Trong báo cáo giao ban, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển.

Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Rà soát các phương thức xét tuyển

Đáng chú ý, Bộ GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Trong mùa tuyển sinh năm 2022, trong hệ thống xét tuyển chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo mã của 20 phương thức xét tuyển.

Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh "như bị đánh đố". Thậm chí, một số thí sinh chủ quan, nhầm lẫn khi đăng ký. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học ngày 12/9/2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đề nghị “từ năm sau, các trường cân nhắc số lượng phương thức tuyển sinh và công bố sớm”.

Không thực hiện xét tuyển sớm

Báo cáo giao ban cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh. Trong đó, có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù). Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Năm 2022, khoảng 620.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học. Hệ thống ghi nhận gần 400.000 thí sinh được các trường công bố đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng một; 30% đặt ở các nguyện vọng khác và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.

Trước đó, trao đổi với báo chí ngày 30/9/2022, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nêu rõ, quá trình triển khai công tác tuyển sinh năm 2022 còn có những bất cập. Ví dụ có trường tổ chức xét tuyển sớm theo học bạ dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu, vì vượt chỉ tiêu nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, dẫn tới điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT tăng.

"Việc xét tuyển sớm ở một góc độ nào đó gây mất công bằng cho thí sinh, không lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, chính việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường, với nhiều thủ tục khai báo và các minh chứng kèm theo, trong khi theo quy định thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung, từ đó gây nhiễu loạn thông tin, làm cho thí sinh nhầm lẫn, sai sót", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích.

Báo cáo giao ban cũng nêu rõ, các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018.