Ứng dụng công nghệ ở trường công thực ra không quá khó
Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình vừa mới triển khai hệ thống quản lý học sinh bằng thẻ từ. Theo cô Ngô Thị Phượng, Phó hiệu trưởng nhà trường, việc này nhà trường đã ấp ủ suốt thời gian trường đang được xây mới. Việc thăm dò ý kiến phụ huynh học sinh đã được thực hiện từ trước và nhận được sự đồng thuận cao.
“Việc triển khai cực kỳ thuận lợi vì thông tin tích hợp vào sổ liên lạc điện tử. Gia đình có thể cùng lúc nhận được nhiều thông tin về con em từ điểm số, các thông báo của nhà trường, sự chuyên cần của học sinh... Nhà trường chỉ mất chi phí lắp thêm 9 máy quẹt thẻ và thẻ của các con ban đầu, còn không mất bất kì thêm khoản phí sử dụng nào”, cô Phượng chia sẻ.
Điều đáng nói nhất, việc quẹt thẻ từ điểm danh đầu giờ và cuối giờ tập trung khai thác tiện ích từ hệ thống sẵn có. Chi phí đầu tư ban đầu của nhà trường cũng như xã hội hóa rất ít trong khi hiệu quả thu lại rất lớn và lâu dài.
Từ góc độ người trực tiếp khai thác và sử dụng, cô giáo Nguyễn Kim Hoài Nam cho rằng việc sử dụng thẻ từ cho học sinh thể hiện giá trị của công nghệ thời 4.0, vừa hiện đại, tiện lợi đồng thời giảm hầu như toàn bộ thời gian, công sức các thầy cô khi thực hiện thủ công hằng ngày cho phần việc điểm danh và bố mẹ lại luôn có thông tin chính xác thời điểm con em vào trường cũng như tan học.
Nhưng sau một thời gian triển khai, học sinh bắt đầu quên việc quẹt thẻ. Đây được coi như hạn chế theo cô Phượng cần khắc phục để việc ứng dụng công nghệ trở thành thói quen thực sự, hướng tới tổ chức lý chặt chẽ, chính xác, lâu dài đồng thời tích hợp nhiều chức năng khác như báo cơm bán trú, xin nghỉ học... tạo nên một tổng thể. Trước mắt, nhà trường tiếp tục để giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh mỗi lớp thực hiện nghiêm việc điểm danh đầu và cuối giờ bằng thẻ đồng thời tiếp tục duy trì việc điểm danh lại những trường hợp học sinh chưa có thông báo gửi về cho phụ huynh. Tiến tới, nhà trường sẽ thắt chặt hơn nữa nhằm đưa điểm danh bằng thẻ từ như một phần việc bắt buộc.
Trần Đức Hoàng, học sinh 8A7 cũng như nhiều bạn học đã tạo được thói quen đeo thẻ khi đến trường. Sau vài lần quên thì đến nay, việc đeo thẻ được em so sánh như mặc đồng phục hoặc quàng khăn đỏ. Dùng dây đeo thẻ khi bước vào cổng trường và cất trong ngăn cặp ngay khi tan học giúp em khắc phục việc quên thẻ.
Phạm Đỗ Ngọc Mai, học sinh 7A4 và Vũ Quỳnh Anh, học sinh 8A9 lại hào hứng bởi cảm giác đeo và quẹt thẻ từ rất ra dáng người lớn và lại cũng như một cách thông báo với bố mẹ nhằm tránh được những trường hợp lừa đảo phụ huynh xảy ra gần đây.
Trường THCS Thành Công đã thực hiện lắp đặt hệ thống camera nội bộ trong tất cả các lớp học, hành lang và nhiều khu vực cần thiết khác. Suốt giai đoạn đại dịch, camera tại lớp học mang giá trị chuyển đổi linh hoạt mô hình dạy học trực tiếp- trực tuyến hoặc đan xen. Khi việc dạy học đã hoàn toàn bình thường, cùng với việc quẹt thẻ từ, tạo thông tin thông suốt giữa nhà trường, gia đình với học sinh, cô Hoài Nam cho rằng camera nội bộ cũng phát huy tối đa các ưu thế trong hoạt động dạy học, quản lí an ninh trật tự.
“Không phải lúc nào thầy cô cũng giám sát được hết toàn bộ hoạt động của học sinh khi các em rất đông, nhiều tình huống xảy ra mà nếu có sự hỗ trợ của hình ảnh trích xuất sẽ góp phần xử lí nhanh, chính xác nhằm đảm bảo an toàn cũng như công bằng cho các em”, cô Hoài Nam chia sẻ.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong trường phổ thông, đặc biệt khối công lập không quá khó với các trường ở thành phố. Khi Ban giám hiệu, các thầy cô quyết tâm cũng như tối ưu hóa những công nghệ sẵn có cùng sự đồng tình, ủng hộ từ phụ huynh, việc chuyển đổi có thể chưa mang tính tổng thể, đồng bộ và ngay lập tức nhưng sẽ hoàn thiện dần theo thời gian.
