Câu thành ngữ “Lệnh ông không bằng cồng bà” được sử dụng khi muốn nói: ý kiến của người vợ trong gia đình là quan trọng, có tính quyết định hơn cả. Để tìm hiểu xuất xứ của thành ngữ này, trước hết phải tìm hiểu nghĩa của từ “lệnh” và từ “cồng”. Từ “lệnh” có nhiều nghĩa, tuy nhiên trong trường hợp này chỉ một nhạc cụ vì “lệnh” phải đối xứng với “cồng”, mà “cồng” là một loại nhạc cụ.

Theo Cuốn “Từ điển Tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên, từ “lệnh” (với nghĩa là một nhạc cụ) chỉ một nhạc khí thuộc bộ gõ, bằng đồng thau, hình đĩa tròn, tiếng vang và chói, dùng để báo hiệu lệnh. Như vậy câu “Lệnh ông không bằng cồng bà” ở phần hiển ngôn chỉ có nghĩa là: cái “lệnh” của ông cả về kích thước và âm thanh không bằng cái “cồng” của bà.

Nhưng ở phần hàm ngôn, vì cồng và lệnh đều được dùng để báo hiệu lệnh nên có nghĩa là “hiệu lệnh” của bà mới quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Ám chỉ vai trò làm chủ là của người vợ, chứ không phải là của người chồng trong gia đình.

Trong dân gian có hai cách hiểu về xuất xứ của thành ngữ này:

Theo nhiều người, thành ngữ này gắn liền với việc chiêu mộ binh lính của anh em Triệu Thị Trinh. Trong khi Triệu Quốc Đạt phát lệnh chiêu tập binh lính kết quả không được bao nhiêu, thì bằng tiếng cồng vang vọng, Triệu Thị Trinh đã tập hợp quanh mình rất nhiều nghĩa sĩ.

Nhiều người khác lại khẳng định xuất xứ của thành ngữ này gắn liền với tục cưới xin ở một số dân tộc ít người. Số là, khi làm lễ cưới, bên nhà trai phải phát lệnh trước để xin dâu, nếu đồng ý thì bên nhà gái đánh cồng đáp lại. Trong trường hợp, không nghe thấy tiếng cồng đáp lại tức là chưa được rước dâu. Rõ là, tiếng cồng nhà gái (cồng bà) có quyền quyết định tối hậu.

Nghe chương trình Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt để tìm hiểu điển tích thành ngữ "Lệnh ông không bằng cồng bà", Bên cạnh đó, cùng tìm hiểu các lớp nghĩa của chữ "ăn" trong Tiếng Việt: