Ngày 16/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị tuyển sinh đại học và cao đẳng Giáo dục Mầm non năm 2022. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, công tác tuyển sinh đại học và cao đẳng Giáo dục Mầm non năm 2021 dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng công tác tuyển sinh đạt được nhiều kết quả tích cực. Phương thức tuyển sinh của các trường Đại học linh hoạt, đa dạng tạo điều kiện tối đa cho thí sinh cũng như đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

“Năm 2022, dịch bệnh dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, do vậy tinh thần chung là công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021. Quy chế tuyển sinh chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, cơ sở đào tạo. Đồng thời đảm bảo khách quan, công bằng giữa các thí sinh, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đặc biệt, ứng dụng triệt để CNTT trong công tuyển sinh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Mùa tuyển sinh đại học chính quy năm 2021, Bộ GD-ĐT đánh giá, kết quả tuyển sinh đạt cao nhất từ trước đến nay với trên 530.000 thí sinh nhập học (đạt 92,65%). Số cơ sở đào tạo tuyển sinh đủ chỉ tiêu tăng từ 33,95% (2020) lên 41,82% (2022).

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, dù tỉ lệ thí sinh ảo giảm đáng kể nhưng tỉ lệ ảo vẫn cao. Lý do là khá nhiều cơ sở đào tạo không nhập hết số thí sinh trúng tuyển đã xác nhận nhập học bằng các phương thức khác lên hệ thống chung. Điều này khiến cho một số trường đại học gặp khó khăn và không dự đoán chính xác thí sinh nhập nên phải tuyển vượt chỉ tiêu.

“Bộ đề xuất, trong năm 2022 việc xét tuyển chung đợt 1 việc tuyển thẳng thí sinh sẽ căn cứ vào quy chế của Bộ GD-ĐT, không phải trường nào cũng đặt ra điều kiện xét thẳng riêng. Bên cạnh đó, tất cả thí sinh đăng ký các nguyện vọng với mọi phương thức tuyển sinh trong cùng một hệ thống. Bộ GD-ĐT cung cấp dịch vụ hỗ trợ để xử lý nguyện vọng và lọc ảo. Ngoài ra, các trường, nhóm trường vẫn chủ động xét tuyển riêng", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Liên quan đến các phương thức và tổ hợp xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, các trường đã thực hiện tối đa quyền tự chủ khi linh hoạt trong các phương thức tuyển sinh, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh.

Mặc dù vậy việc tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến cho thí sinh gặp khó khăn trong việc nắm bắt thông tin. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau trong cùng một ngành đào tạo, thậm chí phân bổ chỉ tiêu không hợp trong các tổ hợp xét tuyển khiến thí sinh cảm thấy thiếu công bằng, lúng túng.

Từ thực tế này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.

Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

“Trong cùng một ngành tuyển sinh, các trường chỉ nên quy về một thang điểm để thí sinh thấy được sự công bằng", bà Thủy nêu quan điểm.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng lưu ý, các trường phải công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, thực hiện việc tuyển sinh đúng quy chế; xác định và giải trình về các phương thức tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục hạn chế của năm 2021; xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào và chịu trách nhiệm giải trình...

Dự kiến 6 điểm mới nhất về tuyển sinh đại học, cao đẳng 2022:

Thứ nhất, việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển CĐ, ĐH phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng ĐKXT của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Thứ năm, cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Thứ sáu, cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.