Quản lý giáo dục bằng công nghệ ở trường công đã có nhiều thuận lợi
Chuyện điểm danh sĩ số trước mỗi giờ học đã được thực hiện từ lâu với nhiều mục đích khác nhau như báo xuất ăn bán trú chính xác, giáo viên quản lí được học sinh trong mỗi giờ học, nhà trường phối hợp cùng gia đình trong việc đảm bảo tính chuyên cần cũng như an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, phần việc này cơ bản vẫn được thực hiện thủ công, giao cho giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp dẫn tới sự chậm trễ, thêm đầu việc gây mất thời gian hoặc có những sai lệch nhất định.
Cùng với đó, tình trạng lừa đảo phụ huynh, giáo viên và cả học sinh gần đây xảy ra với mật độ dày đặc. Kẻ gian biết lợi dụng thời điểm giờ học đang diễn ra khiến việc kết nối để kiểm tra thông tin gặp khó khăn. Chỉ là những ví dụ nhỏ song cũng cho thấy việc cần thiết tận dụng sức mạnh của công nghệ nhằm tối ưu hóa việc quản lý giáo dục.
Nếu việc xây dựng và vận hành áp dụng công nghệ theo hệ thống sẽ đem lại hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, TS Tôn Quang Cường, Trưởng khoa Công nghệ Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết phần việc này khá phức tạp, đặc biệt liên quan đến chi phí đầu tư và vận hành.
Cũng theo TS Tôn Quang Cường, một hệ thống quản lý giáo dục trọn vẹn sẽ bao gồm rất nhiều hợp phần. Nhưng một cách dễ hiểu sẽ gồm khối đầu vào, tức là thu thập tất cả những thông tin liên quan đến học sinh và các hoạt động của học sinh trong quá trình triển khai học tập ở trường. Khối thứ hai nhằm xử lý thông tin sẽ bao gồm chức năng phân loại. Khối thứ ba để truy xuất những báo cáo đánh giá, tạo cơ sở cho việc ra quyết định.
Như vậy, về tổng thể hệ thống quản lý giáo dục trong các nhà trường sẽ không chỉ dừng lại ở việc quản lý các thông tin dữ liệu của học sinh mà còn phải hỗ trợ cho các nhà quản lý và những người có trách nhiệm để đưa ra được những quyết định thông minh, phù hợp và đặc biệt phải rất kịp thời. Vận hành toàn bộ hệ thống này sẽ cần một ekip gồm cán bộ quản lý, một người phụ trách về hạ tầng và công nghệ thông tin cùng những người được phân quyền để nhập và đưa dữ liệu vào hệ thống.
Từ kinh nghiệm thực tế, TS Tôn Quang Cường cho rằng khi triển khai ở phổ thông không đòi hỏi một lực lượng lớn như vậy. Thay vào đó chỉ cần một cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của nhà trường, nhập các dữ liệu theo những quy định có sẵn. TS Cường chỉ lưu ý việc cần có thêm sự kết nối giữa cán bộ quản lý với cán bộ mà phụ trách này nhằm xử lý những tình huống phát sinh, cũng như có những điều chỉnh, định hướng kịp thời, để những thông tin phải đảm bảo đúng đủ, kịp thời nhằm đưa ra quyết định chính xác.
Sau đại dịch, đội ngũ giáo viên đã được tôi luyện, trải qua quá trình triển khai và tương tác cùng các hệ thống quản lý ở cấp vi mô nhất là lớp học cho đến những cấp cao hơn đã hình thành những kĩ năng, kinh nghiệm nhất định cho việc triển khai áp dụng công nghệ quản lý giáo dục theo hệ thống.
Trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư, đặc biệt ở các trường phổ thông công lập còn hạn chế, theo TS Tôn Quang Cường trước mắt cần đầu tư hệ thống quản lý học tập song hành với hệ thống quản trị nhà trường tùy theo một bối cảnh, nhu cầu riêng của từng trường.
Tuy nhiên, để đầu tư cho hệ thống quản lý học tập cũng như hệ thống quản trị nhà trường thực tế cũng không đòi hỏi quá nhiều kinh phí như thời gian trước đây. Ngoài ra, nhiều đơn vị, cơ sở và doanh nghiệp công nghệ giáo dục đang rất sẵn sàng, mong muốn kết nối đầu tư công tư với các nhà trường, TS Tôn Quang Cường cho biết.
Mời các bạn bấm nút nghe nội dung tại đây: