nước ngoài và rất giỏi về chuyên môn. Vào trường học đến năm thứ 3 thì tụi em có cơ hội thực thực tập bên viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ, đó là một trong những cái điều rất là tốt mà tụi em có những trải nghiệm thực tế với khảo sát thực tế, ví dụ việc học lý thuyết và thực tế.

Càng học, Linh càng hứng thú bởi môi trường học thuật ở ngôi trường mà em lựa chọn, chính vì vậy với sự hướng dẫn tận tình của GS Nguyễn Ngọc Minh, Dương Anh Linh đang có dự định học tiếp lên bậc thạc sỹ. Linh chia sẻ: "Với bản tính của em từ ban đầu em cũng không lựa chọn con đường này, bởi vì em thấy ngành này khá khô khan và chỉ có ngồi buồng Lab thôi. Nhưng khi thực sự vào học, bước chân trên con đường này mới hiểu là ngành này rất thú vị. Không phải là ngồi trong phòng Lab như mình tưởng tượng, vì với tính chất ngành môi trường tụi em phải đi thực địa, không chỉ tiếp xúc với phòng Lab ạ, phải tiếp xúc với con người, với những người xung quanh nữa để có thể trao đổi thêm, trau dồi kiến thức ngoài xã hội thì mới có thể có được kiến thức trong tự nhiên."

PGS.TS Trần Thiện Cường, Phó trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm 2023 khoa môi trường có một chương trình đào tạo mới tuyển sinh là chương trình đào tạo ngành Môi trường - Sức khỏe và An toàn. Sinh viên học trong ngành này thì sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực môi trường trong sản xuất, môi trường, trong nhà xưởng cũng như là môi trường làm việc bên cạnh đó là vấn đề sức khỏe của người lao động, an toàn vệ sinh lao động. Từ khát nhân lực nên sinh viên học ngành này ra trường có rất nhiều cơ hội việc làm.

Theo PGS.TS Trần Thiện Cường,cơ hội cho sinh viên theo học ngành môi trường rất khả quan. Các doanh nghiệp hiện nay đang rất cần nhân lực, nên sinh viên sẽ có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành quản lý an toàn môi trường, sức khỏe nghề nghiệp cũng như là an toàn lao động tại các doanh nghiệp, các tập đoàn cũng như các khu công nghiệp. Ngoài có thể làm ở các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác quản lý môi trường, giám sát, kiểm tra về an toàn lao động, an toàn môi trường cũng như là sức khỏe người lao động, hoặc có thể học nâng cao lên bậc thạc sỹ, tiến sỹ ở trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Bằng kinh nghiệm giảng dạy và tuyển sinh, nhìn nhận về cách chọn ngành học của thí sinh hiện nay, TS Hoàng Chí Hiếu - Phó trưởng Khoa Vật lý, trường ĐH KHTN đưa ra cho các bạn thí sinh những lời khuyên rất thực tế: Thực trạng rất lớn khi các em học sinh chọn ngành, đó là các em thường dựa điểm của mình để chọn ngành, cụ thể các em chọn những ngành có điểm chuẩn tương ứng với điểm mà mình đạt được. Bên cạnh đó thí sinh có xu hướng chọn ngành nào được được gọi là hot, điều đó rất không ổn. Theo TS Hoàng Chí Hiếu: Để chọn một ngành học, ngoài việc căn cứ xem năng lực của mình có phù hợp với ngành đó không thì nên chọn theo sở trường, sự yêu thích của mình nó có phù hợp với ngành đó không? Thứ hai nữa chính là căn cứ vào nhu cầu của xã hội đối với cái ngành đó như thế nào? Và khi mà chọn một ngành nào đó thì các em nên tìm hiểu xem là ngành đó trong quá trình học sẽ học tập như thế nào, cái nơi đào tạo mà mình định nhắm đến họ có đáp ứng lại những cái mong mong muốn của mình không? Và khi tốt nghiệp thì các em sẽ làm việc ở đâu. Kể cả trong trường hợp điểm thi của em không được tốt lắm, nhưng nếu em chọn đúng đam mê của mình thì có thể em sẽ phát huy được toàn bộ cái năng lực của mình và em sẽ học tập tốt trong giai đoạn học đại học và em có thể có những thành tựu lớn trong tương lai.”