“VSTEP là gì?”

Chị Quỳnh Lan, tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tiếng Anh đồng thời là phụ huynh có tiếng trong một nhóm phụ huynh trên mạng xã hội khi hầu như các cuộc thi, các lớp ôn luyện, các hướng để đạt mục tiêu vào các trường, các ngành mong muốn đều được chị tổng hợp, ghi nhớ và chia sẻ.

Năm ngoái con chị đỗ đại học top đầu khối Kinh tế nhờ phương thức xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với bảng điểm. Vậy nên, chỉ cần hỏi một câu về các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chị Lan trở thành “giáo sư biết tuốt” với những thông tin chi tiết, tỉ mỉ.

Tuy nhiên, chị Lan mới chỉ biết đến chứng chỉ VSTEP khi trường của con chị thông tin có thể xét ngoại ngữ tốt nghiệp thay thế bằng chứng chỉ này.

Chứng chỉ VSTEP khi đem hỏi một số giáo viên, phụ huynh và cả học sinh đều nhận được cái lắc đầu hoặc câu hỏi ngược lại: VSTEP là gì? Hoặc vấp phải sự nghi ngờ về chất lượng.

VSTEP là kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (tương đương trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2) của Việt Nam do bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào tháng 3/2015 với đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

“Nếu nhìn vào khung chuẩn cũng như phương thức thi thì để đạt được chứng chỉ VSTEP không hề đơn giản. Nhưng bên cạnh băn khoăn về việc chỉ được công nhận ở Việt Nam thì việc tổ chức thi, đánh giá liệu có chặt chẽ, đáng tin cậy không sẽ vẫn là rào cản để người học ít đặt tin tưởng vào chứng chỉ nội”, cô Lê Hồng, Giám đốc một trung tâm tiếng Anh trên địa bàn quận Ba Đình chia sẻ.

Nhìn vào đề án tuyển sinh của khoảng 100 trường đại học đã công bố, sẽ thấy rất ít trường sử dụng chứng chỉ VSTEP. Các trường thuộc top trên và hot như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân...vẫn chỉ sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL...

Một số ít trường đại học sử dụng chứng chỉ VSTEP trong tuyển sinh, trong đó có Đại học Bách Khoa Hà Nội, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây cũng là hai trong số 25 trường được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP.

Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đơn vị được đứng ra tổ chức thi cũng không đưa chứng chỉ VSTEP vào hệ thống tiêu chí xét tuyển. Lý giải về điều này, đại diện lãnh đạo nhà trường cho rằng thi đánh giá năng lực trở thành xu hướng chung của trường Đại học Sư phạm Hà Nội để lựa chọn thí sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo. Hiện tại, chứng chỉ ngoại ngữ trong xét tuyển đầu vào cũng khá hạn chế cả ở chuyên ngành đào tạo lẫn tỉ lệ tuyển sinh.

Trung tâm Ngôn ngữ và Hỗ trợ trao đổi học thuật, trường Đại học Bách Khoa là đơn vị được tổ chức ôn luyện và thi lấy chứng chỉ VSTEP thông tin về kỳ thi VSTEP tháng 3 khá sớm, cụ thể từ học phí, thời gian ôn luyện cũng như lệ phí thi. Các khóa luyện thi B1, B2 học phí đại trà 2,5 triệu học trong 10 buổi tối, Lớp B2 là 4 triệu... Lệ phí thi là 1,8 triệu.

So với gần 4,8 triệu lệ phí thi IELTS thì mức phí 1,8 triệu của VSTEP khá “dễ thở” với đa số phụ huynh. Nhưng chứng chỉ nội này vẫn chưa nhận được sự quan tâm từ phụ huynh, học sinh.

Làm sao để VSTEP khẳng định được vị trí trên “sân nhà”?

Đặng Trần Tùng, người đạt chứng chỉ IELTS 9.0 đồng thời là diễn giả truyền cảm hứng phương pháp để học giỏi tiếng Anh cho rằng mấu chốt của việc VSTEP chưa được sử dụng phổ biến như các kì thi khác là độ nhận diện thương hiệu của bài thi. VSTEP được giới thiệu khá muộn (khoảng từ cuối năm 2014), còn những bài thi phổ biến như TOEFL có từ năm 1964, IELTS từ năm 1980, TOEIC từ năm 1981...

“Bài thi chuẩn hoá đang là xu hướng và việc lựa chọn bài thi phản ánh đúng năng lực của thí sinh là yếu tố then chốt để các tổ chức nghề nghiệp và giáo dục kiểm soát đầu vào, đầu ra. Chính vì vậy, việc hưởng ứng một bài thi sinh sau đẻ muộn cũng có thể coi là hơi rủi ro.

Thay vào đó, những bài thi ra đời trước rất lâu chúng ta đều có thể nhìn vào chất lượng của rất nhiều thế hệ thí sinh đã thi để đánh giá được là kết quả họ cho ra có chuẩn xác hay không”, thầy giáo Đặng Trần Tùng lí giải VSTEP chưa được chào đón.

Hơn thế nữa, các bài thi chuẩn hoá quốc tế đều được các tổ chức giáo dục uy tín bảo trợ về mặt chuyên môn. Ví dụ, IELTS được quản lý bởi đại học trứ danh Cambridge của Anh Quốc cùng với Hội Đồng Anh và IDP. Bên cạnh đó, kì thi này cũng được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia ngoài Việt Nam. Bên cạnh đó, các đơn vị đồng sở hữu bài thi cũng liên tục có những chiến dịch truyền thông để phổ biến về cách ôn tập cũng như lợi ích của bài thi cho các bạn học sinh, sinh viên và người đi làm.

Để VSTEP thực sự có được giá trị như ban đầu kỳ vọng, bên cạnh việc các trường đại học thừa nhận khi tuyển sinh, thầy Tùng cho rằng, giá trị của một bài thi sau cùng vẫn nằm ở việc nó có đánh giá chính xác năng lực của người thi hay không. Bên cạnh việc được chấp nhận rộng rãi hơn tại các trường đại học, hoặc thậm chí là các công ty, VSTEP phải duy trì được sự cải tiến, cập nhật về đề thi, tránh tình trạng thí sinh có thể học tủ, học mẹo ghi được điểm số cao mặc dù năng lực không tương xứng. Đồng thời, cần có các nghiên cứu, khảo sát về trải nghiệm thi của thí sinh để chất lượng bài thi luôn được nâng cao.

Song song với việc đầu tư vào chất lượng và kiểm soát công tác khảo thí, việc tổ chức các chương trình truyền thông cũng rất quan trọng với việc phổ cập một bài thi.

Một yếu tố nữa mà VSTEP cũng có thể khai thác đó là chi phí, vì mặt bằng chung các chứng chỉ quốc tế đều khá đắt đỏ, nên nếu có thể đáp ứng nhu cầu kiểm tra năng lực tiếng Anh một cách chính xác mà chi phí lại vừa phải thì sẽ là yếu tố then chốt để VSTEP cạnh tranh với các bài thi khác, thầy Tùng phân tích thêm.

Mời quý vị bấm nút nghe nội dung này: